6 địa phương thống nhất nội dung tuyên truyền hiệu quả
Theo Khu QLĐB II, năm 2023, Khu được Bộ GTVT bố trí một phần kinh phí tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự ATGT và pháp luật về quản lý, bảo vệ, xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được hiệu quả hơn, Khu QLĐB II đã chủ động, phối hợp với Ban ATGT 6 địa phương ở địa bàn xây dựng và thống nhất nội dung, hình thức tuyên truyền.
Qua đó, cả 2 nội dung tuyên truyền Khu QLĐB II đều cập nhật đúng quy định hiện hành của pháp luật và những chỉ đạo mới nhất của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung này. Trong đó, đặc biệt là Chỉ thị số 23 ngày 23/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, ATGT trong tình hình mới; Nghị quyết số 48 ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025; Nghị quyết số 149 ngày 21/9/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23 ngày 23/5/2023 của Ban Bí thư; Quyết định số 2060 ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 10 ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT trong tình hình mới.
Trên cơ sở các chỉ đạo trên, Khu QLĐB II và Ban ATGT 6 địa phương trên địa bàn đã thống nhất biên tập nội dung tài liệu tuyên truyền để sử dụng cho phù hợp theo lộ trình từ năm 2023 đến năm 2025.
Phổ biến 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT
Về nội dung tuyên truyền, Khu QLĐB II và Ban ATGT các tỉnh đã phân tích từ số liệu và nguyên nhân của các vụ TNGT đường bộ từ năm 2021 đến nay. Đồng thời, phổ biến, nhấn mạnh một số hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ bị nghiêm cấm và tuyên truyền những nội dung chính thuộc quy tắc giao thông đường bộ liên quan trực tiếp đến ATGT đường bộ.
Phổ biến 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT mà Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo để các cơ quan, tổ chức có liên quan và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân hiểu biết để khi tham gia giao thông đường bộ nâng cao ý thức tự giác, gương mẫu chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường bộ, nhằm hướng tới năm 2030 giảm được 50% số người chết và số người bị thương do TNGT gây ra so với năm 2020 và cơ bản giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Các nội dung tuyên truyền được in ấn thành tài liệu và chuyển tới phát thanh viên nam, nữ của Đài tiếng nói Việt Nam đọc và thu vào USB nhằm mục đích chính để tuyên truyền, phổ biến nhiều lần, nhiều đợt trên hệ thống loa truyền thanh cấp xã tới toàn thể cư dân các khối…, vào các điểm thời gian thích hợp trong ngày.
Tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ, xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đến tận cấp xã
Nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ, xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ năm 2023 đến năm 2025 được biên tập trên cơ sở quy định hiện hành của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, pháp luật khác có liên quan và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tài liệu tuyên truyền đầy đủ có độ dài 30 trang A4 được cấp phát tới UBND cấp xã.
Đặc biệt, bản tuyên truyền ngắn có độ dài 5 trang A4 cô đọng các nội dung cốt lõi cần thiết được đọc và thu vào USB để tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cấp xã tới cư dân sinh sống hai bên quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện; trong đó đáng chú ý nhất là trên cơ sở pháp luật hiện hành về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đất đai thuộc hành lang bảo vệ công trình đường bộ, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Khu QLĐB II và Ban ATGT các tỉnh ở địa bàn đã thống nhất việc phân định trách nhiệm trong quá trình thực hiện xử lý, giải tỏa vi phạm có cơ quan, đơn vị chủ trì và cơ quan, đơn vị phối hợp, cụ thể như:
Thanh tra đường bộ thuộc Khu và Thanh tra giao thông Sở GTVT địa phương chủ trì xử lý 3 nhóm vụ việc, hành vi vi phạm, gồm: Các vụ việc, hành vi xâm hại công trình đường bộ (trừ hành vi trộm cắp, phá hoại công trình, tài sản đường bộ); các vụ việc, hành vi vi phạm quy định về chấp thuận thiết kế kỹ thuật, cấp phép thi công công trình trên đường bộ đang khai thác, đấu nối vào quốc lộ, đường tỉnh, thi công công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường bộ, chấp thuận xây dựng lắp đặt biển quảng cáo trong hành lang ATGT đường bộ và các vụ việc, hành vi vi phạm quy định về khai thác, sử dụng đất của đường bộ mà diện tích đất đó đã được đền bù, giải tỏa, thu hồi đất hoặc đất của đường bộ đang là đất công - đất lưu không.
Đối với UBND cấp huyện, cấp xã của địa phương chủ trì xử lý 3 nhóm vụ việc, hành vi vi phạm quy định như: về khai thác, sử dụng trong phạm vi đất dành cho đường bộ (gồm đất của đường bộ và đất hành lang ATGT đường bộ), gồm cả các vụ việc chỉ vi phạm quy định về sử dụng đất của quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện mà diện tích đất đó chưa được đền bù, giải tỏa, thu hồi đất, hiện còn nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các cá nhân, tổ chức; vụ việc vi phạm về vị trí đấu nối vào quốc lộ chưa thuộc quy hoạch các điểm đấu nối vào quốc lộ đã được Bộ GTVT thống nhất, thỏa thuận với UBND cấp tỉnh hoặc chưa thuộc vị trí đấu nối theo quyết định của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch các điểm đấu nối vào quốc lộ và các vụ việc trộm cắp, phá hoại công trình, tài sản đường bộ.
Cũng theo đại diện Khu QLĐB II, do làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nên năm 2023 trên các tuyến quốc lộ ở địa bàn Khu được giao quản lý, TNGT đường bộ giảm vượt chỉ tiêu Chính phủ chỉ đạo năm 2023 (giảm từ 5% đến 10% ở cả 3 tiêu chí) và số trường hợp vi phạm kết cấu hạ tầng, hành lang ATGT đường bộ giảm nhiều so với năm 2022.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.