Trong năm 2014 và 2 tháng đầu 2015, tình hình trật tự, an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí. Mặc dù đạt được những kết quả ban đầu nhưng tình hình TTATGT vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là số người tử vong do TNGT và hiện tượng chống đối lực lượng thực thi công vụ trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; nhiều vụ TNGT nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện cơ giới vi phạm quy định về nồng độ cồn; tiếp tục xuất hiện tình trạng người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ tham gia giao thông trên đường cao tốc uy hiếp nghiêm trọng an toàn giao thông.
Để khắc phục những bất cấp trên, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có công văn kiến nghị Chính phủ nhằm nâng cao hiệu lực điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông, hiệu quả thực thi pháp luật, ngăn ngừa nguy cơ tai nạn giao thông đường bộ, bảo về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ nhằm “tăng nặng” chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi sau:
1. Lực lượng thực thi công vụ sẽ thực hiện khóa bánh phương tiện tại chỗ hoặc cẩu, kéo đến nơi tập kết đối với hành vi chủ xe, lái xe cố tình bỏ phương tiện, không hợp tác với lực lượng tuần tra, kiểm soát. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện chịu trách nhiệm hoàn toàn về chi phí phát sinh để khóa bánh hoặc cẩu, kéo phương tiện và trông giữ phương tiện, hàng hóa, tài sản trên xe.
2. Đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép trên 150% sẽ bị xử phạt như sau:
- Đối với người điều khiển phương tiện: Phạt tiền 25.000.000 đồng và có hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 12 tháng. Đồng thời phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại Giấy phép lái xe.
- Đối với chủ phương tiện có hành vi giao hoặc để cho người làm công, người đại diện nếu chủ phương tiện thực hiện hành vi vi phạm:
+ Đối với chủ phương tiện là cá nhân: Phạt tiền 40.000.000 đồng hoặc tịch thu phương tiện nếu chủ phương tiện không nộp tiền phạt.
+ Đối với chủ phương tiện là tổ chức: Phạt tiền 80.000.000 đồng hoặc tịch thu phương tiện nếu chủ phương tiện không nộp tiền phạt.
3. Đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn của người lái xe cơ giới đường bộ, cho phếp xử phạt như sau:
- Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:
+ Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lại xe 6 tháng đối với hành vi Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đến 50 miligam/100 mililít máu hoặc đến 0,25 miligam/1 lít khí thở.
+ Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 12 tháng đối với hành vi Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ còn từ 50 miligam đén 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0.25 đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại Giấy phéo lái xe.
+ Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện đối với hành vi Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại Giấy phép lái xe.
- Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:
+ Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 12 tháng đối với hành vi Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn từ trên 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/ 1 lít khí thở. Đồng thời phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại Giấy phép lái xe.
+ Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện đối với hành vi Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đồng thời phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại Giấy phép lái xe.
4. Đối với hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, xe thô sơ tham gia giao thông trên đường cao tốc thực hiện: Tịch thu phương tiện.
Theo đề xuất, các Bộ, ngành, địa phương sẽ triển khai thí điểm thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ từ ngày 15/3/2015, giao Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an có văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.