Vụ tai nạn giao thông xảy ra vào tối 4/7/2024 làm chết 1 người, bị thương 1 người
Tai nạn thường xảy ra vào ban đêm
Tuyến QL12B đoạn từ ngã ba chợ Chiều đến cầu Lập Cập dài hơn 30 Km, được Bộ GTVT đầu tư xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng QL12B đoạn Tam Điệp – Nho Quan và bàn giao cho Sở GTVT Ninh Bình vào khai thác năm 2021. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối các tỉnh đồng bằng sông Hồng với các tỉnh Tây Bắc, trong quá trình khai thác, đã xuất hiện một số vị trí thường xuyên xảy ra tai nạn, làm chết và bị thương nhiều người.
Theo thống kê của Công an tỉnh Ninh Bình từ đầu năm đến nay, trên QL12B đoạn từ Km44+00 – Km74+785 đã xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4 người, bị thương 19 người. Cụ thể: Đoạn Km55+600 – Km59+700 thuộc địa phận xã Quỳnh Lưu đã xảy ra 8 vụ, làm chết 2 người bị thương 8 người; đoạn Km64+00 – Km67+700, thuộc địa phận xã Văn Phú xảy ra 11 vụ, làm chết 2 người, bị thương 11 người.
Bà Nguyễn Thị Hoàn, ngụ tại thôn Xuân Quê, xã Quỳnh Lưu (cổng trường PTTH Nho Quan A) nằm cạnh QL12B cho biết, mỗi lần học sinh tan học là lo ngay ngáy, các cháu học sinh tan trường vừa đi vừa nói chuyện, đùa nghịch, xe máy, xe đạp lộn xộn… trong khi xe tải, xe khách, xe du lịch chạy nườm nượp qua đây. Năm ngoái đã có một cậu học sinh đi học do không quan sát kỹ, trời tối, đi tốc độ cao đâm vào cột điện bên đường, khi xe cấp cứu đưa đến viện thì đã không qua khỏi… Hay như vụ tai nạn xảy ra vào tối ngày 4/7/2024 vừa qua, cháu Phan Bá Đại ngụ tại thôn Đính Chàng, xã Sơn Lai đi xe máy do không làm chủ tốc độ đã đâm vào phương tiện đi ngược chiều và tử vong tại chỗ…
Ông Tô Xuân Trường, Phó giám đốc Sở GTVT Ninh Bình cho biết, Ban ATGT tỉnh đã có văn bản chỉ đạo rà soát và xóa các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT này. Trên cơ sở đó, Sở GTVT đã chủ trì, phối hợp với UBND huyện Nho Quan, Phòng CSGT và Văn phòng Ban ATGT tỉnh kiểm tra hiện trường cho thấy đa số các vụ tai nạn giao thông đều xảy ra vào ban đêm, do hạn chế tầm nhìn của người và phương tiện tham gia giao thông… Do đó, để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham giao thông, đề nghị Cục ĐBVN cho phép xử lý điểm đen từ Km55+600 – Km59+700 và Km64+00 – Km67+700 bằng giải pháp lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng với kinh phí dự kiến khoảng 14 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cho phép Sở GTVT Ninh Bình sửa chữa đột xuất, bổ sung báo hiệu đường bộ trên các đoạn tuyến này bằng hình thức gắn biển báo "Hạn chế tốc độ tối đa cho phép" bao gồm cả các biển nhắc lại tại các nút giao trên tuyến với kinh phí khoảng 100 triệu đồng.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Phạm Đức Tuân, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Ninh Bình cho biết việc rà soát các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT và điểm có nguy cơ mất ATGT trên các tuyến giao thông thường xuyên được Ban ATGT quan tâm chỉ đạo, đặc biệt liên quan đến hạ tầng giao thông. Trong quá trình đợi các cơ quan chuyên môn thẩm định, giải quyết bằng giải pháp kỹ thuật, Ban ATGT tỉnh yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, bên cạnh đó tổ chức tuyên truyền để nâng ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Hoàn thiện hồ sơ "điểm đen"
Theo lãnh đạo Cục ĐBVN, để xử lý điểm đen tại các đoạn tuyến Km55+600-Km59+700 và Km64+00-Km67+700 QL12B theo đề nghị của Sở GTVT Ninh Bình, đề nghị Sở GTVT Ninh Bình cung cấp hồ sơ, tài liệu theo quy định về xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường bộ đang khai thác trình Cục ĐBVN xem xét giải quyết theo thẩm quyền.
Đối với đề nghị lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, qua thực tế QL12B sau khi đầu tư xây dựng, qua thời gian khai thác, dọc hai bên tuyến đã hình thành một số khu dân cư, đô thị nên việc đầu tư lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng là cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến. Theo quy định của Chính phủ về quản lý chiếu sáng đô thị, đề nghị Sở GTVT Ninh Bình báo cáo UBND tỉnh cân đối sử dụng nguồn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư, khai thác và vận hành hệ thống điện chiếu sáng đối với các khu vực cần thiết trên đoạn tuyến từ Km55+600 - Km59+700 và Km64+00-Km67+700.
Để bảo đảm giao thông và xử lý kịp thời các hư hỏng mất an toàn giao thông, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn và các bất cập trong tổ chức giao thông, Cục ĐBVN yêu cầu Sở GTVT Ninh Bình khẩn trương xử lý các vị trí hệ thống báo hiệu đường bộ bảo đảm đầy đủ, phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số về báo hiệu đường bộ bằng nguồn kinh phí bảo dưỡng thường xuyên bổ sung vạch sơn, biển cảnh báo, gờ giảm tốc, sửa cọc H, cột Km..., đồng thời, tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.