Kinh hoàng "công nghệ" khai thác khoáng sản kiểu tận thu trên sông Lục Nam

Tác giả: Lê Minh - Vũ Thành

saosaosaosaosao
Ý kiến 25/04/2016 08:50

Hàng trăm hộ dân hai xã Tuấn Đạo và Yên Định (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) có đơn khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang xem xét lại việc khai thác vàng sa khoáng, cát, sỏi kiểu tận thu của HTX Yên Định trên sông Lục Nam, gây ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường sống của họ.


 

 Clip: Cảnh tượng khai thác khoảng sản kiểu tận thu trên sông Lục Nam

Nỗi lo “cát tặc”

Thời gian gần đây, người dân hai xã Tuấn Đạo và Yên Định (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) chỉ còn biết kêu trời trước tình cảnh tàu hút cát chạy ầm ầm suốt ngày đêm quấy nhiễu miếng ăn, giấc ngủ của họ.

Năm 2014, UBND tỉnh quyết định cho phép HTX Yên Định được khai thác cát, sỏi lòng sông Lục Nam tại khu vực bãi Đồng Hả, Thác Nghẽo và bãi Hai Sông thuộc địa phận xã Tuấn Đạo và Yên Định với tổng diện tích 7,4 ha, trữ lượng gần 117 nghìn m3; công suất khai thác 20 nghìn m3/năm; thời hạn khai thác là 6 năm kể từ ngày ra quyết định. Sau gần 2 năm khai thác, HTX Yên Định đã bộc lộ nhiều sai phạm nghiêm trọng, gây ra những hệ lụy xấu về môi trường, xâm phạm hệ thống đê, điều quốc gia.

SD1
Cận cảnh một tàu cuốc của HTX Yên Định vừa hút cát vừa xả thải ra môi trường

Những ngày này, hàng trăm hộ dân hai xã Tuấn Đạo và Yên Định tỏ ra hoang mang, lo lắng, và nghi ngờ, bởi từ khi HTX Yên Định bắt đầu được cấp phép khai thác cát trên sông Lục Nam, là lúc cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn nghiêm trọng.

“Từ khi UBND tỉnh Bắc Giang cấp phép khai thác cát, sỏi cho HTX Yên Định, họ hoạt động cả ngày lẫn đêm, gây tiếng ồn rất khó chịu. Hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp ven bờ sông Lục Nam bị sụt lún, cuốn trôi, bởi tác động từ việc khai thác cát gây ra. Với kiểu khai thác tận thu của HTX Yên Định, dòng chảy của sông sẽ thay đổi, mùa mưa đến nước lũ đổ về sẽ gây sạt lở nghiêm trọng”, một người dân xã Tuấn Đạo đề nghị không nêu tên nói.

Không chỉ là đất đai, cuộc sống của hàng trăm con người ở đây đang bị đảo lộn mà một số công trình công cầu, cống, đê điều đoạn qua hai xã Tuấn Đạo và Yên Định rất có thể sẽ bị nước sông Lục Nam cuốn phăng mỗi khi nước lũ dâng.

Đặc biệt người dân còn nghi ngờ phía HTX Yên Định núp bóng khai thác cát, sỏi để khai thác vàng sa khoáng.

SD4
Hoạt động khai thác cát trên sông Lục Nam diễn ra cả ngày lẫn đêm

UBND tỉnh Bắc Giang “giao trứng cho ác”

Có mặt tại các khu vực Thác Nghẽo, Hai Sông, bãi Đồng Bã…, phóng viên tận mắt chứng kiến “đại công trường” khai thác cát của HTX Yên Định hoạt động hết công suất. Theo quan sát, tại các khu vực này, đơn vị khai thác bố trí từ 3 - 4 tàu cuốc đảm nhiệm việc “ăn cát” từ lòng sông lên các tàu “vệ tinh”. Theo quan sát, số tàu “vệ tinh” tại đây luôn được duy trì ổn định từ 10 - 15 tàu để đảm nhiệm việc chở cát từ tàu cuốc lên các bãi tập kết vật liệu xây dựng. Tại các bãi cát ven sông luôn có khoảng 20 máy bơm trực tiếp hút cát từ tàu lớn lên những chiếc xe tải hạng nặng.

Theo đó, sau khi các tàu cuốc thực hiện việc hút và sàng lọc lấy cát, một lượng chất thải lớn bao gồm: đá hộc, rác, sỏi…được xả trực tiếp xuống dòng sông. Cứ như thế, dòng sông Lục Nam hiện tồn tại hàng trăm rác thải cao ngút trời chưa qua xử lý nằm “án ngữ” giữa lòng sông Lục Nam.

SD2
Dòng sông Lục Nam như một bãi chiến trường ngổn ngang đất, đá

Chia sẻ với phóng viên về công nghệ khai thác cát, sỏi kiểu “độc quyền”, một công nhân cho biết, lãnh đạo đơn vị chỉ đạo chỉ lấy cát và sỏi đẹp còn toàn bộ đất, đá, rác thải…thì tống khứ xuống lòng sông, đợi lũ lên sẽ cuốn băng đi hết.

Cách UBND xã Yên Định 500m, tại chân cầu Ngầm Chè từ xưa đến nay luôn được xác định là điểm nóng về tình hình khai thác cát trên sông Lục Nam đoạn qua xã Yên Định.

Theo đó, cách cầu Ngầm Chè khoảng 50m về phía hạ lưu là “đại công trường” khai thác, bãi tập kết cát sỏi của HTX Yên Định hoạt động rầm rầm suốt ngày đêm.

 Clip: Cận cảnh tàu hút cát ngay tại trụ cầu Ngầm Chè và hàng loạt bãi tập kết cát trái phép 

Tại khu vực cầu Ngầm Chè, mỗi ngày luôn duy trì hàng trăm lượt phương tiện nườm nượp ra vào vận chuyển cát, sỏi từ các bãi tập kết vật liệu của HTX Yên Định đi tiêu thụ. Theo người dân địa phương, vào những ngày nắng cát bay mù mịt cuốn theo phượng tiện táp vào người đi đường, những ngày mưa đường sá lầy lội, không thể đi lại được.

Điều đáng nói, để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và bảo vệ kết cấu cầu Ngầm Chè, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đã tiến hành lắp biển cấm các phương tiện trên 10 tấn đi lại qua cầu. Tuy nhiên, bỏ ngoài tai mọi quy định, mỗi ngày hàng đoàn xe tải hạng nặng cỡ 15  - 35 tấn vẫn ngang giang “diễu hành” qua cây cầu này mà không hề bị lực lượng chức năng tuần tra, xử lý.

SD3
Tàu hút cát bơm cát lên các bãi đất trống ven sông Lục Nam

Có thể nói, tình trạng khai thác cát kiểu tận thu trên sông Lục Nam đã bộc lộ nguy cơ mất an toàn đến đê điều, cầu vượt sông, gây ô nhiễm môi trường..., ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của người dân, trật tự an ninh trong khu vực.

Còn tiếp

Ý kiến của bạn

Bình luận