Không đình chỉ CSGT đạp người vi phạm, cộng đồng mạng tranh cãi lớn

Xã hội 22/07/2016 05:07

Công an Hà Nội không tạm đình chỉ công tác trung uý Nguyễn Hoàng Anh vì cho rằng không có vi phạm gì nghiêm trọng trong quá trình làm nhiệm vụ.

 

Không đình chỉ CSGT đạp người vi phạm, cọ
Không đình chỉ CSGT đạp người vi phạm, cộng đồng mạng tranh cãi lớn

Tối 21-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Đào Vịnh Thắng, trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an Hà Nội, cho biết đơn vị này không có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với trung uý Hoàng Anh (đội CSGT số 3) - người xuất hiện trong clip CSGT “giơ chân” cản người vi phạm.

Hiện trung uý Hoàng Anh vẫn làm việc bình thường ở đội nhưng tạm thời không được giao việc ngoài đường để báo cáo phục vụ công tác giải quyết kiểm tra vụ việc.

“CSGT không lao ra đạp người vi phạm”

Cũng theo đái tá Thắng, ngay sau khi vụ việc xảy ra PC67 đã cử cán bộ đi kiểm tra, xác minh đầy đủ.

Kết quả ban đầu xác định: Ngày 18-7 tổ công tác của đội CSGT số 3 làm nhiệm vụ trên phố Xã Đàn, Q.Đống Đa phát hiện một số người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, khi khám xét phát hiện tàng trữ ma tuý nên bắt giữ và bàn giao cho Công an phường Nam Đồng.

Ngay sau đó khoảng 20 phút, tổ công tác phát hiện hai người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm nên ra hiệu lệnh dừng xe.

Người điều khiển xe là anh Nguyễn Văn Tuấn, 20 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc, quay đầu xe bỏ chạy vào đường ngược chiều với tốc độ cao.

Nhận thấy hành vi bỏ chạy có nhiều dấu hiệu vi phạm, có thể là đồng phạm của các đối tượng tàng trữ ma tuý, đồng thời gây nguy hiểm cho người đi đường nên trung uý Hoàng Anh ra ngăn chặn.

Về thông tin trên mạng cho rằng CSGT đá vào người vi phạm khiến cho xe đâm vào dải phân cách cứng, ngã ra đường theo lãnh đạo PC67 kết quả xác minh ban đầu: “Không có chuyện cán bộ chiến sĩ lao ra đá vào người vi phạm”.

Theo PC67, hình ảnh trung uý Hoàng Anh giơ chân lên là do tình huống nguy hiểm, người vi phạm cố tình lạng lách, tông xe thẳng vào người CSGT nên trung uý Hoàng Anh giơ chân theo phản xạ.

Việc CSGT lao ra ngăn chặn là đúng vì lúc đó đường đông, người vi phạm đi vào đường ngược chiều với tốc độ nhanh gây nguy hiểm cho chính họ, lao thẳng vào người CSGT gây nguy hiểm cho người làm nhiệm vụ đồng thời gây nguy hiểm cho người dân, dễ gây tai nạn.

Về thông tin lãnh đạo đội 3 cho biết đã tạm đình chỉ công tác đối với trung uý Hoàng Anh, ông Thắng giải thích: “Thông tin như vậy là chưa chính xác, có thể ban đầu dưới đội không nắm bắt đầy đủ vụ việc nên trả lời báo chí như thế còn ở cấp phòng tôi khẳng định không có quyết định đình chỉ công tác đồng chí Hoàng Anh”.

Ông Thắng cho biết thêm đã mời người vi phạm lên làm việc để ra quyết định xử phạt 2 triệu đồng và tạm giữ xe 1 tháng về các hành vi không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, không có bằng lái, không có đăng ký xe, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát…

Rút kinh nghiệm việc ngăn chặn người bỏ chạy

Cùng ngày, một lãnh đạo Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Bộ Công an, cho biết hướng xử lý có thể rút kinh nghiệm đối với trung uý Hoàng Anh vì theo đánh giá khách quan, đúng bản chất vụ việc không phải chiến sĩ CSGT cố tình đạp người vi phạm mà đang ngăn chặn người bỏ chạy vào đường ngược chiều gây nguy hiểm cho người dân.

Tuy nhiên lực lượng CSGT sẽ rút kinh nghiệm chung, đưa ra những bài học nghiệp vụ trong trường hợp tương tự để có cách giải quyết phù hợp và an toàn.

Trước đó, trả lời một số ý kiến cho rằng CSGT đạp người vi phạm gây nguy hiểm, trung uý Hoàng Anh cũng lên tiếng giải thích: "Người vi phạm đi với tốc độ rất nhanh, lạng lách và lao thẳng vào người nên tôi giơ chân và bật nhảy".

Sau khi clip “CSGT giơ chân người vi phạm lao vào dải phân cách” được đưa lên mạng, dư luận đặc biệt quan tâm, đưa ra nhiều ý kiến đồng tình với việc quyết liệt ngăn chặn xe máy vi phạm đi vào đường ngược chiều.

Cộng đồng mạng chia thành hai “phe”: một bên không đồng tình trong khi đa số ủng hộ CSGT đồng thời phê phán nghiêm khắc người vi phạm giao thông bỏ chạy gây nguy hiểm cho người dân.

Ý kiến của bạn

Bình luận