Khúc nhạc đêm của những người chấn giữ miền biên ải

Xã hội 17/02/2018 18:28

Đêm biên giới Việt - Trung, một bài hát chào mùa xuân từ chiếc radio trầm bổng vang vọng núi rừng. Một mùa xuân nữa đang về, trong ánh mắt xa xăm của những chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thanh có nỗi nhớ người thương, gia đình, bè bạn… Gạt qua tất cả, vì sự bình yên của biên cương Tổ quốc, hàng ngày các chiến sỹ nơi đây vẫn vững vàng trên những con đường mòn tuần tra đầy “chông đá”…

 

A3

Các chiến sỹ đồn biên phòng Tân Thanh cùng người dân biên giới xây dựng hàng rào thép gai để phòng chống buôn lậu qua biên giới

Đêm miền biên ải

Từ biệt Hà Nội chúng tôi ngược đường lên với xứ Lạng trong cái rét căm căm của những ngày cuối năm Đinh Dậu. Đường lên biên giới giờ không còn cách trở như những năm trước, QL1A rộng mở như một dải lụa lớn vắt vẻo, ẩn hiện qua núi đồi đến tận các cửa khẩu lớn như Hữu Nghị, Tân Thanh. Những chiếc xe container nối đuôi nhau tiến về phía cửa khẩu. Chiếc xe máy của chúng tôi miệt mài lượn quanh những khúc cua tay áo. Từng trảng rừng thâm u, xanh mướt trôi nhanh qua. Càng lên cao, nhiệt độ càng giảm mạnh, tai chúng tôi bị ù đặc.

Sau khi liên lạc với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi tìm đến Đồn Biên phòng Tân Thanh khi trời vừa nhá nhem tối. Sương mù trắng đục phủ đầy trong các thung lũng vắng. Từng cơn gió mùa đông lùa theo, thổi thốc lên lạnh buốt.

Trụ sở Đồn Biên phòng Tân Thanh (Lạng Sơn) hôm nay vắng lặng, chỉ còn vài đồng chí thường trực bên trong trụ sở để tiếp nhận các chỉ đạo từ trên. Trung tá Vũ Quốc Ân - Bí thư Đảng ủy, Phó trưởng Đồn Biên phòng Tân Thanh cho biết: “Thời điểm cuối năm tình hình an ninh biên giới diễn biến phức tạp nên tất cả lực lượng trong đồn đều đã lên núi lập lán, cắm chốt để ngăn chặn hàng lậu. Vì thế, các chiến sỹ của Đồn phải liên tục luân phiên nhau lên núi rồi xuống núi để trực chốt bên các điểm "nóng" biên giới.

Hòa chung không khí làm việc với những người lính nơi đây, chúng tôi nhanh chóng dùng một chút đồ ăn nhẹ rồi lên đường đến các lán trại sát biên giới Việt - Trung.

Chiếc xe zip lắc lư, ì ạch chạy trên con đường lỗ chỗ vì “ổ gà” và đá, đến một điểm cao mới, dốc núi dựng đứng, con đường phía trước là một lối mòn uốn lượn quanh co qua những phiến đá và bụi cây gai rậm. Xe không thể đi được nữa, chúng tôi đành xuống đi bộ. Trước khi đi, một chiến sỹ trong đoàn đưa cho chúng tôi mỗi người một cây gậy được vót nhọn phía đuôi và bảo rằng “Các đồng chí cầm lấy, lát lên dốc, xuống dốc không có gậy chống không đi được đâu”.

Trời về khuya sương xuống càng dày, chúng tôi ai nấy đều lật bật trong chiếc áo đại hàn. Đại úy Lê Văn Chiều được giao nhiệm vụ dẫn đường cho chúng tôi lên các cột mốc biên giới, quay đầu lại nói: “Lạnh quá phải không các đồng chí? Hôm nay có 5oC thôi, nhưng là nhích lên rồi đấy, nhiều hôm nhiệt độ ở đây còn tụt xuống dưới 3oC…, đi một lúc nữa là bước sang mùa hè ngay thôi”.

Đúng như lời Đại úy Chiều nói, con đường mòn ngoằn ngoèo lúc lên cao lúc xuống thấp khiến toàn thân nóng ran, sau lớp áo dày cộp mồ hôi bắt đầu toát ra, cảm tưởng như đi giữa mùa hè.

Đêm, tiếng bước chân lạo xạo của đoàn người như dòng nước dội vào vách đá rồi vọng ra, lan tỏa khắp đại ngàn tạo cho tôi một cảm giác yên bình, ấm áp. Bên đống lửa hồng rực cháy, cánh lính trẻ của lán kiểm soát tại mốc biên giới 1094, Đồn Biên phòng Tân Thanh đang sôi nổi, rộn vang trong “Hành khúc ngày và đêm” cùng với tiếng ghi ta phập phùng, ngẫu hứng. Sau những tràng pháo tay giòn giã, không khí trong trạm kiểm soát bỗng chùng hẳn xuống khi một giọng đơn ca ngân lên: “Anh ở biên cương, nghe đài báo gió mùa Đông Bắc. Anh thương em đang bước vào vụ mới, và anh thương em đồng quê chưa cấy hết, chân em ngập dưới bùn, tay cấy thẳng hàng không?...". Và im lặng! Chỉ có tiếng tí tách phát ra từ đống lửa. Tràn ngập trong lòng mọi người là một nỗi nhớ về xuôi cồn cào, da diết. Ở dưới ấy những người mẹ, người chị, người thương chắc phải buồn lắm khi Tết này các anh không về…

Nhiệm vụ lúc nửa đêm

A2

Chiến sỹ Đồn biên phòng Tân Thanh giảng giải cho người dân hiểu về công tác bảo vệ đường biên giới

 

Đến gần thung lũng Khơ Đa, chúng tôi đến một điểm gần mốc biên giới 1096 được bao bọc bởi dãy núi Khơ Đa cao lừng lững. Đại úy Chiều nhắc nhở chúng tôi: “Từ đây đường dốc khó đi, các anh chú ý vì có nhiều đoạn đá hộc lởm chởm, cây rừng mọc um tùm”. Trong đêm tối lạnh buốt, đoàn người lần từng bước theo “lối mòn buôn lậu” để lên các điểm chốt cao hơn. Đến lán thứ 3, đây là lán “trực chiến” có 3 chiến sỹ, trong đó có chiến sỹ Lành Văn Phóng, sinh năm 1990 được tăng cường thực thi nhiệm vụ cách đây đã hơn một tháng, cắm chốt trên núi.

Tâm sự với chúng tôi, chiến sỹ Phóng cho biết: “Những hôm thời tiết khô ráo thì còn có cơm ăn, hôm mưa gió thì phải ăn mì tôm qua bữa”. Ngồi trong lán trò chuyện nhưng mọi người không nhìn rõ mặt nhau vì trời tối đen như mực. Phóng nói, có một đèn tích điện nhưng chỉ khi nào xảy ra tình huống ngoài thực địa mới được sử dụng. Thứ ánh sáng duy nhất ở lán là đống lửa nhỏ các chiến sỹ nhóm lên.

Từ phía xa, một vài tia sáng chiếu ra rồi tắt ngúm trong màn đêm. Đại úy Chiều bảo chúng tôi cúi xuống, rồi tiến về phía trước quan sát. Lát sau anh quay lại và nói với chúng tôi: “Đèn pin của bọn “chim lợn” - (tức mật thám của dân buôn lậu - PV) đó. Chúng cho bọn “chim lợn” đi trước, dò đường xem có lực lượng biên phòng không rồi sẽ điện đàm cho đoàn cửu vạn bên kia vác hàng về. Chắc đêm nay chúng lại chuẩn bị vận chuyển lượng hàng lớn đây”.

Phán đoán của người chỉ huy ngay lập tức được cánh lính trẻ triển khai đội hình như là một mệnh lệnh. Họ khoác súng lên vai, chuẩn bị đèn pin, bộ đàm rồi lặng lẽ mất hút vào trong bóng đêm lạnh buốt… Những chiến sỹ ở lại lán đều trong tư thế sẵn sàng làm nhiệm vụ. Sau một lúc hội ý, các chiến sỹ tập hợp vào vị trí. Tấm bản đồ khu vực biên giới được mở ra, các chiến sỹ biên phòng tụm lại quanh chiếc bàn tác chiến chăm chú nhìn vào dấu đỏ mà người chỉ huy chỉ xuống.

Đêm dần khuya, mưa bắt đầu nặng hạt. Một chiến sỹ đưa tôi chiếc áo lính và chiếc mũ cối có gắn huy hiệu rồi bảo tôi mặc vào, bởi theo anh dân buôn lậu rất manh động, chúng dễ xuống tay với những người không phải lực lượng biên phòng. Nhận tấm áo từ tay người lính trẻ, tôi lặng lẽ mặc vào mà sống mũi cay xè, trong lòng trào dâng niềm cảm mến và khâm phục sự chịu đựng thiếu thốn, gian khó của các chiến sỹ nơi địa đầu Tổ quốc. Họ đã hy sinh những năm tháng đẹp đẽ nhất của đời người để giữ gìn sự bình yên cho quê hương, đất nước.

Đồng hồ điểm 2h sáng, để tiếp cận đoàn cửu vạn buôn lậu, chúng tôi phải tắt đèn pin, mò mẫm trên con đường mòn đầy “chông đá”, hố địa chất nằm ẩn dật dưới lớp cỏ dày, nếu lỡ sa chân sẽ mất mạng bởi hố sâu hai ba chục mét. Đến điểm mốc 1098, phía xa xa phát ra âm thanh của con người, tiến lại gần hơn chúng tôi thấy một vài chiếc lán cỏ như mới vừa dựng lên. Một chiến sỹ tự động tiến về phía trước, len qua những bụi cỏ rồi mất hút trong bóng đêm. Chừng 10 phút sau thì quay về báo cáo với đội tuần tra: “Dân “bán hàng” đợi cửu vạn buôn lậu đi qua để bán nước và thức ăn. Họ bảo từ sáng qua tới giờ cửu vạn toàn đi người không về nên không bán được hàng. Chắc bọn “chim lợn” phát hiện ra lực lượng tăng cường đã báo cho chủ hàng bên kia biên giới nên chúng găm hàng lại không vận chuyển đêm nay nữa rồi, nhưng cứ phải chốt ở đây cho hết đêm, không chúng nó tranh thủ thì hàng lậu lại tuồn xuống núi nhanh lắm!”.

4h sáng, chúng tôi vào lán chỉ huy nghỉ ngơi, vừa chợp mắt thì tiếng gà rừng gáy báo hiệu một ngày mới đã đến. Ngoài cửa lán, các chiến sỹ vẫn ngồi bên đống lửa sắp tàn. Sáng nay, Đồn Biên phòng Tân Thanh sẽ phối hợp với UBND xã Tân Mỹ vận động nhân dân biên giới phát quang đường biên để công việc tuần tra, trấn giữ biên cương thuận tiện hơn.

Trời đã tạnh mưa, từ lán chỉ huy nhìn xuống thung lũng Khơ Đa, một vài đốm trắng li ti xuất hiện - đó là màu trắng của hoa ban rừng. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, hoa ban sẽ nhuộm trắng thung lũng mừng mùa xuân, mừng các chiến sỹ biên phòng hoàn thành nhiệm vụ

Ý kiến của bạn

Bình luận