Đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa chỉ đạo tại cuộc họp. |
Giao thông thuận tiện trong dịp Tết
Báo cáo trước Ban cán sự, ông Nguyễn Trí Đức, Chánh Văn phòng Bộ GVT cho biết, với sự chuẩn bị chu đáo của các đơn vị vận tải và sự phối hợp chặt chẽ của các bến xe, các đơn vị vận tải đã chủ động phối hợp tổ chức bán vé và tổ chức vận tải hợp lý nên trên tất cả các bến xe trong cả nước đều đáp ứng thoả mãn nhu cầu đi lại của nhân dân không để tồn đọng khách trên bến hàng ngày. Để có được điều này là nhờ việc chỉ đạo, điều hành và triển khai lập kế hoạch được thực hiện sớm, cụ thể, sát thực tiễn và đảm bảo thông tin về công tác phục vụ Tết được thông suốt từ Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và giữa các đơn vị thường trực; Năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ của các hãng, doanh nghiệp kinh doanh vận tải được nâng cao, bảo đảm an toàn và giao thông thông suốt, ngay cả trong các ngày cao điểm phục vụ Tết, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại.
Cũng theo ông Đức, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức tốt công tác bán vé trước cho hành khách đi tàu trong dịp Tết với nhiều hình thức như bán vé điện tử, bán vé qua mạng, bán vé lưu động, bán vé tận cơ quan, trường học... Trong 7 ngày nghỉ Tết, đã thực hiện 113 chuyến tàu khách Thống nhất (giảm 13 chuyến, bằng 90% so với cùng kỳ Tết Bính Thân); 293 chuyến tàu khách địa phương (giảm 61 chuyến, bằng 83% so với cùng kỳ Tết Bính Thân); tổng số khách đi tàu: 282.764 khách (giảm 28.377 khách, bằng 91% so với cùng kỳ Tết Bính Thân); hàng hóa vận chuyển: 36.300 tấn (giảm 1.247 tấn, bằng 97% so với cùng kỳ Tết Bính Thân); tỉ lệ tàu thống nhất đi đúng giờ đạt 99,12% giảm 0,9%, đến đúng giờ đạt 83,85% giảm 11,2%; tàu địa phương đi đúng giờ đạt 96,93% giảm 2,2%, đến đúng giờ đạt 83,57% giảm 10% so với Tết Bính Thân 2016.
Còn lĩnh vực vận tải hàng không, tổng sản lượng hành khách, hàng hóa thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 12.200 lần hạ cất cánh, tăng 12,2%; hơn 1,76 triệu hành khách, tăng 21,3%; 10.700 tấn hàng hóa, tăng 28,5% so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2016. Riêng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đã tiếp nhận 2.493 chuyến bay đi và 2.472 chuyến bay đến, trung bình đạt 710 chuyến bay đi/đến hàng ngày; sản lượng thông qua đạt 717.000 lượt hành khách, tăng 16,2% so cùng kỳ năm trước và 3.700 tấn hàng hóa, tăng 52% so cùng kỳ năm trước; ngày 25/01/2017 (tức ngày 28 tháng Chạp) cao điểm với 786 chuyến bay/ngày tăng 8,3% so với ngày cao điểm năm trước là 726 chuyến bay/ngày (ngày 14/2/201 6– tức ngày 07 tháng giêng). Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 797.000 khách, 2.800 tấn hàng hóa, tăng tương ứng 15,8% về hành khách, 21,1% về hàng hóa so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2016; đã thực hiện 5.503 chuyến bay với 599 chuyến bay chậm, chiếm 10,9% (giảm 2,5 điểm so với cùng kỳ Tết Bính Thân 2016) và 26 chuyến hủy, chiếm 0,4% (tương đương với cùng kỳ Tết Bính Thân 2016)...
Chỉ xảy ra ùn tắc cục bộ
Báo cáo về tình hình TTATGT, ông Nguyễn Trí Đức cho biết, trong đợt cao điểm Tết Đinh Dậu năm 2017, các lực lượng của ngành Công an, GTVT và các doanh nghiệp vận tải đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn. TNGT trong 07 ngày tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 tăng cao so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. TNGT xảy ra chủ yếu là tại địa bàn ngoài đô thị (trên các đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường nông thôn); liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy. Nguyên nhân chủ yếu là do người tham gia giao thông không tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về TTATGT, tình trạng vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện, chở quá số người quy định, đi sai phần đường, làn đường vẫn thường xuyên diễn ra.
Cũng theo ông Đức, do được chuẩn bị tốt về điều kiện hạ tầng giao thông, công tác tổ chức phân luồng hợp lý và sự tăng cường hướng dẫn giao thông của lực lượng chức năng nên đã không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài như một số năm trước mà chỉ xảy ra ùn ứ, tắc giao thông cục bộ ở một số ít thời điểm lưu lượng tăng cao trên các tuyến huyết mạch cửa ngõ TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cũng đã được kịp thời xử lý đảm bảo giao thông thông suốt trở lại. Trong thời gian nghỉ Tết, có xảy ra ùn ứ cục bộ ở các khu vực đền, chùa phục vụ du khách và người dân tham quan, vãn cảnh nhưng chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Vào các ngày 28/01/2017, ngày 31/01/2017 lượng xe trên một số tuyến như Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Vành đai III - Hà Nội, Xa lộ Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra ùn ứ cục bộ, cá biệt tại một số trạm thu phí cũng xảy ra ùn tắc, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo xử lý tình huống mở barie (không thu phí), tăng cường nhân viên bán, thu vé, chuẩn bị sẵn tiền lẻ để thanh toán nên việc ùn tắc chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và đã được kịp thời giải tỏa thông suốt.
Không có tâm lý dông dài sau Tết
Báo cáo về công tác thanh quyết toán, Vụ trưởng Vụ Tài chính Đỗ Văn Quốc cho biết, trong tháng 1, các đơn vị lập và trình các cơ quan có thẩm quyền được 10 dự án với giá trị hơn 6400 tỷ đồng, đạt 125% kế hoạch tháng 1 và đạt 9% kế hoạch cả năm về số lượng dự án; các cơ quan thẩm tra cũng đã phê duyệt được 4 dự án/1 dự án trong kế hoạch tháng 1, giá trị hơn 1800 tỷ đồng, đạt 3% kế hoạch cả năm về số lượng dự án... Ông Quốc cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị căn cứ kế hoạch quyết toán được giao chủ động giải quyết các thủ tục XDCB có liên quan để hoàn thành công tác lập quyết toán, cũng như công tác phê duyệt quyết toán.
Riêng đối với Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép thực hiện theo cơ chế thí điểm, dự án có quy mô lớn và TMĐT tăng, đến nay đã hoàn thành thu phí được 1 năm, ông Đỗ Văn Quốc đề nghị giao Ban PPP tham mưu Bộ điều chỉnh hợp đồng dự án, ban hành quyết định giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; giao Cục QLXD&CLCTGT rà soát các thủ tục về thẩm tra, thẩm định thiết kế, dự toán thực hiện tuân thủ theo đúng quy định.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đánh giá cao sự nỗ lực của Tổ công tác về thanh quyết toán các dự án đã hoàn thành, đặc biệt là vụ Tài chính cũng như các cơ quan liên quan đã phối hợp tốt để hoàn thành một phần tương đối việc quyết toán các dự án. Trong năm 2017, khối lượng dự án phải quyết toán là rất lớn, do vậy yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung hơn nữa để thực hiện công tác này và sắp tới là phục vụ công tác giám sát của Quốc hội. Công tác thanh quyết toán, thể hiện tính minh bạch và năng lực của chúng ta, và trên phương diện “bỏ tiền ra phải quyết toán được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với công tác đảm bảo TTATGT trong dịp Tết vừa qua, Bộ trưởng đánh giá, trước Tết, tình hình giao thông ùn tắc ở một số nơi, một số điểm là căng thẳng tưởng chừng sẽ “vỡ trận” vào những ngày cao điểm như sát ngày nghỉ Tết và ngày nhân dân trở về thành phố lớn để đi học, đi làm. Tuy nhiên, nhờ có nỗ lực, cố gắng của các bộ ngành đặc biệt là CBCNVC-LĐ toàn Ngành mà tình hình được cải thiện, đặc biệt là vận tải đường sắt, hàng không, không có ùn tắc kéo dài trên đường bộ. Tuy nhiên sẽ là cái Tết chọn vẹn nếu như TNGT đường sắt không tăng cao, do các Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, Vụ Vận Tải, Hàng Không... phải tập trung đánh giá kết quả của Tết năm nay để đưa ra bài học kinh nghiệm để kéo giảm TNGT, ùn tắc giao thông trong dịp cao điểm này. Riêng đối với nút giao Pháp Vân ( TP. Hà Nội) Bộ GTVT sẽ làm việc với Sở GTVT Hà Nội để thống nhất phương án nút giao thông quan trọng này nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông và TNGT. Bộ GTVT đã bắt tay vào làm việc ngay từ Mùng 6 Tết do đó các đơn vị cũng phải bắt tay ngay vào việc, trước mắt là bảo đảm TTATGT trong mùa Lễ hội, các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện triệt để, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại các công điện, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT và Kế hoạch hành động Năm An toàn giao thông - 2017; trong đó, chú trọng đến việc Tăng cường phương tiện đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, nhân lực có chất lượng, các điều kiện về hậu cần để đảm bảo đủ năng lực phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đến các điểm Lễ hội, đặc biệt là các Lễ hội có tính chất quốc gia với thời gian kéo dài (Đền Hùng, Chùa Hương, Yên Tử, Núi Bà Đen, Thất Sơn, Bà Nà…); Thường xuyên kiểm tra, giám sát, bố trí lực lượng ứng trực, kịp thời tổ chức và bảo đảm giao thông thông suốt, thuận tiện cho du khách và nhân dân không để xảy ra ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông trong khu vực diễn ra các lễ hội; Bố trí đủ phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại sau Tết.
Sắp tới chúng ta là chủ nhà của Hội nghị APEC do đó, ngành GTVT triển khai ngay tất cả công tác để đảm bảo cho sự kiện quan trọng này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.