Kiến nghị tăng vốn nhà nước tại dự án đường ven biển tỉnh Thái Bình

Tác giả: T.L

saosaosaosaosao
Đường bộ 08/08/2023 08:52

Dự án đầu tư tuyến đường bộ ven biển Thái Bình được đầu tư theo phương thức hợp tác công – tư (PPP), đang được đề xuất điều chỉnh tăng vốn đầu tư 708 tỷ đồng phần vốn nhà nước.

Kiến nghị tăng 708 tỷ đồng vốn nhà nước tại dự án đường ven biển tỉnh Thái Bình - Ảnh 1.

Một đoạn thuộc dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình

UBND tỉnh Thái Bình (cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình) vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án này.

Cụ thể, UBND tỉnh Thái Bình kiến nghị được cho phép điều chỉnh tỷ lệ vốn Nhà nước cao hơn tỷ lệ theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt và phần vốn nhà nước tăng thêm (do điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án) lấy từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và nguồn vốn ngân sách tỉnh Thái Bình để thực hiện.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình có chiều dài hơn 43km, được thiết kế rộng 4 làn, vận tốc 80km/h, được đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư (PPP).

Dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 28/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng (vốn nhà nước 2.693 tỷ đồng, tương ứng 66,7% tổng mức đầu tư (ngân sách Trung ương 1.100 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.593 tỷ đồng); vốn BOT (vốn chủ sở hữu và vốn vay) là 1.289 tỷ đồng, tương ứng 33,33%).

Hợp đồng BOT được UBND tỉnh Thái Bình và nhà đầu tư ký ngày 13/2/2019. Khi triển khai thực hiện dự án, do ảnh hưởng của các yếu tố như đại dịch Covid-19, khan hiếm vật liệu cát, giá cả tăng, tăng chi phí giải phóng mặt bằng,… nên tổng mức đầu tư tăng vượt mức 10% so với tổng mức đầu tư được phê duyệt.

Ngày 9/12/2021, UBND tỉnh Thái Bình có Tờ trình số 213/TTr-UBND đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (trong đó điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 3.872 tỷ đồng lên 4.580 tỷ đồng (tăng thêm 708 tỷ đồng) và điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án tăng từ 66,7% lên 71,8%.

Theo UBND tỉnh Thái Bình, căn cứ ý kiến của Bộ Tư pháp (không tăng tỷ vốn nhà nước trong dự án cao hơn tỷ lệ đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 28/3/2018), UBND tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh đã nhiều lần đàm phán với nhà đầu tư về tỷ lệ các nguồn vốn tham gia dự án.

Tuy vậy, đến nay, cơ quan có thẩm quyền tại dự án và nhà đầu tư vẫn chưa thống nhất được hướng giải quyết, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Lý do nhà đầu tư không nhất trí, vì cho rằng, Luật PPP không có điều khoản quy định là không được điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đối với các dự án chuyển tiếp có tỷ lệ vốn lớn hơn 50% tổng mức đầu tư. 

Ý kiến của bạn

Bình luận