Chủ một quầy cho thuê xe điện ghi lại số điện thoại của khách tại khu vực quanh tượng đài Lý Thái Tổ. Ảnh: Ngân Hà. |
Trưa Chủ nhật nắng ấm, chị Thu - chủ một sạp cho thuê xe điện tự cân bằng (hoverboard), patin và ôtô mini tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội) đang ngồi tỉ mỉ rà kỹ tờ giấy nhỏ ghi thời gian từng khách bắt đầu thuê xe để chuẩn bị nhấc điện thoại "nhắc" hết giờ.
Vừa ghi chép, chị vừa kể đêm qua, hai vợ chồng 4 giờ sáng mới được về nhà vì các bạn trẻ thuê xe patin, xe điện cân bằng quá đông và chơi khuya. "Không làm thì không có tiền nhưng làm thâu đêm thế cũng mệt. Quản lý và nhắc nhở tụi trẻ trả xe đúng giờ cũng hết ngày", chị than thở.
Giá thuê một chiếc xe điện cân bằng hai bánh khoảng 40.000-50.000 đồng trong 20-30 phút. Tương tự, giá thuê mỗi chiếc ôtô điện mini cho các bé mầm non trong thời gian này cũng khoảng 50.000 đồng. Người thuê xe hầu như không phải đặt cọc mà chỉ trả tiền trước và để lại số điện thoại để chủ xe gọi điện khi thấy hết giờ.
Thực tế, chị cũng như những chủ sạp cho thuê xe điện khác quanh khu vực tượng đài Lý Thái Tổ luôn nườm nượm khách ra vào trong những ngày cuối tuần. Sạp nhỏ có khoảng 3-4 chiếc patin, 5 xe điện cân bằng và 1-2 ôtô điện. Những sạp lớn hơn có thể mang đến khu vực Hồ Gươm hàng chục phương tiện. Giá thị trường một chiếc xe điện cân bằng hiện từ 3 đến 5 triệu đồng, ôtô điện mini khoảng 2-3 triệu.
Theo chị Thu bỏ 30 triệu đồng ban đầu để đầu tư nghe hơi nhiều nhưng chỉ vài ngày kinh doanh là thu hồi vốn. "Đến giờ thì mình chỉ thu tiền lãi hằng ngày thôi. Mỗi ngày túc tắc cũng được vài ba triệu, mỗi tội chỉ kiếm được mấy ngày cuối tuần", chị nói.
Trò chơi xe điện tự cân bằng mới du nhập vào Việt Nam khoảng một năm trở lại đây. Phố đi bộ cuối tuần quanh Hồ Gươm được Hà Nội đưa vào triển khai từ đầu tháng 9. Cùng với sự ra đời của phố đi bộ, trào lưu chơi xe điện cân bằng cũng bùng nổ tại Hà Nội.
Trên thực tế, các điểm kinh doanh dịch vụ thuê xe này phần lớn là tự phát. Ban đầu, người thuê xe được sử dụng quanh phố đi bộ Hồ Gươm nhưng đến đầu tháng 11/2016, người dân chỉ được sử dụng xe này quanh khu vực tượng đài Lý Thái Tổ do xảy ra một số vụ tai nạn.
Không chỉ dịch vụ cho thuê xe điện, nhiều mặt hàng cũng "hốt bạc" hơn nhờ sự xuất hiện của phố đi bộ. Chủ một quán trà chanh nhỏ trên đường Đinh Tiên Hoàng cho biết, bình thường chỉ bán vào các buổi tối nhưng từ ngày có phố đi bộ, bán thêm 3 ngày nghỉ cũng gần bằng ngày cuối tuần.
Theo ước tính của UBND TP Hà Nội, mỗi ngày lưu lượng khách đến tham quan và tham gia các hoạt động có thể lên tới 5.000 người (ban ngày) và hàng vạn người (vào buổi tối).
Việc thí điểm không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận bắt đầu từ ngày 1/9, ban đầu dự kiến kéo dài đến hết năm 2016. Tuy nhiên, mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ tiếp tục thí điểm đến giữa năm 2017 vì đánh giá đây là bước đi đúng hướng và muốn khảo sát thêm để tìm phương án hợp lý nhất có nên làm cả thứ 7 hay chỉ Chủ nhật. Hiện tại, không gian đi bộ sẽ được tổ chức vào cuối tuần và các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn. Riêng Tết âm lịch năm nay, do thời gian nghỉ dài, người dân về quê ăn tết nhiều nên đường phố vắng, Hà Nội sẽ không tổ chức phố đi bộ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.