Từ trái qua: Quốc vương Qatar Sheikh Tamim Bin Hamad al-Thani, Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber al-Sabah, Quốc vương Ả Rập Saudi Salman và Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sissi, chụp tại Saudi năm 2016 (Ảnh: Reuters) |
Ba nước vùng Vịnh ngày 2/7 (giờ địa phương) đã gia hạn 48 tiếng cho Qatar để chấp nhận 13 yêu sách mà họ đưa ra nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao khu vực
Nội bộ vùng Vịnh bất ổn
Ngày 17/4/2014, các quốc gia vùng Vịnh tuyên bố kết thúc điều mà họ gọi là sự hiểu nhầm giữa "những người anh em trong cùng gia đình", và mối quan hệ giữa các thành viên trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) trở lại bình thường "hơn bao giờ hết".
Sự kiện này theo sau việc các quốc gia thuộc GCC triệu hồi đại sứ của mình về từ Doha sau khi tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar, cáo buộc Qatar can thiệp vào tình hình nội bộ của các quốc gia này.
Trong bài phân tích trên trang Gulfnews, ông Mustapha Karkouti - cựu Chủ tịch Hiệp hội báo chí nước ngoài (FPA), có trụ sở tại London, Anh, đánh giá nguyên nhân của cuộc khủng hoảng Qatar hiện tại cũng không có gì khác biệt.
Theo ông, dường như 3 quốc gia GCC (Ả Rập Saudi, UAE và Bahrain) mới chỉ có những động thái "nhẹ nhàng" như cho gọi đại sứ về nước để Quốc vương Qatar Sheikh Tamim Bin Hamad Al Thani có thời gian ổn định và làm chủ công việc của mình.
Khủng hoảng hiện tại đang diễn ra theo hướng không ai ngờ, thể hiện những diễn biến mới trong mối quan hệ nội khối các nước Ả Rập. Có vẻ như chuỗi sự kiện tại Qatar đang xảy ra rất nhanh và dồn dập, nhưng sẽ chẳng đi tới đâu nếu không ai tiên liệu được kết cục của những diễn biến này.
Giải pháp nào cũng khó
Trong bài viết của mình, tác giả Karkouti đã giới thiệu 3 giải pháp có thể được dùng tới để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Hướng đi đầu tiên, Doha có thể chấp nhận những yêu cầu được các nước GCC đưa ra. Đến nay, dựa trên phản ứng của Qatar với bản điều kiện 13 điều, chính phủ Qatar rõ ràng muốn trì hoãn và phủ nhận mọi cáo buộc.
Cách giải quyết của khối Ả Rập từ năm 2014 không hề giải quyết được vấn đề với Qatar. Tại thời điểm đó, các đại sứ được gọi về với lý do Quốc vương Qatar "vi phạm Thỏa thuận Riyadh" mà ông kí hồi tháng 11/2014.
Khả năng thứ hai có thể xảy ra là các nước GCC sẽ sử dụng vũ lực để ép Qatar phải nhượng bộ. Hiển nhiên không quốc gia thuộc khối Ả Rập nào đề cập tới chuyện này vì không bên nào muốn chiến tranh xảy ra.
Vì vậy, việc Doha nhờ cậy chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đem quân tới là chuyện khá khó hiểu. Đây có phải nước cờ làm phức tạp hóa vấn đề hay đơn thuần Doha không tin tưởng lực lượng quân đội Mỹ hiện tại với hơn 11 nghìn lính tại căn cứ không quân Al Udaid mà Qatar đã chi hơn hơn 1 tỉ đô la Mỹ để xây dựng hay không?
Sau những chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào Qatar và ủng hộ cách làm của các nước Ả Rập, có thể thấy rõ ràng vấn đề của Qatar vượt quá khả năng ngoại giao và tài chính của nước này, nhất là trong việc xây dựng mối quan hệ bền chặt với những quốc gia láng giềng GCC tại khu vực Trung Đông.
Giải pháp thứ ba là để mặc cho khủng hoảng tiếp tục kéo dài như các vấn đề khác trong khu vực. Tuy nhiên, việc này đi ngược lại quan điểm của GCC, mà trong đó Qatar là một trong những thành viên sáng lập.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) bắt tay đồng cấp Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani trước cuộc gặp tại trụ sở Bộ ngoại giao Mỹ ở Washington, ngày 27/6/2017 (Ảnh: REUTERS/Yuri Gripas)
Lựa chọn của Qatar
Ông Mustapha Karkouti nhận định, trong tình hình hiện tại, Qatar sẽ muốn tránh sử dụng vũ lực, tiếp tục cố gắng trì hoãn và có thể chấp nhận một vài trong số 13 điều kiện được các nước Ả Rập đưa ra.
Qatar cũng cho rằng thay đổi đường lối chính trị sẽ làm suy yếu chủ quyền và chính sách đối ngoại của mình.
Đại diện của Qatar, Ngoại trưởng Sheikh Mohammed Bin Abdulrahman Al Thani đã liên tục đề cập tới vấn đề này. Thông thường, các mâu thuẫn chính trị được giải quyết thông qua đàm phán, và trong nhiều trường hợp, đòi hỏi không ít nhượng bộ từ các bên, đôi lúc một bên phải hi sinh quyền lợi cho số đông. Đây là việc thường thấy trong Liên minh châu Âu (EU) và các thành viên NATO.
Mô hình EU đã hoạt động hiệu quả trong suốt 43 năm qua mặc cho những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và mâu thuẫn trong quá khứ giữa 28 quốc gia thành viên. Châu Âu là khuôn mẫu điển hình cho thống nhất kinh tế và chính trị khi EU mở cửa cho các nước gia nhập sau khi Liên Xô tan rã.
Các nước GCC, đặc biệt là Qatar, có thể học hỏi quá trình thống nhất của EU từ năm 1956, bắt đầu chỉ với 6 quốc gia: Pháp, Đức, Ý, Hà Lan. Bỉ và Luxembourg.
Các quốc gia vùng Vịnh đang đối mặt với khủng hoảng rất nghiêm trọng và đã tới lúc Qatar phải đưa ra quyết định đúng đắn - Karkouti kết luận.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.