Thí sinh sau giờ thi THPT Quốc gia 2015 tại hội đồng thi trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội |
TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết đổi mới học tập, thi cử là điều cần thiết trong giai đoạn học sinh đang chịu nhiều áp lực học hành hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Nhĩ, kỳ thi THPT quốc gia 2015 với hai mục đích bộc lộ nhiều khuyết điểm, dư luận đã nói rất nhiều, ngành giáo dục nên lắng nghe, có giải pháp và không nên bảo thủ.
Ông Nhĩ chỉ ra những hậu quả nếu tiếp tục tổ chức kỳ thi 2 trong 1. Cụ thể, việc cho thí sinh thi 3 môn bắt buộc Văn, Toán, Ngoại ngữ và lựa chọn một môn học sẽ dẫn đến học lệch.
“Ngay khi bước vào THPT, nhiều học sinh sẽ chỉ học 4 môn để tốt nghiệp cùng lắm là 6 môn để thi đại học, những môn như Lịch sử sẽ ngày càng ít người học”, TS Nhĩ nói. Bên cạnh đó, việc buộc phải đăng ký vào các ngành học không đúng nguyện vọng, sở thích như kỳ thi 2015 sẽ dẫn đến nguồn nhân lực trong ít năm tới không đạt như mong muốn.
Là người làm giáo dục ở cơ sở, PGS Văn Như Cương cho rằng, nếu Bộ GD&ĐT không lắng nghe dư luận thì “hai trong một không chột cũng què”. Theo ông Cương, lồng mục đích thi tốt nghiệp trong kỳ thi chung là vô nghĩa bởi điều kiện để đạt tốt nghiệp của học sinh là tính điểm học tập lớp 12 cộng điểm thi.
Trong khi, điểm thi mỗi môn, thí sinh chỉ cần không bị điểm liệt là đỗ. Với điều kiện như vậy, tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp rất cao, các trường cũng có thể sửa điểm, nâng điểm học sinh để tránh bị trượt. “Bộ GD&ĐT không nên ôm đồm tổ chức kỳ thi rầm rộ, kéo dài tới 4 ngày mà nên giao cho các Sở GD&ĐT, các trường tự thi tốt nghiệp”, ông Cương nói.
Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô Võ Thế Quân đánh giá ngành giáo dục phớt lờ dư luận tiếp tục sáp nhập 2 kỳ thi vào 1 là một sai lầm bởi hai kỳ thi với hai mục đích khác nhau không thể gượng ghép vào một.
Giải pháp tránh học lệch
“Bộ GD&ĐT không nên ôm đồm tổ chức kỳ thi rầm rộ, kéo dài tới 4 ngày mà nên giao cho các Sở GD&ĐT, các trường tự thi tốt nghiệp”. PGS Văn Như Cương |
Ông Trần Xuân Nhĩ cho rằng, năm tới, Bộ GD&ĐT nên tách riêng hai kỳ thi. Trong đó, việc thi tốt nghiệp THPT giao cho các Sở GD&ĐT tổ chức. Nếu Bộ không yên tâm về công tác tổ chức thì nên ra đề và quy chế thi. Về môn thi, không nên để học sinh thi 3 môn bắt buộc và một môn tự chọn mà nên thi Toán, Văn, Ngoại ngữ và một bài thi tổng hợp kiến thức tự nhiên, một bài thi tổng hợp kiến thức xã hội. Như vậy sẽ rất phù hợp với việc đổi mới nội dung, phương pháp học tập như hiện nay, học sinh sẽ không học lệch, đảm bảo trình độ, sự hiểu biết của một học sinh tốt nghiệp THPT.
Ông Võ Thế Quân đề xuất giải pháp buộc học sinh phải học tất cả các môn bằng cách, ngoài ba môn bắt buộc Bộ GD&ĐT sẽ chọn một trong các môn gồm: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa. Cách làm này đảm bảo học sinh không thể học lệch.
Ông Hồ Quang Diệu, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp năm nào cũng có tỉ lệ thí sinh đỗ rất cao. Có năm, nhiều địa phương tỉ lệ đỗ tới 98-99%. Vì thế, giải pháp giao cho các địa phương tự thi hoặc xét tốt nghiệp là điều cần thiết. “Tổ chức một kỳ thi tốn kém tiền bạc, công sức mà không đem lại hiệu quả thì không nên tổ chức”, ông Diệu khẳng định.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.