Với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy đầu tư 1 đồng vào bảo trì sẽ tiết kiệm 4 đồng để phục hồi và tái xây dựng. Từ đó, nhiều nước đã xây dựng cơ chế chính sách nhằm quản lý, bảo trì hiệu quả kết cấu hạ tầng, góp phần đảm bảo giao thông an toàn và êm thuận.
Hàn Quốc: Mỗi công trình có sự khai thác, quản lý khác nhau
Hàn Quốc là quốc gia có hệ thống giao thông phát triển bậc nhất thế giới, hạ tầng giao thông ở đây do cả Nhà nước và tư nhân đầu tư khai thác và bảo trì. Đất nước "kim chi" luôn tiên phong trong việc đổi mới cách thức quản lý, bảo trì hạ tầng đường bộ ở châu Á, trong đó đáng chú ý là việc kết hợp giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Chính phủ và các cơ quan quản lý đường bộ đã ban hành nhiều chính sách quy định về việc khai thác, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư. Mỗi loại công trình kết cấu hạ tầng giao thông khác nhau lại được khai thác, sử dụng theo cách khác nhau.
Đối với khu vực hạ tầng giao thông do Nhà nước đầu tư, sau khi các tuyến đường bộ cao tốc hoàn thành, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Hàn Quốc sẽ trực tiếp quản lý và thu phí. Toàn bộ nguồn thu được từ khai thác tuyến đường bộ (thu phí, thu khác) được tập trung vào một quỹ và được sử dụng cho chi phí quản lý, bảo trì tuyến đường (duy tu, bảo dưỡng, điều hành...), sử dụng cho việc nghiên cứu và đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới. Toàn bộ kế hoạch xây dựng, quản lý bảo trì đường bộ, các trạm nghỉ, cây xăng...đều được thực hiện bởi Tổng công ty này. Các dự án phát triển đường cao tốc do Tổng công ty xây dựng sẽ được Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư để chi trả các khoản như: tiền đất, tiền bồi thường GPMB, một phần kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường và tăng nguồn vốn cho Tổng công ty; 50% còn lại do Tổng công ty tự bỏ vốn. Ngoài ra, Tổng công ty sẽ tự bỏ thêm vốn để đầu tư xây dựng các trạm nghỉ, cây xăng trên các tuyến đường và có quyền khai thác. Khoản vốn này sẽ không được tính vào tổng mức đầu tư dự án.
Đối với các tuyến đường do tư nhân đầu tư, vận hành khai thác, nhà đầu tư của dự án được lựa chọn theo hình thức đấu thầu công khai và được chấm điểm theo các tiêu chí: mức phí cầu đường, phí bảo trì, phí bổ trợ lại cho Chính phủ, năng lực điều hành giao thông... Nhà đầu tư đạt điểm cao nhất sẽ được lựa chọn để thực hiện dự án. Nhà nước sẽ không phải hỗ trợ tài chính, kể cả tiền GPMB cho các dự án tư nhân mà chỉ nắm quyền quy định giá vé để phục vụ mục tiêu phát triển giao thông.
Singapore: Bảo trì đường bộ là nhiệm vụ hàng đầu
Bảo trì đường bộ là nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ an toàn và chất lượng hệ thống đường bộ ở Singapore. Việc bảo trì đường bộ thường xuyên có thể giảm khả năng xảy ra tai nạn do các mối nguy hiểm trên đường. Hơn nữa, bảo trì thường xuyên sẽ đảm bảo mức độ an toàn cho tất cả người tham gia giao thông. Việc vận hành chương trình bảo trì đường bộ toàn diện, bao gồm bảo trì các tuyến đường bộ, hạ tầng bên lề đường và hạ tầng giao thông dành cho người đi bộ. Chương trình bảo trì được thực hiện với một số hạng mục như đường giao thông, lối đi bộ, đèn đường, biển báo, cầu vượt dành cho người đi bộ và các hạng mục khác. Sau khi được xác định, các điểm hỏng hóc sẽ được xử lý kịp thời, "ổ gà" được khắc phục trong vòng trung bình 24h kể từ khi nhận được báo cáo.
Đức: Phân loại đường để bảo dưỡng, duy tu
Cũng giống như nhiều nước, Đức phân loại các loại đường thành đường liên bang, đường bang, đường huyện... Đường liên bang bao gồm đường cao tốc và đường khác. Sự phân loại này đã thể hiện sự phân quyền trong câu chuyện đường sá giữa liên bang và các bang. Có nghĩa là, đường cao tốc và các đường liên bang khác thuộc thẩm quyền của Liên bang, các bang không can dự gì vào câu chuyện này. Nội dung bảo trì được lập kế hoạch, xây dựng, duy tu, bảo dưỡng đường cao tốc, đường khác từ ngân sách Liên bang.
Từ năm 2020 trở về trước, Đức thực hiện ủy quyền cho các bang trong việc xây dựng, duy tu và bảo dưỡng đường liên bang, trong đó có đường cao tốc. Có nghĩa là các bang làm thay Liên bang với tiền chi từ Liên bang. Với kiểu triển khai này, mỗi bang sẽ có lực lượng chuyên lo công việc kế hoạch, xây dựng mới, mở rộng cho đến sửa chữa, bảo dưỡng đường liên bang, đường cao tốc mà mình đã nhận ủy quyền từ Liên bang.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay đã có sự thay đổi lớn, Liên bang thôi không ủy quyền cho các bang trong câu chuyện đường cao tốc mà trực tiếp triển khai (riêng đường khác của Liên bang vẫn thực hiện tiếp việc ủy quyền cho các bang như từ trước). Việc trực tiếp triển khai này dẫn đến thay đổi tổ chức ở cấp Liên bang mà cụ thể là Bộ Số và Giao thông Liên bang (SGTLB), cụ thể như sau: tiếp tục duy trì Vụ Đường Liên bang trong cơ cấu các vụ của Bộ SGTLB, thành lập mới Cục Đường Liên bang thuộc Bộ SGTLB. Cục này phụ trách cả đường cao tốc lẫn đường khác của Liên bang; thành lập Công ty TNHH Đường cao tốc Liên bang với 100% vốn Liên bang để trực tiếp xây dựng, sửa chữa... đường cao tốc.
Hoa Kỳ: Chính phủ đấu thầu, tư nhân làm bảo trì
Chính phủ Hoa Kỳ sở hữu và chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc. Chính phủ tổ chức đấu thầu, cho tư nhân chịu trách nhiệm trong việc bảo trì, thu phí và vận hành khai thác trên các tuyến đường do Liên bang đầu tư xây dựng thông qua hình thức hợp tác nhượng quyền trong khoảng thời gian linh hoạt từ khoảng 5 năm đến 15 năm.
Australia: Công tác bảo trì được phân cấp cho chính quyền địa phương
Căn cứ vào mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn mà các bang và vùng lãnh thổ Australia thực hiện phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương trực thuộc trong việc xây dựng, quản lý, bảo trì. Công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc được coi trọng với mục tiêu đảm bảo sự hài lòng của người tham gia giao thông và sử dụng hết công suất của tài sản. Vì vậy, kinh phí dành cho bảo trì tương đối lớn, chiếm khoảng 10% tổng mức đầu tư xây dựng dự án. Tuy vậy, thẩm quyền quyết định bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc ở mỗi bang và vùng lãnh thổ khác nhau do tình hình thực tế của từng bang, vùng lãnh thổ.
Đơn cử như ở bang New South Wales, tổng chi phí hàng năm dành cho duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông đường bộ là 1.124 triệu đô la Úc. Trong đó, giao 596 triệu đô la Úc cho cơ quan chuyên ngành của bang thực hiện các nhiệm vụ: duy tu, bảo dưỡng vỉa hè, cầu, trang thiết bị giao thông, chi phí an ninh; cấp cho chính quyền địa phương để thực hiện việc sửa chữa đường hỏng đột xuất do thảm họa thiên nhiên, trợ cấp không hoàn lại (204 triệu đô là Úc), hỗ trợ quản lý (275 triệu đô la Úc)...
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.