Ngày 16/1/2023 (tức ngày 25 tháng Chạp năm 2022) lớp thảm bê tông nhựa cuối cùng tại Km1349-1350 (phía Bắc cầu Cây Tra) hoàn thành vượt thời gian dự kiến đề ra của đơn vị thi công. Trước đó, tranh thủ thời gian nắng ráo, các nhà thầu thi công tăng ca, xuyên đêm huy động nhân lực, phương tiện, vật tư chạy đua với thời gian khắc phục, sửa chữa mặt đường QL1 qua tỉnh Phú Yên. Trung bình một ngày, các đơn vị thi công huy động trên 60 đầu thiết bị máy móc, trong đó, 2 dây chuyền máy CBTS, 3 dây chuyền thảm BTN, 5 mũi vá sửa ổ gà nhỏ lẻ BTN, 5 máy cào bóc mặt đường.
Với sự huy động nhân lực, phương tiện "hùng hậu", trong ngày 14/1, công tác thi công sửa chữa mặt đường Km1372+100 - Km1372+400 đang được nhà thầu nỗ lực hoàn tất công đoạn cuối cùng thảm bê tông nhựa nóng.
Tại Đèo Nại, từ Km1269-1270, đến 12h15 trưa cùng ngày, công tác thảm nhựa bê tông nóng cũng cơ bản hoàn thành. Sau khi thực hiện xong công tác thảm bê tông nhựa, đoạn Km1344-1345 qua cầu Bàn Thạch công tác sơn tim đường cũng đã hoàn thành.
Trong ngày, tại vị trí sửa chữa Km 1311 đèo Quán Cau, công tác sửa chữa mặt đường hư hỏng đã được nhà thầu Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Khánh Hòa hoàn tất.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó giám đốc Khu QLĐB III (Cục Đường bộ Việt Nam) thông tin, đến ngày 16/1, công tác vá ổ gà hư hỏng mặt đường tuyến QL1 qua Phú Yên đã hoàn thành 3.250/43.500m2, khối lượng còn lại phải vá BTN là 250/43.500m2, mục tiêu sẽ hoàn thành vào ngày 27 tháng Chạp (tức ngày 18/1).
Theo ông Bình, trong năm 2022, trên khu vực địa bàn tỉnh Phú Yên, Khu QLĐB III (Cục QLĐB III trước đây) quản lý đã chịu ảnh hưởng của các cơn bão số 4 (cơn bão NORU), số 5 (cơn bão SONCA) kèm theo các đợt mưa lớn kéo dài, liên tục và rải rác cục bộ. Kể từ ngày cơn bão số 4 đổ bộ (27/9/2022 đến 16/01/2023 có tổng số 55 ngày mưa/108 ngày).
Video cận cảnh tăng ca, xuyên đêm thực hiện sửa chữa mặt đường QL1 qua Phú Yên
Cùng với đó, do điều kiện địa chất, thủy văn bất lợi (nhiều đoạn xuất hiện nước ngầm, đặc biệt tại các đoạn đèo Nại, đèo Quán Cau, dốc Găng, dốc Vườn Xoài); số ngày mưa kéo dài gây chậm trễ thi công và cứ sau mỗi trận mưa lại phát sinh thêm hư hỏng mặt đường; đá dăm dùng sản xuất BTN dính bám kém với nhựa nên phải chở đá từ Khánh Hòa ra hoặc sử dụng phụ gia tăng dính bám để đảm bảo chất lượng; kinh phí chưa được bố trí nên nhà thầu thi công phải tự bỏ kinh phí ra làm, mưa phải dừng thi công nhưng phải trả tiền thuê máy và lương nhân công, đã có 3 đơn vị có văn bản xin từ chối không làm.
Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, vượt khó, Khu QLĐB III đã huy động 5 đơn vị thi công khắc phục, sửa chữa hư hỏng mặt đường QL1 qua Phú Yên.
Cụ thể, Công ty TNHH TM&XD Tuấn Tú thi công khắc phục thiên tai từ Km1265 – Km1278 và Km1303 – Km1308; Công ty CP QL&XDĐB Bình Định thi công BTN đoạn Km1269 – Km1272; Công CP CP Xây dựng 469 đảm nhân thi công cào bốc tái sinh đoạn từ đèo Nại từ Km1269 – Km1272 và đèo Quán Cau từ Km1308 -1312; Công ty CP QL&XDĐB Khánh Hòa thi công khắc phục thiên tai đoạn từ Km1308 – 1321 và Km1338 – Km1366 và Công ty CP QL&SCCĐB Phú Yên thi công khắc phục thiên tai đoạn từ Km1321 – 1338.
Ông Bình cho biết, với nỗ lực tăng ca, xuyên đêm thi công, đến ngày 16/1, các đơn vị đã hoàn thành xử lý hư hỏng móng mặt đường 49.000m2/49.000m2 và thảm mặt BTN: 45.800/49.000m2, còn lại phải thảm BTN: 3.200/49.000m2..
"Đến thời điểm hiện tại (16/01/2023), các đơn vị thi công tiếp tục duy trì 1 dây chuyền thảm BTN để thảm 400md/3.200m2 đoạn chân dốc đèo Nại từ Km1272+400 - Km1272+800; 2 mũi vá ổ gà nhỏ lẻ. Kế hoạch đến 18/01/2023 (27 tháng Chạp) sẽ hoàn thành, đảm bảo cho người và phương tiện lưu thông thuận lợi và an toàn", ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, đối với 3 dự án sửa chữa định kỳ mặt đường các đoạn cục bộ (DA 1: Km1298-1300; DA 2: Km1344-1345; DA 3: Km1348-1350), đến nay đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng, vượt tiến độ; hoàn thành xử lý móng và thảm mặt đường: 29.180m2/ 40.530m2.
Video các đơn vị thi công tăng ca, tăng tốc thi công khắc phục hư hỏng mặt đường QL1 qua Phú Yên
Ông Bình cho biết thêm, năm nay, đoạn hư hỏng QL1 qua tỉnh Phú yên được xử lý kiên cố, bền vững hóa, xử lý nước ngầm, đồng thời cào bóc tái sinh mặt đường hư hỏng để thảm lại các lớp bê tông nhựa C19, C16…
"Khu QLĐB III tin tưởng rằng các đoạn hư hỏng đã được sửa chữa trong năm 2022 sẽ đảm bảo chất lượng, kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, còn nhiều vị trí/đoạn tuyến hiện đang xuống cấp, hư hỏng nặng chưa được đầu tư sửa chữa nên có nguy cơ sẽ phát sinh hư hỏng nặng trong mùa mưa bão năm 2023 địa bàn Phú Yên.
Vì vậy, Khu QLDB III sẽ tiếp tục tăng cường bảo dưỡng mặt đường và rà soát để báo cáo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư nhằm sửa chữa mặt đường, hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2023, nhằm ngăn ngừa tình trạng giao thông lại tiếp tục ách tắc, đi lại khó khăn trên tuyến QL1 qua địa bàn Phú Yên, gây bức xúc dư luận như năm 2021, 2022 vừa qua", ông Bình thông tin.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.