"Không lo ngại chất lượng khi cổ phần hóa các trung tâm đăng kiểm"

Giao thông 24h 12/11/2015 14:16

Cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập và Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ thuộc Bộ Giao thông Vận tải.


 

khong-lo-ngai-chat-luong-khi-co-phan-hoa-cac-trung
Kiểm tra hệ thống chiếu sáng ôtô tại Trung tâm đăng kiểm cơ giới Đà Nẵng. (

Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập và Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ thuộc Bộ Giao thông Vận tải. 

Nhân sự việc này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã trao đổi với ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam xung quanh việc xây dựng phương án thí điểm cổ phần hóa các trung tâm đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.

- Ông có thể chia sẻ công tác chuẩn bị cho việc thí điểm cổ phần hóa các trung tâm đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam?

Ông Nguyễn Hữu Trí: Trên tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ về vấn đề xã hội hóa các ngành nghề, dịch vụ công lập, dịch vụ công ích hay những ngành nghề pháp luật không cấm.... Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có báo cáo đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải về việc xây dựng phương án thí điểm cổ phần hóa các trung tâm đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam .

Hiện tại Cục Đăng kiểm Việt Nam có 4 trung tâm đăng kiểm chưa thực hiện xã hội hóa là Trung tâm đăng kiểm 2901V và 2902V (tại Hà Nội), Trung tâm đăng kiểm 1501V (Hải Phòng) và Trung tâm đăng kiểm 1901V (Phú Thọ)

Về phía Cục Đăng kiểm Việt Nam, ngay từ năm 2005, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã xây dựng đề án xã hội hóa, trong quá trình thực hiện có nhiều giai đoạn, có giai đoạn để thử nghiệm công tác quản lý, Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện phương án cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư cơ sở vật chất và con người.

Tuy nhiên, có thời kỳ Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo xã hội hóa trung tâm đăng kiểm theo hình thức chỉ cho phép doanh nghiệp tư nhân được đầu tư cơ sở vật chất còn nguồn nhân lực vẫn do các Sở Giao thông Vận tải địa phương và Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện.

Cuối năm 2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ký ban hành Thông tư 59/TT-BGTVT cho phép mở rộng các thành phần kinh tế có thể tham gia thực hiện xã hội hóa các đơn vị công lập trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải.

Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng phương án để tiến hành thực hiện cổ phần các trung tâm đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Hiện nay, việc xác định đơn vị nào thực hiện thí điểm sẽ do Bộ Giao thông Vận tải quyết định, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ có đề xuất các đơn vị để Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn.

- Vậy hướng cổ phần hóa các đơn vị này như thế nào, nhà nước có nắm giữ cổ phần tại các trung tâm này hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Trí: Hiện nay, mô hình xã hội hóa các trung tâm đăng kiểm có hai mô hình, một là mô hình 100% tư nhân đầu tư cơ sở vật chất và đồng thời tổ chức thực hiện luôn.

Mô hình thứ hai là xã hội hóa việc đầu tư cơ sở vật chất còn về nhân lực vẫn do các Sở Giao thông Vận tải hoặc Cục Đăng kiểm Việt Nam đảm nhận.

Hiện, mô hình thứ hai cũng chiếm khoảng 50% số lượng các trung tâm đăng kiểm trên cả nước. Ví dụ tiêu biểu như ở Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao thông Vận tải thành phố quản lý về nhân lực, cơ sở vật chất của các trung tâm đăng kiểm do doanh nghiệp tư nhân đầu tư.

Có thể nói, nhiều doanh nghiệp tư nhân có khả năng đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm đăng kiểm nhưng các doanh nghiệp này lại không có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn để quản lý đội ngũ kỹ thuật thực hiện việc đăng kiểm.

Mặt khác, hoạt động đăng kiểm cũng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn mong muốn cơ quan quản lý nhà nước quản lý đội ngũ kỹ thuật.

Về thực hiện cổ phần hóa 4 trung tâm đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện có hai quan điểm mở.

Thứ nhất, nếu thực hiện cổ phần hóa các trung tâm đăng kiểm này thì toàn quốc sẽ có thêm 4 trung tâm đăng kiểm được xã hội hóa theo mô hình mới là 100% vốn do doanh nghiệp tư nhân đầu tư và 100% nguồn nhân lực do của các doanh nghiệp này.

Khi đó, việc quản lý, điều hành 4 trung tâm này cũng có nhiều thuận lợi vì mô hình quản lý hoạt động giống hệt như gần 20 trung tâm đăng kiểm đang thực hiện theo mô hình này hiện nay.

Thứ hai, là các trung tâm này sẽ do doanh nghiệp tư nhân nắm 100% hay nhà nước vẫn nắm một phần cổ phần của các trung tâm này thì sẽ còn phụ thuộc vào một số yếu tố.


Cụ thể, nếu Nhà nước mong muốn thoái hết vốn để cho doanh nghiệp tư nhân nắm 100% vốn nhưng phía các nhà đầu tư chỉ có khả năng đầu tư được cơ sở vật chất còn nguồn nhân lực họ không thể lo được, khi đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Sở Giao thông Vận tải địa phương phải đứng ra hỗ trợ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp này.

Theo quan điểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam đối với việc cổ phần hóa 4 trung tâm đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ đề xuất theo phương án cổ phần toàn bộ, nhà nước không nắm giữ cổ phần tại các đơn vị này.

- Lĩnh vực đăng kiểm là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, vậy khi thực hiện xã hội hóa các trung tâm đăng kiểm, việc quản lý các trung tâm này sẽ như thế nào để đảm bảo các yêu cầu đề ra, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Trí: Có thể khẳng định các trung tâm đăng kiểm do thành phần kinh tế nào đầu tư đều được tổ chức quản lý theo một yêu cầu, tiêu chuẩn chung thống nhất. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Cục Đăng kiểm Việt Nam đối với các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc là như nhau.

Về biện pháp quản lý chất lượng các trung tâm này, Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp. Cụ thể, thứ nhất về văn bản quy phạm pháp luật, Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng một bộ tiêu chuẩn đăng kiểm chung thống nhất trên toàn quốc, tức là các yêu cầu tiêu chuẩn, kỹ thuật cũng như quy trình đều được xây dựng thống nhất và yêu cầu tất cả các trung tâm đăng kiểm thực hiện giống nhau.

Các đơn vị sau khi đi vào hoạt động đều được hướng dẫn chi tiết và đều phải thực hiện giống nhau. Chính vì thế mà chúng ta có thể thực hiện được việc đăng kiểm tại bất cứ cơ sở nào trên toàn quốc không phân biệt phương tiện xe cơ giới được đăng ký ở đâu.

Biện pháp thứ hai là hiện nay, việc thực hiện kiểm định đều được quản lý trên mạng, các phần mềm của các trung tâm được nối thiết bị với nhau và được kết nối với phần mềm chung do Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng cấp miễn phí cho các Trung tâm.

Phần mềm nối thiết bị của trung tâm đăng kiểm sẽ được kết nối vào phần mềm quản lý chung của Cục Đăng kiểm Việt Nam và số liệu được truyền về hàng ngày nên có thể theo dõi, kiểm tra tất cả các vấn đề như chu kỳ đăng kiểm, các công đoạn đăng kiểm của được các trung tâm thực hiện đúng không...

Biện pháp thứ ba, các trung tâm đăng kiểm đều phải lắp hệ thống camera và phải truyền hình ảnh trực tiếp về hai điểm cầu là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh do Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý để theo dõi xem quy trình thực hiện các công đoạn đăng kiểm. Đây chính là biện pháp kiểm tra từ xa của Cục Đăng kiểm Việt Nam .

Biện pháp tiếp theo là kiểm tra đánh giá định kỳ, theo đó hàng năm đều có đánh giá, kiểm tra định kỳ để xem xét thiết bị, máy móc, vật chất, nhân lực... của các trung tâm có được duy trì theo yêu cầu hay không, về quản lý hồ sơ sổ sách như thế nào, số liệu báo cáo có đúng không...

Tiếp theo là biện pháp kiểm tra đột xuất, Cục Đăng kiểm Việt Nam có bộ phận chuyên ngành để đi kiểm tra đột xuất các trung tâm nếu thấy cần thiết, đặc biệt là các trung tâm đăng kiểm có đơn thư phản ánh của dân, của doanh nghiệp hay năng suất của Trung tâm đó có tăng giảm bất thường sẽ được kiểm tra đột xuất.

Với tất cả các biện pháp đó cùng với sự kết hợp sự quản lý, kiểm tra của các Sở Giao thông Vận tải địa phương, chắc chắn sự quản lý về chất lượng các trung tâm đăng kiểm sẽ được đảm bảo dù trung tâm đó do thành phần kinh tế nào sở hữu.

- Xin chân thành cảm ơn ông./.

Ý kiến của bạn

Bình luận