Không thể để loạn “xe dù, bến cóc”

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
Ý kiến 02/08/2019 10:20

Vấn nạn “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình không phải chuyện bây giờ mới nói. Song, câu chuyện này cứ mãi luẩn quẩn dù việc xử lý triệt để tình trạng này đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhiều lần và lãnh đạo các địa phương cũng không ít lần tuyên bố đến cuối năm này, năm nọ sẽ xử lý dứt điểm.

 

2.
Nhà xe Út Bờm có bến cóc ở đường Trần Thủ Độ (Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) luôn có hàng chục xe đón khách đi Thanh Hóa

Xe “trá hình” lộng hành

Đi sâu tìm hiểu về nạn “xe dù, bến cóc”, PV được ông Đào Việt Long - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn Thành phố có khoảng 655 tuyến vận tải cố định, liên tỉnh, 450 đơn vị vận tải với hơn 4.000 phương tiện hoạt động. Trong khi đó, số lượng xe hợp đồng lớn hơn gấp nhiều lần, đó là chưa tính đến khoảng 46.000 xe hợp đồng và xe du lịch (trong đó, có hơn 31.000 xe hợp đồng dưới 9 chỗ, bao gồm xe của các đơn vị tham gia thí điểm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT là hơn 16.000 xe).

Lý do chính khiến nhiều nhà xe sử dụng xe khách trá hình là nhằm trốn các loại thuế, phí, cụ thể là phí dịch vụ bến bãi, thuế VAT, thuế thu nhập... 

Đánh giá về tình trạng “xe dù, bến cóc” tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Mạnh - Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Điện Biên cho biết, sau khi TP. Hà Nội điều chuyển luồng tuyến vận tải nhằm bảo đảm TTATGT, dường như tình trạng “bến cóc”, “xe dù” lại hoạt động thuận lợi hơn, đặc biệt là các khu vực xung quanh các bến xe: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm…

“Thậm chí, tình trạng “xe dù, bến cóc” đã diễn ra suốt 4 - 5 năm nay nhưng vẫn không được xử lý dứt điểm. Doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh tuyến cố định phải chịu sự quản lý rất chặt chẽ nhưng loại hình xe hợp đồng thì lại lỏng lẻo, dẫn tới phá vỡ quy hoạch luồng tuyến vận tải, gây mất TTATGT...”, ông Mạnh bức xúc.

 “Tác oai tác quái”

Trong vai hành khách từ Hà Nội đi du lịch Quảng Ninh, chúng tôi đã gọi điện đặt chỗ của nhà xe Phúc Xuyên, Hà Vy, Trung Thành và Nhật Hồng. Có một điểm chung, mặc dù gắn phù hiệu xe hợp đồng nhưng các nhà xe này “vô tư” đón khách lẻ, thu tiền trực tiếp của hành khách rồi hỏi tên để ghi vào danh sách nhằm đối phó khi cơ quan chức năng kiểm tra.

Điều đáng nói hơn là những xe này ngày nào cũng chạy tuyến Hà Nội - Quảng Ninh mà không bị lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý vì vi phạm Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT (xe chở khách theo hợp đồng và xe vận chuyển khách du lịch chỉ được thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết cho cả chuyến xe; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức...; không được hoạt động thường xuyên trên một tuyến như xe khách đăng ký chạy tuyến cố định).

Thậm chí, khi theo các xe này lên các điểm du lịch Móng Cái, Quảng Ninh, chúng tôi thấy hoạt động của xe khách trá hình tại đây vô cùng lộn xộn. Tình trạng xe hợp đồng, xe du lịch dồn khách cho nhau diễn ra rất phổ biến và nhiều xe mang thương hiệu Nhật Hồng Limousine còn ngang nhiên đón khách trước cổng Bến xe khách Móng Cái mà Ban Quản lý bến xe cũng như các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại đó vẫn... làm ngơ!

Tương tự, tìm xe khách đi tỉnh Thái Bình, chúng tôi thấy một hàng dài các hãng xe mời chào, trong đó có rất nhiều hãng không đăng ký chạy tuyến cố định trong các bến xe hoặc chỉ đăng ký lấy lệ vài “nốt”, còn chủ yếu dùng xe mang phù hiệu xe hợp đồng, đón khách tại văn phòng của nhà xe, tại các “bến cóc” trong nội thành và dọc đường. Có những nhà xe còn ngang nhiên đón, trả khách ở khu vực trường học, bệnh viện và trước cổng Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát... như các hãng xe Hà Thì, Tôn Thắng, Phiệt Học, Hà Hải... Đặc biệt ở các thời điểm trong ngày, trên tuyến phố Viên trước cổng Trường Đại học Mỏ - Địa chất (quận Bắc Từ Liêm) nghiễm nhiên trở thành nơi tập kết khách của nhà xe Hà Thì. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi ngày nhà xe này có hàng chục chuyến xe “xuất bến” Đại học Mỏ - Thái Bình và ngược lại.

Theo một lộ trình cố định, sau khi “xuất bến” Đại học Mỏ - Địa chất, xe khách Hà Thì lòng vòng qua các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, đến Bến xe Mỹ Đình chèo kéo, bắt khách. Do không vào bến bãi nên mọi hành khách đi xe đều được nhà xe nhiệt tình cho số điện thoại và hướng dẫn giờ hoạt động.

3.

Một “bến cóc” quy mô hàng nghìn m2 ngang nhiên tồn tại trong khu đô thị Pháp Vân (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội)

Tinh vi hơn, hãng xe Minh Dũng (tuyến Hà Nội - Ninh Bình, văn phòng hoạt động tại địa chỉ số 9, ngõ 70, đường Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) còn dùng xe 16  chỗ ngồi trung chuyển khách từ văn phòng ra cầu vượt Xuân Phương, xếp khách lên những chiếc xe Samco 34 chỗ đi Kim Sơn, Ninh Bình.

Không thể “cưỡi ngựa xem hoa”

Theo phản ánh của một số người dân sinh sống tại khu vực phố cổ Hà Nội về tình trạng “cò khách” và “xe dù, bến cóc” trong khu vực này, từ đầu tháng 6 đến nay chúng tôi đã nhiều lần ra tuyến phố Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm) “mục sở thị” tìm hiểu. Lần nào cũng vậy, khi chúng tôi vừa đi taxi đến đầu phố Nguyễn Hữu Huân, ngay lập tức có vài người ào đến mở cửa xe hỏi: “Các anh đi Cát Bà, Hải Phòng à? Để tôi chở ra xe đi ngay, 20 nghìn tiền xe ôm thôi!”.

Lên xe ôm đến văn phòng hãng xe Daiichi Travel ở số 96 Nguyễn Hữu Huân, chúng tôi hỏi nhân viên phòng vé: “Chuyến xe gần nhất đi Cát Bà, Hải Phòng khởi hành lúc mấy giờ?” thì nhận được câu trả lời: “12 giờ 30 xe xuất bến tại đây, giá vé 260.000 đồng/người”. Khi chúng tôi thắc mắc: “Sao xe hợp đồng mà bán vé đắt hơn xe ở bến thế?”, nhân viên phòng vé bình thản: “Không hẳn là đắt hơn vì xe của hợp đồng “lách luật” đón, trả khách ngay tại văn phòng. Còn nếu các anh đi xe của bến thì phải mất thêm tiền taxi, đâu cùng vào đấy cả. Vả lại, cái gì cũng có cái giá của nó, giá vé đó đã bao gồm VAT, bảo hiểm hành khách và được vận chuyển trên những chiếc xe đời mới chất lượng, không bắt khách dọc đường”.

 Sau khi móc hầu bao chi 520.000 đồng mua 02 vé xe đi Cát Hải, Hải Phòng, chúng tôi được người của Văn phòng Daiichi Travel dồn lên chiếc xe 45 chỗ BKS 29B-174.xx. Đúng 12 giờ 30, chiếc xe “xuất bến” và chạy ra phía đường 5B đón thêm một nhóm khách khác.

Những ngày “phục kích” tại “bến cóc” này (trước số nhà 96, phố Nguyễn Hữu Huân, quận Hoàn Kiếm), chúng tôi thấy bình quân mỗi giờ có một xe khách của hãng Daiichi vào đón khách, cả những xe gắn phù hiệu xe hợp đồng.

Trao đổi về thực trạng “xe dù, bến cóc” trên địa bàn Hà Nội, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định không có chuyện Thành phố buông lỏng mà tới đây sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe chạy sai luồng tuyến.

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, riêng 6 tháng đầu năm 2019 lực lượng Thanh tra Sở đã kiểm tra, xử phạt trên 3.300 trường hợp xe khách vi phạm; phạt tiền trên 4 tỷ đồng, tạm giữ 66 xe vi phạm; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe đối với 493 trường hợp và tước phù hiệu 68 phương tiện. Trong tổng số xe khách bị xử lý nói trên có 994 xe hợp đồng.

Trước vấn nạn nhức nhối trên, trong tháng 4 vừa qua, tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT và Ủy ban ATGT Quốc gia về xử lý “xe dù, bến cóc”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu thành lập 3 đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành để xử lý “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình, trong đó phải xây dựng một kế hoạch cụ thể, phân công rõ thành viên, thông báo rõ nội dung kiểm tra.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng cho rằng, không thể lấy lý do chưa có hành lang pháp lý mà thiếu xử lý chặt chẽ. Chỉ cần các cán bộ địa phương, cơ quan chuyên ngành quyết liệt, truy tận gốc vấn đề, không cần làm nhiều, chỉ cần làm vài điểm thật mạnh, thật nghiêm, “không cưỡi ngựa xem hoa” thì chắc chắn vi phạm sẽ giảm

Ý kiến của bạn

Bình luận