Kinh doanh xe hơi cũ điêu đứng, đóng cửa

Thị trường 21/12/2017 16:26

Chính sách thay đổi, hàng loạt rào cản đang đè nặng doanh nghiệp nhập khẩu xe cũ, doanh nghiệp thoi thóp, nhiều cửa hàng thua lỗ, đóng cửa chuyển đổi kinh doanh.

 

2550900516486530418243101082084339o-1513566247622
Xe cũ ế ẩm lại thêm khó khăn khi bi bóp chặt, ảnh chụp tại một showroom xe cũ trên đường Phạm Hùng (Bình Chánh) - Ảnh: Mai Trang

Khóa chặt đường nhập khẩu

Với những hàng rào kỹ thuật của Nghị định 116 và 125, xe nhập khẩu đã qua sử dụng gần như không còn đường để về Việt Nam. Chính sách này được cho là đang đẩy các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xe đã qua sử dụng vào đường cùng, khi đưa ra những quy định không thể đáp ứng.

Theo các doanh nghiệp, nhiều quy định trớ trêu đang bóp nghẹt doanh nghiệp nhập khẩu xe cũ. Cụ thể, Nghị định 116 yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi qua sử dụng phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hơi nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi xe nhập khẩu tại Việt Nam.

Nói về yêu cầu phải có giấy ủy quyền từ nhà sản xuất, đại diện một doanh nghiệp chuyên kinh doanh xe đã qua sử dụng tại Quận 5, TP.HCM cho biết: "Loại giấy tờ này để xin được không phải dễ, nếu không muốn nói là bất khả thi. Trong khi đó, nhiều quy định tại Việt Nam, thì ở nước ngoài lại không có".

Tương tự, Nghị định 125 lại quy định mức thuế tuyệt đối áp dụng cho những mẫu xe dung tích không quá một lít là 10.000 USD. Sau khi cộng các khoản thuế TTĐB, VAT và các chi phí khác, mức giá tăng lên hơn gấp đôi, thậm chí cao hơn giá xe chính hãng cùng đời.

Vị đại diện này tính toán, doanh số của công ty giảm từ 5 – 10% so với cùng kì năm ngoái. Và đây được cho là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ trong lĩnh vực kinh doanh xe cũ.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, lĩnh lực kinh doanh xe cũ đang tạo nên nhiều lợi thế khi mang tới cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn với mức giá rẻ hơn, người dân sẽ có thêm chi phí để tiêu dùng cho những mục đích khác từ đó kích cầu nền kinh tế. Trong khi đó, ngân sách nhà nước không hề thiệt hại khi vẫn thu đúng và thu đủ.

Ông Hiển cho rằng, việc kìm hãm các doanh nghiệp nhập khẩu xe tư nhân bằng quy định nhìn theo góc độ hẹp thì lĩnh vực lắp ráp ôtô trong nước và kinh doanh xe mới sẽ được hưởng lợi nhưng nhìn rộng hơn, tổng nhu cầu của toàn thị trường lại bị teo nhỏ. 

"Nguyên tắc phát triển kinh tế thị trường là làm sao cho người tiêu dùng được mua các sản phẩm với giá bán thấp nhất để có chi phí cho những khoản đầu tư hay tiêu dùng khác từ đó tạo nên giá trị lan tỏa." Ông Hiển đánh giá.

Ngừng nhập, hoạt động cầm chừng đợi... đóng cửa

Trước những khó khăn như trên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe "lướt" đang chật vật tìm hướng đi khác.

Ông Trương Công Bắc, trưởng phòng kinh doanh Công ty ôtô Việt Hàn cho biết, doanh nghiệp này đã ngừng hoàn toàn nhập xe đã qua sử dụng từ nước ngoài. Đầu nhập xe vào hiện rất khó khăn cùng với chi phí tăng do thuế khiến việc kinh doanh xe đã qua sử dụng không còn thuận lợi như trước.

Thay vì kinh doanh xe nhập khẩu, doanh nghiệp này chuyển sang mua xe đã qua sử dụng trong nước và bán lại. "Dù được hưởng ưu đã về thuế hơn so với xe nhập nước ngoài cũng như các rào cản chính sách, nhưng nguồn cung xe đã qua sử dụng xuất xứ trong nước lại khá khan hiếm" – ông Bắc đánh giá.

 Chuyển sang mua xe đã qua sử dụng trong nước và bán lại được xem là hướng đi phù hợp và an toàn trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang rất dè chừng với giải pháp này. Điều này được lý giải là do giá xe mới trong nước liên tục giảm mạnh, khiến xe cũ khó cạnh tranh nổi.

Các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xe đã qua sử dụng đang trong tình thế "tiến thóa lưỡng nan" khi không thể nhập xe từ nước ngoài, nguồn xe trong nước khan hiến, khó cạnh tranh về giá. 

Trong khi một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, còn xe nào bán xe đó, mua được xe nào bán xe đó, thì một nhóm không nhỏ lại chọn chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác, thậm chí là đóng cửa trả lại mặt bằng. 

Ý kiến của bạn

Bình luận