Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho cao tốc có cầu dây văng cấp đặc biệt

Tác giả: Ánh Minh

saosaosaosaosao
Đường bộ 14/06/2024 11:06

UBND tỉnh Hòa Bình vừa đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu trên địa bàn tỉnh.

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho cao tốc có cầu dây văng cấp đặc biệt- Ảnh 1.

Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua tỉnh Hòa Bình có chiều dài 34 km, tổng mức đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng (ảnh minh họa)

Theo UBND tỉnh Hòa Bình, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có tổng chiều dài tuyến là 34 km. Chủ đầu tư là Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình.

Cuối tháng 5 vừa qua, chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng Gói thầu số 02 - Tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng công trình cầu Hòa Sơn. Hiện nay, nhà thầu đang khẩn trương thực hiện công tác điều tra, khảo sát phục vụ công tác thiết kế để đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự án.

Đối với phần công việc còn lại, chủ đầu tư đang tiến hành thực hiện theo quy định, dự kiến trong tháng 6 sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và triển khai thực hiện.

Trong giai đoạn 1, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có chiều rộng nền đường 12 m, tương đương tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng; tốc độ thiết kế 80 km/h.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 9.997 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 8.243 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh là 1.654 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến 2028.

Theo UBND tỉnh Hòa Bình, dự án có đặc thù khó khăn khi đi qua địa hình đồi, núi khó khăn và hiểm trở, điều kiện thực chất phức tạp. Dự án cũng có một số đặc thù như: Thiết kế xây dựng 1 cầu dây văng cấp đặc biệt (cầu Hòa Sơn) có nhịp chính dây văng lớn nhất Việt Nam dài 550 m; 3 hầm qua núi; 6 cầu có trụ cao trên 50 m và khoảng 5.558 m cầu cạn, mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện dự án.

Cùng với đó, công tác đo đạc bản đồ giải thửa còn gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án khi thực hiện quy chủ thửa đất trích đo các hộ cung cấp không kịp thời các thông tin, tài liệu, căn cứ pháp lý về quyền sử dụng đất. Đồng thời, diện tích giữa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích trích đo thực tế có sự sai lệch; một số hộ đi làm ăn xa không quy chủ được thửa đất dẫn đến công tác xác định nguồn gốc, loại đất, đối tượng sử dụng đất gặp nhiều khó khăn...

Một trong những khó khăn đáng chú ý khác, UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đính khác đã được phân cấp cho Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định quy định tại Điều 20 Luật Lâm nghiệp năm 2017 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 248 Luật Đất đai năm 2024.

Tại khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp năm 2017 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 248 Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2024 quy định: "2. Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ các dự án sau đây: dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết khác theo tiêu chí do Chính phủ quy định".

Hiện nay, tiêu chí xác định dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác được quy định tại khoản 2, Điều 1, Nghị định số 83/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác...".

Ngày 24/5 vừa qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xin ý kiến về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Trong đó, UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm hướng dẫn tỉnh Hòa Bình "Thực hiện lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; hoặc không phải thực hiện lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác do dự án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư".

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Hòa Bình tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ; xây dựng định mức dự toán mới… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo tiến độ, chất lượng và phát huy hiệu quả đầu tư.

UBND tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm sớm có hướng dẫn cho UBND tỉnh Hòa Bình đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Ý kiến của bạn

Bình luận