Ảnh minh họa |
Nếu ngân hàng không giữ đăng ký ôtô bản chính để đảm bảo tài sản hình thành từ vốn vay, chủ xe có thể bán và ngân hàng mất vốn. Xung quanh sự việc ồn ào nói trên, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) liên tục có văn bản kiến nghị các bộ ngành tháo gỡ vướng mắc.
Ngày 17/7, VNBA cho biết mới gửi công văn số 154/HHNH-PLNV lên 3 bộ Công an, Tư pháp, Giao thông Vận tải phản ánh khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện Công văn số 2916/C67-P9 ngày 31/5/2017 của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) về việc hướng dẫn công an các tỉnh, thành phố xử lý vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng nhận thế chấp.
Ngân hàng than phiền
Theo công văn này, các tổ chức tín dụng rất hoang mang, lo lắng, nhất là những ngân hàng thương mại có dịch vụ cho vay tiêu dùng mua ôtô chiếm tỷ trọng lớn.
Thực tế, có những ngân hàng tỷ trọng dư nợ lĩnh vực này khoảng 30%, trong đó tỷ lệ khoản vay được đảm bảo chính bằng xe ôtô hình thành từ vốn vay chiếm khoảng 90% với giá trị mỗi khoản vay lên tới 80 – 90% giá trị xe.
Nhiều ngân hàng đã có khách hàng yêu cầu được nhận lại bản chính giấy đăng ký xe đang thế chấp tại ngân hàng do bị xử phạt khi sử dụng bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng nhận thế chấp.
Trong khi đó, xe ôtô là một tài sản đặc thù, các tổ chức tín dụng nói chung đều không thể quản lý cầm giữ xe ôtô mà chỉ có thể kiểm soát được rủi ro thông qua giữ bản chính giấy đăng ký xe.
Nếu để bên thế chấp vừa giữ ôtô vừa giữ bản chính giấy đăng ký xe thì khách hàng vay vốn có thể tự động chuyển nhượng, mua bán, cho thuê, cầm đồ...
Trong trường hợp đó, tổ chức tín dụng không thể kiểm soát, quản lý được khoản vay, không thể xử lý, thanh lý khoản vay khi khách hàng không trả được nợ, có nguy cơ sẽ làm tăng nợ xấu của tổ chức tính dụng. Từ đó, các tổ chức tín dụng sẽ e ngại cho vay, hạn chế sự tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân đối với lĩnh vực này.
Tương tự trên, ngày 12/7, Ngân hàng Nhà nước cũng gửi văn bản tới các bộ Tư pháp, Công an phản ánh những khó khăn khi ngân hàng không được giữ giấy tờ đăng ký ôtô bản chính.
“Điều này có thể dẫn tới các tổ chức tín dụng phải ngừng cho vay có thế chấp bằng phương tiện giao thông vận tải. Khi đó, người dân, doanh nghiệp sẽ không còn có cơ hội để vay vốn; bị giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp”, văn bản viết.
Chờ nghị định mới quy định rõ
Theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước tại văn bản số 5486/NHNN-PC ngày 12/7 gửi các bộ Tư pháp, Công an phản ánh bất cập nêu trên thì thực tiễn thực hiện quy định của Nghị định 163/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP) về bên thế chấp giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với bên nhận thế chấp.
Ngoài ra, Bộ Luật dân sự 2015 có quy định rõ bên nhận thế chấp có quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp nếu các bên có thỏa thuận. Do đó, việc quy định bên thế chấp giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, đồng thời vẫn giữ tài sản thế chấp như quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP) đã không còn phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 và dẫn tới những khó khăn, vướng mắc như đã nảy sinh trong thời gian qua.
Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Bộ Tư pháp cần hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP, Nghị định 11/2012/NĐ-CP theo hướng quy định bên nhận thế chấp có quyền giữ bản chính giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự 2015.
Trong thời gian chờ nghị định này, Bộ Công an cần chỉ đạo công an các cấp chấp nhận để người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của tổ chức tín dụng khi lưu thông phương tiện giao thông.
Trong khi đó, theo phân tích của luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, việc cảnh sát giao thông xử phạt lái xe ôtô không xuất trình bản gốc đăng ký xe là đúng theo khoản 1 Điều 58 về “Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông”.
Hơn nữa, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng quy định: lái xe điều khiển phương tiện phải mang theo một trong các giấy tờ đó là đăng ký.
“Nhưng trái lại, ngân hàng khi cho vay mua ôtô mà không giữ đăng ký như là thứ bảo bối thì rất rủi ro, có thể mất vốn. Trong trường hợp ngân hàng cứ giữ bản gốc đăng ký xe thì khách hàng lại khổ vì bị phạt”, ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Từ thực tiễn trên, VNBA kiến nghị: một là, Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông không xử phạt người điều khiển ôtô mang theo bản sao có xác nhận của ngân hàng nhận thế chấp.
Hai là, Bộ Tư pháp nhanh chóng hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 163 và nghị định 11 để phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015. Ba là, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Thanh tra giao thông cho phép lái xe xuất trình đăng ký ôtô bản sao có xác nhận của ngân hàng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.