Rác thải phế liệu tồn ở cảng (Ảnh Sơn Nhung) |
Thời gian qua, hoạt động nhập khẩu phế liệu có nhiều diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cảng biển và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, chậm lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu làm gia tăng chi phí cho hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp và có nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước tại cảng biển cũng như tập trung xử lý, giải quyết các hàng hóa phế liệu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các Cảng vụ hàng hải tăng cường phối hợp với các cơ quan Hải Quan, Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển có liên quan kiểm tra tàu thuyền vận chuyển hàng hóa khác với mã số hàng hóa là phế liệu thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu ban hành; yêu cầu các doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu thống kê loại hàng, số lượng và kiến nghị cơ quan hải quan khẩn trương phân loại để xử lý các container phế liệu tồn đọng quá 90 ngày theo quy định của Bộ Tài chính. Trường hợp cơ quan hải quan và cơ quan quản lý về môi trường xác định hàng hóa gây ô nhiễm môi trường thì phối hợp với cơ quan liên quan kiên quyết yêu cầu các chủ hàng, chủ tàu tái xuất các lô hàng vi phạm theo quy định. Đồng thời tổ chức phổ biến và hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cho doanh nghiệp cảng biển, hàng tàu, doanh nghiệp vận tải biển, vận tải thủy nội địa và đường bộ liên quan.
Còn các doanh nghiệp cảng biển chủ động phối hợp với các cơ quan hải quan, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm soát chặt chẽ các lô hàng phế liệu, thường xuyên thống kê, phân loại và phối hợp với các hãng tàu, đại lý tàu có kế hoạch xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển.
Cụ thể, đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu đến cảng chỉ tiến hành dỡ hàng hóa khỏi tàu khi hãng tàu, đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng xuất trình giấy phép nhập khẩu của lô hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và văn bản cam kết thời gian nhận hàng cụ thể của khách hàng. Trường hợp lô hàng không có giấy phép nhập khẩu còn hiệu lực, đề nghị hãng tàu và đại lý hãng tàu chuyển cảng dỡ hàng cho lô hàng này về cảng nước ngoài trước khi tàu cập cảng, tránh phát sinh thời gian và chi phí cho các bên liên quan.
Còn đối với trường hợp cần giải phóng hàng tồn đọng ra khỏi khu vực cảng tránh gây ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa tại cảng biển, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị doanh nghiệp cảng chủ động phối hợp chặt chẽ với hãng tàu, đại lý hãng tàu và các bên liên quan kiến nghị cơ quan hải quan cho chuyển các lô hàng phế liệu nhập khẩu đã lưu bãi trên 30 ngày và các lô lưu bãi trên 90 ngày (hãng không có chừng từ hợp lệ, tồn đọng) về các khu vực kho, bãi khác và kiến nghị cơ quan hải quan cho phép chủ hàng làm thủ tục thông quan nhận hàng trực tiếp tại các cảng bến này mà không phải đổi cảng đích trên vận đơn.
Đồng thời, hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu tăng cường kiểm soát chặt chẽ giấy phép nhập khẩu của lô hàng phế liệu được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực trước khi đưa hàng lên tàu tại các cảng xuất khẩu và các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển kiểm tra giấy phép còn hiệu lực trước khi cho hàng hóa dỡ xuống cảng. Ngoài ra, hãng tàu cần kịp thòi cung cấp thông tin tên hàng hóa, mã hàng hóa trong danh sách hàng hóa dỡ khỏi tàu cho doanh nghiệp cảng biển. Trường hợp chỉnh sửa tên hàng hóa mà hàng hóa không nằm trong danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất thì hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu buộc phải vận chuyển hàng hóa đã dỡ từ tàu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và chi trả toàn bộ chi phí phát sinh liên quan.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.