Kiệt quệ vì COVID-19: Giám đốc xe khách làm bảo vệ, rửa xe, trực tổng đài kiêm bán vé

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Bạn đọc 19/05/2021 13:33

Chưa kịp hồi phục sau “cơn bão” Covid-19 ở các giai đoạn đầu, ngành vận tải lại bị giáng thêm cú đòn khi dịch bệnh lần thứ 4 tái bùng phát, khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Để cắt giảm chi phí, chủ DN vận tải phải kiêm làm bảo vệ, ship hàng, trực tổng đài, bán vé...


IMG_20210519_111235
Hàng trăm xe khách của Công ty Đất Cảng lưu kho, dừng hoạt động.

Những ngày này, các chuyến xe xuất bến từ Hà Nội đi Hải Phòng của hãng xe Đất Cảng chỉ có 2 - 3 khách. Hãng muốn thu hẹp quy mô, bán xe nhưng chẳng ai mua.

Từ khi Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, khách đặt vé qua điện thoại hủy hàng loạt, khách đến bến thưa thớt. Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc hãng xe Đất Cảng, cho biết, do ảnh hưởng của dịch, đơn vị chỉ duy trì 20% số xe, tần suất phải kéo dài từ 30 phút lên hơn 2 tiếng cho mỗi chuyến, nhưng chỉ lác đác 2-3 khách. "Nếu dịch bệnh không được kiểm soát kịp thời, chúng tôi buộc phải dừng hoạt động và tính đến phương án giải thể,chuyển đổi loại hình kinh doanh", ông Hải nói.

Theo phân tích của ông Hải, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát vào đúng cao điểm 30/4 và 1/5, người dân cả nước hạn chế đi lại, các hãng xe càng lún sâu vào khó khăn, trong khi nhiều khoản nợ đến kỳ phải trả.

Ông Nguyễn Duy Ninh - Giám đốc hãng xe Ninh Quỳnh chua xót nói: Làm vận tải ngót nghét 20 năm, chưa bao giờ tôi thấy khủng hoảng như lúc này. Hàng trăm phương tiện của Công ty đã tạm dừng hoạt động gần 10 ngày nay, chấp nhận nằm phơi nắng mưa ở bãi. Tình hình tài chính của Công ty cũng rất bi đát, đôi lúc trong tài khoản không còn nổi 10 triệu đồng để đóng tiền điện nước, bến bãi.

"Với người lao động, doanh nghiệp phải áp dụng làm việc luân phiên, ngày làm ngày nghỉ, thu nhập bằng lương tối thiểu, tạm duy trì cuộc sống. Để duy trì hoạt động, cả hai vợ chồng phải thay nhau trực bảo vệ, rửa xe, thậm chí đi ship hàng cho khách...", ông Ninh chia sẻ.

IMG_20210519_111243
 
IMG_20210519_111241
Hàng ngày, Giám đốc hãng xe Ninh Quỳnh Nguyễn Duy Ninh phải làm bảo vệ, rửa xe, thậm chí đi ship hàng để cắt giảm chi phí.

Nói về tác động của dịch lên doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc hãng xe Đức Trưởng (Thái Bình) phải thốt lên: “Kinh khủng! không biết còn trụ được tới bao giờ, chỉ biết cố được tới đâu hay tới đó. Vận tải khách liên tỉnh chỉ duy trì mức tối thiểu, có chạy cũng không có khách”.

"Dịch bệnh khó khăn, không có tiền thuê người làm, gần một năm nay, chồng tôi thì lái xe, 2 đứa con thay phiên nhau đi phụ, còn tôi vừa trực tổng đài kiêm luôn bán vé", chị Thu cho biết.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, mặc dù Chính phủ đã có thêm các giải pháp về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Doanh nghiệp vận tải yếu kém, thậm chí phải dừng hoạt động vì không thể có doanh thu.

Nhưng một trong những vấn đề khiến các doanh nghiệp vận tải lo lắng nhất hiện nay là áp lực phải trả nợ sau hai năm liên tiếp điêu đứng vì COVID-19. Đây là lúc họ cần sự “tiếp sức” của Nhà nước hơn lúc nào hết.

Vì thế, cần có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp vận tải đường bộ có được bước đệm tiếp tục duy trì hoạt động và phục hồi.

Giám đốc hãng xe Sao Việt Đỗ Văn Bằng cũng kiến nghị Nhà nước có chính sách miễn giảm thuế, phí các loại, ngân hàng tiếp tục cho khoanh nợ, giãn nợ thay vì bắt trả nợ vào thời điểm này.

Mặt khác, tôi cho rằng, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cũng nghiên cứu tiếp tục miễn giảm phí bảo trì đường bộ cho các doanh nghiệp vận tải đường bộ.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay, hiện các doanh nghiệp taxi trực thuộc hiệp hội chỉ duy trì hoạt động khoảng 50% số xe, do vắng khách. Theo ông Hùng, số xe còn hoạt động giảm doanh thu hơn 1 nửa. Vị này dẫn chứng, bình thường 1 taxi chuyên phục vụ đưa/đón khách tại sân bay Nội Bài có thể đạt doanh thu hơn 1 triệu đồng/ngày, nay chỉ còn khoảng 400 nghìn đồng/ngày.

Ý kiến của bạn

Bình luận