Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: Bộ GD&ĐT. |
- Thưa thứ trưởng, qua kiểm tra công tác chuẩn bị thi của nhiều địa phương trong thời gian qua, ông có đánh giá như thế nào?
- Năm nay, Bộ GD&ĐT công bố phương án thi rất sớm, lên kế hoạch ngay khi kết thúc năm học nên các địa phương cũng đã biết nhiệm vụ của mình. Các địa phương đã có kế hoạch và sự chuẩn bị từ rất sớm nên hầu hết địa phương mà đoàn đi kiểm tra đã có sự chuẩn bị chu đáo.
Bộ đã quy định địa phương đóng vai trò chủ trì trong công tác tổ chức thi. Trước đây, họ cũng đứng ra chủ trì thi nhưng chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Đây là lần đầu tiên các địa phương đứng ra gánh vác trọng trách của kỳ thi cho 2 mục đích gồm xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học và cao đẳng.
Với vai trò trách nhiệm như vậy, các địa phương cũng ý thức được trọng trách của mình nên đã huy động tất cả nguồn lực tốt nhất cho kỳ thi, tất cả sở - ban - ngành ở các địa phương đều vào cuộc.
- Trong các khâu từ tập huấn, sao in đề thi, bảo mật đề thi, coi thi, chấm thi…, đâu là vấn đề thứ trưởng thấy còn băn khoăn khi mà năm nay, vai trò chủ trì được giao cho các sở GD&ĐT địa phương?
- Trong kỳ thi này, tất cả khâu đều quan trọng bởi chỉ cần sơ hở nhỏ là sẽ ảnh hưởng lớn đến kỳ thi. Do vậy, bộ đã nhắc nhở các trường đại học phối hợp, các địa phương phải hết sức thận trọng thực hiện đúng theo quy chế.
Đối với công tác in sao đề thi năm nay, số lượng tăng nên khâu in sao đề thi ở các địa phương bị áp lực hơn nhiều. Khâu in sao đề thi có các chi tiết về các bước tiến hành nên để tránh sai sót, các sở cần phải thực hiện theo đúng quy trình...
Tất cả khâu tổ chức từ đề thi, coi thi, chấm thi sẽ được bảo đảm an toàn, khách quan để các trường đại học an tâm sử dụng kết quả thi cho xét tuyển đại học.
- Nhiều ý kiến lo ngại tiêu cực có thể xảy ra sau khi bài thi được đưa về nơi tập trung. Thí sinh làm bài thi trắc nghiệm bằng bút chì nên rất dễ thay đổi kết quả nếu khâu bảo vệ bài thi không chặt?
- Bộ đã lường trước việc phát sinh tiêu cực trong quá trình bàn giao, chuyển phiếu làm bài của thí sinh. Nhưng trong quá trình chấm thi đã có bộ phận an ninh giám sát. Ban chấm thi có nhiều người để đưa bài thi vào máy quét, đưa kết quả vào máy tính...
Tất cả quy trình đó đều quy định rất chặt chẽ, có an ninh, có ban chấm thi, có kỹ thuật viên... thì không ai có thể tác động được. Do vậy, có thể yên tâm việc chấm hoàn toàn khách quan.
- Hai năm qua, các trường đại học đóng vai trò chủ trì trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, năm nay, địa phương nắm vai trò chủ trì. Vậy ông có lo ngại bệnh thành tích sẽ trỗi dậy?
- Trong phương thức thi như năm nay, bệnh thành tích không thể len lỏi. Địa phương có muốn thay đổi kết quả cũng không thể làm được. Vấn đề là quan điểm đề thi như thế nào.
Trước đây, đề thi ĐH rất khó nên rất nhiều em làm bài không có kết quả tốt nhưng bây giờ. Đề thi không quá khó bởi 60% là kiến thức cơ bản nên các em có kết quả học trung bình đều có thể làm được, 40% phân loại để xét tuyển ĐH.
Ngoài ra, kết quả thi chỉ chiếm 50% để đánh giá để xét tốt nghiệp THPT, 50% còn lại dựa vào quá trình học ở THPT. Do vậy, nếu các em có quá trình học THPT tốt, kết quả thi THPT quốc gia có kết quả trung bình vẫn có thể tốt nghiệp THPT.
Việc đánh giá thi như thế không phải là quá khắt khe nên tôi tin kết quả kỳ thi năm nay sẽ không thay đổi gì nhiều so với 2 năm trước.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.