Cán bộ Cục CSGT trong một lần sử dụng máy đo nồng độ cồn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Bá Đô |
Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo thông tư về quy trình xử lý, giải quyết tai nạn giao thông của CSGT. Dự thảo đề xuất 7 bước giải quyết như: Cảnh sát khi tới hiện trường phải ưu tiên cấp cứu người bị nạn; bảo vệ hiện trường; phân luồng không để xảy ra ùn tắc...
Sau đó, CSGT phải sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để kiểm tra ngay nồng độ cồn hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng đối với những người liên quan đến vụ tai nạn giao thông. CSGT cũng có thể yêu cầu cơ sở y tế kiểm tra nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện đang được cấp cứu.
Theo thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng phòng Tuyên truyền hướng dẫn luật (Cục CSGT, Bộ Công an), lâu nay việc kiểm tra nồng độ cồn, ma túy với người liên quan đến vụ tai nạn giao thông đã được thực hiện, tuy nhiên "không phải vụ nào cũng kiểm tra, do không được cụ thể hóa trong quy trình điều tra, giải quyết tai nạn".
Do vậy, quy định nêu trên sẽ giúp CSGT khi tới hiện trường ý thức được việc phải kiểm tra nồng độ cồn, ma túy với tất cả bên liên quan trong vụ tai nạn, với cả người gây tai nạn và người bị tai nạn để đảm bảo có căn cứ khách quan khi đánh giá nguyên nhân.
Ngoài ra, việc kiểm tra nồng độ cồn, ma túy ngay tại hiện trường cũng giúp kết quả đo chính xác và ngăn ngừa trường hợp người liên quan đến vụ tai nạn bỏ chạy, sau thời gian dài mới ra cơ quan công an trình diện.
Theo thống kê từ ngày 15/7 đến 14/8, CSGT toàn quốc xử phạt gần 15.000 tài xế ôtô, xe máy vi phạm nồng độ cồn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.