Hồ thủy điện Hòa Bình có khá nhiều nhà nổi, lồng bè nuôi trồng thủy sản song hầu hết không ảnh hưởng đến phương tiện thủy lưu thông
Phối hợp liên ngành tuyên truyền, quản lý
Hồ thủy điện Hòa Bình có tuyến đường thủy quốc gia, cũng là một trong những khu vực có hoạt động nuôi trồng thủy sản sôi động, thuộc địa bàn các huyện Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu và TP. Hòa Bình. Đến nay, trên hồ thủy điện Hòa Bình có hàng nghìn lồng bè cá, một số nhà hàng nổi.
Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy sản địa phương, trên vùng hồ thủy điện Hòa Bình có những trường hợp hộ nuôi trồng thủy sản lồng bè, nuôi trồng thủy sản lồng bè kết hợp với du lịch, dịch vụ... tự phát, không theo quy hoạch, không được giao, thuê mặt nước, không đăng ký lồng bè. Thực tế này đặt ra tình trạng cần có sự phối hợp quản lý đồng bộ để phát triển bền vững nghề, đảm bảo môi trường, ATGT đường thủy.
Từ góc độ đảm bảo ATGT đường thủy, thời gian qua, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I (Cục Đường thủy nội địa VN) đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc (trực tiếp là Đội Thanh tra – an toàn số 9 trước đây) chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan để các hộ nuôi trồng thủy sản, kinh doanh nhà hàng nổi. Trong đó, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra việc thực hiện theo định pháp luật đối với các lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được Cục Đường thủy nội địa VN có ý kiến chấp thuận, thỏa thuận vị trí lắp đặt lồng bè.
Đội Thanh tra – an toàn số 9 cho biết, thực hiện chỉ đạo của Cục Đường thủy nội địa VN, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I, thời gian qua, Đội đã chủ động mời chính quyền địa phương và lực lượng công an trên địa bàn có hoạt động về nuôi trồng thủy sản tham gia phối hợp để kiểm tra, thống kê rà soát việc thực hiện chấp hành các quy định của Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.
Qua kiểm tra cho thấy, trên tuyến đường thủy thuộc phạm vi quản lý của Đội 9 có 11 vị trí nuôi trồng thủy sản đã được Cục Đường thủy nội địa VN cho ý kiến chấp thuận vị trí lắp đặt, chủ yếu tập trung trên vùng hồ Hòa Bình thuộc địa bàn phường Thái Bình và xã Hòa Bình, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình (Km0+150 đến Km 3+000).
Thời điểm kiểm tra, 11 vị trí trên trong quá trình triển khai xây dựng, đầu tư nuôi trồng thủy sản. Trong đó 4 cơ sở là công ty, hợp tác xã, còn lại là các hộ kinh doanh cá thể đang trong quá trình xây dựng, mở rộng quy mô lồng cá bè trên diện tích đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Về đảm bảo ATGT đường thủy, một số nhà bè đã tiến hành lắp dựng hệ thống báo hiệu đường thủy, song do đặc thùy vùng hồ lên cao, độ sâu lớn không thả được phao theo phương án đã được trình duyệt, vì vậy mới chủ yếu lắp đặt báo hiệu mang tính cảnh báo.
"Trên thực tế hầu hết các cơ sở nuôi trồng thủy sản nằm ở các vị trí cách xa hàng trăm mét so với luồng chạy tàu, thậm chí nằm trong các hõm núi biệt lập với luồng chạy tàu, mật độ giao thông trên tuyến vùng hồ Hòa Bình ở mức độ rất nhỏ, nên không có sự ảnh hưởng nào đến giao thông vận tải đường thủy", theo lãnh đạo Đội Thanh tra – an toàn đường thủy số 9.
Dù vậy, Đội Thanh tra – an toàn số 9 phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 9 yêu cầu, đôn đốc các công ty và các chủ hộ nuôi trồng thủy sản tại khu vực lòng hồ Hòa Bình tuân thủ quy định về đảm bảo ATGT đường thủy. Cụ thể, khi triển khai dự án nuôi trồng thủy sản phải sớm lắp đặt hệ thống báo hiệu hoàn chỉnh cho công trình nuôi trồng thủy sản, luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT đường thủy, không để mất trật tự ATGT đường thủy tại khu vực nuôi trồng thủy sản.
Cùng đó, Đội tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương sở tại (xã, phường) và các cơ quan chức năng khác có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở, ngăn chặn các cơ sở nuôi trồng thủy sản lợi dụng vị trí đã được Cục Đường thủy nội địa VN cho ý kiến thỏa thuận vị trí đặt công trình để kinh doanh sai mục đích (làm dịch vụ du lịch, nhà hàng nổi...).
"Đồng thời, chúng tôi yêu cầu duy trì đảm bảo trật tự ATGT đường thủy, xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân kinh doanh nuôi trồng thủy sản không chấp hành pháp luật giao thông đường thủy gây cản trở ảnh hưởng mất trật tự ATGT đường thủy tại khu vực nuôi trồng thủy sản", lãnh đạo Đội Thanh tra – an toàn số 9 cho biết thêm.
Nhà hàng nổi, lồng bè cá phải lắp đặt báo hiệu đường thủy
Theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, không riêng khu vực trên, trong những năm qua, Cục Đường thủy nội địa VN, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I thường xuyên chỉ đạo các Đội Thanh tra - an toàn trực thuộc tổ chức tổng rà soát các nhà hàng, nhà nổi, bè nuôi trồng thủy, hải sản trên các tuyến đường thủy quốc gia khu vực phía Bắc. Công tác trên rà soát nhằm thống kê các trường hợp có phép, không phép hoạt động và mức độ ảnh hưởng đến giao thông đường thủy. Trường hợp vi phạm, Chi cục sẽ đề nghị chính quyền địa phương di dời đối với các trường hợp nhà nổi, bè ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, thậm chí xử lý vi phạm hành chính. Điển hình, năm 2023, một trường hợp nhà hàng nổi hoạt động trên sông Thái Bình tại khu vực Cống Câu (TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) bị liên ngành bảo đảm ATGT đường thủy phối hợp kiểm tra, lập biên bản vi phạm và xử phạt gần 70 triệu đồng do hoạt động không phép.
Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, theo quy định tại Nghị định số 08/2021 của Chính phủ về quản lý hoạt động đường thủy nội địa (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2021), bên cạnh các công trình cố định trên đường thủy buộc phải lắp đặt báo hiệu đường thủy (luồng, cảng, bến, kè đập, công trình vượt sông...), nhà hàng, khách sạn nổi (khi neo đậu) và vị trí diễn ra hoạt động trên sông nước phải lắp đặt thiết bị báo hiệu giao thông đường thủy (phao, biển báo, đèn hiệu và thiết bị phụ trợ khác).
Các hoạt động phải thiết lập báo hiệu đường thủy gồm: thi công công trình, thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản; khu vực nuôi trồng thủy sản, hải sản (bè cá, lồng cá, đăng, đáy cá, bãi nuôi trồng thủy sản, hải sản); tổ chức vui chơi, giải trí, diễn tập, thể thao, lễ hội; họp chợ, làng nghề; hoạt động thực hành đào tạo nghề trên đường thủy nội địa, hành lang bảo vệ luồng, vùng nước ngoài phạm vi luồng có hoạt động vận tải hoặc trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa; khu vực tổ chức điều tiết, thường trực chống va trôi, hỗ trợ giao thông, hạn chế giao thông; các hoạt động khác ảnh hưởng đến ATGT đường thủy nội địa.
Về trách nhiệm thiết lập báo hiệu, nghị định quy định chủ công trình, tổ chức, cá nhân gây ra vật chướng ngại; tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động có trách nhiệm thiết lập và chi trả kinh phí thiết lập, duy trì báo hiệu theo quy định trong suốt thời gian xây dựng công trình, tổ chức hoạt động và thời gian tồn tại của công trình.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.