Kinh nghiệm đối phó với thảm họa thiên nhiên của một số nước

An toàn giao thông 11/11/2014 14:46

Từ rất lâu trong lịch sử, thảm họa thiên nhiên đã tồn tại song hành với xã hội loài người và hậu quả do nó gây ra không thua kém so với hậu quả chiến tranh. Trong những thập kỷ gần đây, do môi trường sinh thái toàn cầu và khu vực ngày càng suy thoái làm cho khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, phức tạp, thiên tai ngày càng khốc liệt, khó lường, gây nên những thiệt hại nặng về người và tài sản, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của nhiều nước. Nguyên nhân dẫn đến các thảm họa thiên nhiên có nhiều, song theo nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra thảm họa thiên nhiên là biến đổi khí hậu.


Theo Báo cáo của Ủy ban kinh tế xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) và Cơ quan Liên hợp quốc về Chiến lược giảm nhẹ nguy cơ thiên tai (UNISDR), chỉ tính riêng năm 2011, thiệt hại về kinh tế do thảm họa thiên nhiên gây ra ở châu Á – Thái Bình Dương vào khoảng 294 tỉ USD chiếm 80% trong tổng số 366 tỉ USD thiệt hại của toàn thế giới và bằng 80% tổng thiệt hại giai đoạn 2000 – 2009 [3]. Tại châu Á – Thái Bình Dương, hàng năm có khoảng 80% dân cư bị ảnh hưởng và hơn 3.100 người bị chết do thảm họa thiên nhiên. Thiệt hại về kinh tế do thảm họa thiên nhiên gây ra ở In-đô-nê-xi-a là 1,2% GDP, Việt Nam 1,8% GDP, Mi-an-ma 1,9% GDP, Ma-lai-xi-a 1% GDP, Cam-pu-chia 1% GDP và Lào 1,7% GDP…

Trước những diễn biến phức tạp và khó lường của thiên tai, năm 1989, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã lấy ngày thứ tư, tuần thứ hai của tháng 10 làm Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai nhằm khuyến khích mọi công dân và chính phủ tham gia xây dựng cộng đồng và đất nước có khả năng phòng chống thiên tai tốt hơn. Năm 2009, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 13 tháng 10 hàng năm làm Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai. Qua thực tiễn phòng chống thảm họa thiên nhiên của một số nước trên thế giới, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thường xuyên coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về phòng chống thảm họa thiên nhiên

Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, được nhiều nước trên thế giới quan tâm nhằm làm cho toàn dân, toàn xã hội nhận thức sâu sắc về vị trí và tầm quan trọng của công tác phòng chống thảm họa thiên nhiên. Ở nhiều nước, công tác tuyên truyền, giáo dục luôn được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức chung cho các tầng lớp nhân dân về phòng chống thảm họa thiên nhiên, để nhân dân luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng phòng ngừa, hạn chế tổn thất về người và của khi thảm họa xảy ra. Công tác tuyên truyền giáo dục được thực hiện thường xuyên, liên tục, mang tính hệ thống; kết hợp sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại như phát thanh, truyền hình, báo chí, mạng Internet với các hình thức tuyên truyền đơn giản nhưng hiệu quả để nhân dân có được nhận thức chung về sự nguy hiểm và tác động của thảm họa thiên nhiên.
Tùy theo điều kiện cụ thể mà các nước thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục khác nhau. Ở Nhật Bản, chính phủ rất coi trọng công tác tuyên truyền về thảm họa, trên các đường phố, người ta dễ dàng bắt gặp các pa-nô, áp phích hướng dẫn người dân khi thảm họa xảy ra. Với quan điểm phải truyền lại cho thế hệ sau các bài học kinh nghiệm từ các thảm họa, cũng như phổ biến kinh nghiệm cho các nước để cùng hợp tác trong phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, Chính phủ Nhật đã xây dựng nhiều bảo tàng, đài tưởng niệm, bia đánh dấu mức sóng thần… là những giáo cụ trực quan sinh động nhằm giáo dục và nâng cao ý thức của người dân về phòng chống thảm họa. Trong chương trình các cấp học phổ thông, bên cạnh việc chú trọng giáo dục đạo đức công dân hiện đại qua các chủ đề như: quyền tự do, quyền công dân, tiến bộ xã hội, lợi ích chung, tính rộng lượng, độc lập và tự chủ, nghề nghiệp, sự chăm chỉ, phép xã giao, tính đúng giờ và giữ lời hứa thì việc giáo dục ý thức phòng chống thảm họa thiên nhiên cho học sinh cũng được coi trọng [4].

Tại một số nước ASEAN, trong các chương trình của các cấp học trung học cơ sở, trung học phổ thông đều có nội dung giáo dục môi trường một cách có hệ thống, đặc biệt là nội dung liên quan đến nạn phá rừng, hủy hoại môi trường được coi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm họa. Ngoài ra, học sinh còn được học các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường sống thông qua việc lồng ghép vào các môn học truyền thống về tự nhiên và xã hội… Tại Xri Lan-ca, hầu hết các đền chùa Phật giáo và nhà thờ Hồi giáo dọc bờ biển trong cả nước đều bố trí các loa phát thanh cỡ lớn để truyền đi những thông tin cảnh báo của đài phát thanh hay truyền hình. Chính phủ cũng yêu cầu các đài nhà nước tuân thủ việc cảnh báo kịp thời những thông tin về sóng thần…

Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, toàn xã hội, trong đó lượng vũ trang đóng vai trò nòng cốt

Thực tế cho thấy, mọi cá nhân, tổ chức, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, đều chịu tác động của thiên tai, thảm hoạ. Họ vừa là đối tượng được bảo vệ vừa là lực lượng tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa thiên nhiên. Phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa thiên nhiên là quyền lợi, trách nhiệm của mọi người dân, mọi tổ chức. Bên cạnh việc thành lập các tổ chức và lực lượng chuyên trách giải quyết hậu quả thảm họa thiên nhiên, các nước trên thế giới rất coi trọng việc huy động sức mạnh của toàn dân, toàn xã hội trong công tác phòng chống thảm họa thiên nhiên. Nhiều nước đã cụ thể hóa các hoạt động này thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật, trong đó quy định kết hợp giữa tự nguyện và bắt buộc, kết hợp giữa tự bảo vệ và được bảo vệ, thực hiện xã hội hoá sâu rộng, phát huy sức mạnh của toàn xã hội và sự trợ giúp quốc tế trong phòng chống thảm họa thiên nhiên.

Sự kiện động đất và sóng thần ở Nam Á (12/2004) là một minh chứng cho điều đó. Đã có hơn 40 nước và 700 tổ chức phi chính phủ đã tham gia hoạt động cứu trợ. Đặc biệt, sự giúp đỡ của lĩnh vực tư nhân là rất to lớn, ví dụ chỉ tính riêng các công ty của Mỹ đã huy động được 565 triệu USD tiền mặt và vật chất; các tập đoàn công nghiệp hậu cần như UPS, FedEx, DHL cùng với các đối tác khác đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển miễn phí hàng hóa viện trợ tới khu vực thảm họa. Cả thế giới đã quyên góp được số tiền mặt và hàng hóa trị giá 13 tỉ USD và được coi là nỗ lực cứu trợ lớn nhất trong lịch sử loài người [5].

Thực tế cho thấy, ngoài lực lượng chuyên trách, sự tham gia của toàn dân, toàn xã hội, lực lượng quân đội và cảnh sát đóng vai trò rất quan trọng trong phòng chống thảm họa thiên nhiên của các nước. Trong thảm họa kép động đất – sóng thần ở Nhật Bản, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã quyết định cử 100.000 binh sĩ, khoảng 300 máy bay và 40 tàu quân sự đã được huy động làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Hàng chục nghìn cảnh sát và lực lượng dân phòng cũng được huy động tham gia tìm kiếm cứu nạn và duy trì an ninh trật tự ở những khu vực xảy ra thảm họa, nhất là các tỉnh bị thiệt hại nặng như Mi-y-a-gi, Phư-cư-si-ma và I-ba-ra-ki.

Trong trận động đất xảy ra ngày 20/4/2013 tại thành phố Nhã An, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), Chính phủ Trung Quốc đã huy động tổng cộng 18.000 binh lính, sĩ quan quân đội, cảnh sát và lực lượng dự bị làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại những khu vực bị ảnh hưởng. 23 trực thăng được huy động để vận chuyển hàng cứu trợ, hơn 2.300 nhân viên cứu hỏa, 982 nhân viên y tế cùng 202 xe cứu thương cũng được huy động vào hoạt động này. Ngoài ra, Trung Quốc còn tăng cường các lực lượng y tế và phòng chống dịch bệnh đến các khu vực bị thiên tai, nhằm tránh để xảy ra dịch bệnh lớn sau trận động đất…

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng chống thảm họa

Khoa học công nghệ là một yếu tố rất quan trọng, tác động đến khả năng, hiệu quả của phòng chống thảm họa, từ nghiên cứu bản chất, quy luật, dự báo nguy cơ thiên tai, thảm họa đến ứng dụng khoa học công nghệ vào nghiên cứu chế tạo các phương tiện đối phó, khắc phục hậu quả. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong các hoạt động đối phó với thảm họa thiên nhiên được coi là một trong những biện pháp kinh tế nhất để nâng cao hiệu quả đối phó với thảm họa thiên nhiên.
Nhật Bản được coi là nước đi đầu trong nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ dự báo thảm họa. Ngay sau khi sự cố thảm họa kép động đất – sóng thần xảy ra (3/2011), Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đầu tư 3,5 tỷ Yên (36,5 triệu USD) để nâng cấp hệ thống cảnh báo thảm họa quốc gia. Tại trung tâm của hệ thống ở quận Ô-tê-ma-chi, Tô-ki-ô, các chuyên gia cảnh báo thảm họa thiên nhiên của Nhật Bản có thể theo dõi 24/24 giờ mọi rung chấn của Trái Đất cũng như những vận động nhẹ nhất của núi lửa trên khắp đất nước Nhật Bản. Hệ thống bao gồm các thiết bị có tên gọi Thiết bị đo dịch chuyển mạnh băng rộng (Broadband Strong Motion Meters) được lắp tại 80 địa điểm trên khắp Nhật Bản, có khả năng đo được nhiều loại sóng địa chấn được tạo ra bởi một trận động đất. Các thiết bị mới này được thiết kế với độ nhạy thấp để tránh làm cho những cảnh báo trở nên quen thuộc làm cho người dân mất cảnh giác khi động đất mạnh xảy ra…

Sau sự cố sóng thần xảy ra ở Ấn Độ Dương (12/2004), chính phủ một số nước trong khu vực đã quyết định đầu tư lớn cho việc nâng cấp hoặc xây dựng mới các trạm quan trắc và cảnh báo thảm họa, ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Đi đầu trong lĩnh vực này là Thái Lan với việc đầu tư xây dựng Trung tâm cảnh báo thảm hoạ quốc gia ở Non-tha-bu-ri, kết nối với Trung tâm Ha-oai (Mỹ). Trung tâm này được kết nối với 10 đài truyền hình, hơn 500 đài phát thanh và 20 triệu thuê bao điện thoại di động. Trung tâm có khả năng truyền thông tin cảnh báo sóng thần ngay lập tức tới các đài phát thanh và truyền hình địa phương, gửi gấp 5.000 tin nhắn tới các máy điện thoại di động trong vòng hai phút. Trung tâm đã lắp đặt ba trạm kiểm soát ngoài khơi và 60 tháp cảnh báo thảm họa.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống thảm họa thiên nhiên
Nhằm đối phó một cách hiệu quả với thảm họa thiên nhiên, trong thời gian qua, các nước đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực như: trao đổi thông tin, kinh nghiệm, xây dựng cơ sở dữ liệu về thảm họa thiên nhiên; trợ giúp phương tiện kỹ thuật, huấn luyện, đào tạo nhân lực, tổ chức các hội thảo, hội nghị định kỳ, phối hợp tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn nhằm tăng cường năng lực đối phó với thảm họa thiên nhiên.

Một số nước đã thỏa thuận thiết lập đường dây nóng giữa các lực lượng chuyên trách nhằm chia sẻ thông tin, kịp thời thông báo khi tình huống xảy ra, nhất là trong các trường hợp cần trợ giúp tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả do thảm họa gây ra. Hợp tác trong lĩnh vực phòng chống thảm họa giữa các nước được tiến hành cả song phương và đa phương, đã phát huy hiệu quả thiết thực, củng cố sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, giúp nhau cùng phát triển.

Trong lĩnh vực hợp tác phòng chống thảm họa thiên nhiên, hiện nay có các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực như: Diễn đàn quốc tế về giảm nhẹ thảm họa (GFDRR); Khung hành động Hyogo về giảm nhẹ rủi ro thảm họa (HFA); Khung hành động của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC); Thỏa thuận ASEAN về giảm nhẹ và ứng phó thảm họa (ADDMER). Đặc biệt, gần đây nhất là sự ra đời của Nhóm làm việc về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR) trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) với sự tham gia của 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại. Đây được coi là hoạt động hợp tác thực chất, hiệu quả giữa ASEAN và các nước đối tác đối thoại.

Thông qua kênh hợp tác này, các nước ASEAN có thể trao đổi các nguồn lực với các đối tác đối thoại, đồng thời tìm kiếm các cơ chế hợp tác trên cả bình diện chiến lược cũng như cấp hành động nhằm làm cho các hoạt động hợp tác đạt hiệu quả cao. Một mặt, các nước ASEAN thu hút các nguồn lực, kinh nghiệm từ các nước đối tác để giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống nói chung và thảm họa thiên nhiên nói riêng. Mặt khác, các nước ASEAN cũng sẵn sàng chia sẻ các nguồn lực, kinh nghiệm, thế mạnh của mình đối với các nước đối tác, tăng cường sự hiện diện, vai trò quốc phòng của hiệp hội trong khu vực và trên thế giới.

Tích cực chủ động phòng chống thảm họa thiên nhiên

Khắc phục hậu quả là rất cần thiết, nhưng mới giải quyết được phần ngọn. Khi đã xảy ra, dù cố gắng đến đâu, chúng ta cũng chỉ có thể khắc phục được một phần tổn thất. Đặc biệt, tổn thất về người là không thể bù đắp được. Do đó, các nước rất coi trọng công tác nghiên cứu nhằm giải quyết tận gốc, tìm cách hạn chế nguyên nhân dẫn đến thảm họa thiên nhiên. Đặc biệt là việc nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân, quy luật diễn biến, tác động và tìm biện pháp phòng tránh, đối phó phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do thảm họa gây ra. Các nước đều coi trọng cả phòng tránh và phòng chống; chuyển từ bị động đối phó sang chủ động phòng tránh, phòng chống và kịp thời khắc phục hậu quả thảm họa thiên nhiên.

Chủ động phòng chống và khắc phục hậu quả thảm họa, dự báo thảm họa có ý rất quan trọng. Đã có nhiều kinh nghiệm được rút ra từ những thảm họa thiên nhiên lớn xảy ra trong những năm vừa qua, đó là sóng thần Ấn Độ Dương (12/2004), cơn bão Katrina ở Mỹ (2005), cơn bão Nargis ở Mi-an-ma (2008), thảm họa kép động đất – sóng thần ở Nhật Bản (2011) hay trận lụt kéo dài gần 6 tháng ở Thái Lan cuối năm 2011… ở Việt Nam, mặc dù cơn bão Chanchu năm 2001 không đổ bộ vào đất liền nhưng vẫn trở thành thảm họa do dự báo sai; trận ngập lụt lịch sử ở Hà Nội tháng 11/2008 đã xảy ra sau một cơn mưa lớn vì hệ thống thoát nước không chống đỡ được…

Bài học kinh nghiệm qua các trận bão, lũ, động đất cho thấy nếu chủ động làm tốt công tác dự báo, kịp thời có các phương án đối phó, người dân được trang bị đầy đủ các phương tiện dụng cụ cần thiết và kiến thức, thì hậu quả do thảm họa gây ra sẽ giảm đi. Nếu hệ thống thoát nước, thủy lợi được thiết kế hợp lý, các thành phố sẽ tránh được ngập lụt. Nếu quy hoạch dân cư bảo đảm khoảng cách an toàn với các dòng sông, lũ quét sẽ tác động đến ít người dân hơn…

Như vậy, đối phó với thiên tai không còn chỉ là chống chọi khi nó đến và khắc phục khi nó đi qua, mà là chuẩn bị trước mọi công việc để nó không gây thiệt hại lớn. Do đó, những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế phòng chống thảm họa thiên nhiên của các nước trên thế giới có ý nghĩa to lớn đối với Việt Nam cả trước mắt và lâu dài.

                                                                                                                                                                                                                                                                             Hồng Khanh

Ý kiến của bạn

Bình luận