Hai năm sau, khái niệm CSV vẫn chưa được nhắc đến thật nhiều trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Thực sự đây là một chủ thuyết về kinh tế xã hội đầy tính nhân bản, được cho là một bước tiến hóa tinh tế và nhân văn hơn từ CSR (Corporate Social Responsibility, được dịch là Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp).
CSR, theo cách làm của các doanh nghiệp Việt lâu nay là tuân thủ nghiêm luật pháp trong đó có luật pháp về thuế, lợi nhuận làm ra được trích một phần đóng góp vào công tác xã hội, hỗ trợ cộng đồng như một sự đầu tư, nhưng thường được ví như một sự "cho" đi có mục đích; và đối tượng thụ hưởng thường thụ động. Còn CSV nhấn mạnh đến sự chia sẻ và hợp tác giữa doanh nghiệp với xã hội, với cộng đồng nhằm chia sẻ, tạo dựng một giá trị nào đó của riêng doanh nghiệp thành của chung có lợi cho tất cả: Không chỉ đối với người dân, doanh nghiệp và còn đối với môi trường sinh thái… Giá trị đó có tính bền vững, áp dụng được lâu dài và có thể có tính chuẩn mực cao song vẫn có thể không ngừng cải tiến. Và đặc biệt, bên thụ hưởng trong CSV nhập vai tiếp nhận "chuyển giao công nghệ" để triển khai. Chính vì thế mà CSV còn thường được xem là "Tạo dựng giá trị chung".
Gần đây ở Việt Nam chúng ta được nghe nhiều hơn khái niệm Nền kinh tế chia sẻ (Sharing Economy). Tôi lượm lặt trên Wikipedia định nghĩa "nền kinh tế chia sẻ" là mô hình kinh doanh mới, với việc các cá nhân chia sẻ cùng nhau việc sở hữu, sử dụng hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ thông qua bên thứ ba trên nền ứng dụng công nghệ di động mà điển hình là smartphone. Tiên phong "nức tiếng" trong mô hình kinh tế chia sẻ hiện nay chính là Uber.
Thế rồi một hôm tình cờ tôi đọc thấy dòng status của bạn trẻ làm marketing kia (đã nhắc đến ở phần đầu bài viết) trên Facebook, khen nức nở Uber với cách kinh doanh chia sẻ. Đại loại, dịch vụ chia sẻ chuyến xe của Uber giúp người ta tiết kiệm chi phí. Tôi chợt nghĩ, nếu chỉ chia sẻ ở mức thế thôi thì ở nước Việt ta đã có từ lâu. Mấy bà mấy cô ở các xóm lao động, buôn thúng bán bưng, tới mùa lễ hội vẫn thường cùng nhau thuê chung một chuyến xe đi lễ chùa Bà, núi Sam.v.v…, thậm chí họ còn chia sẻ cả những xúc cảm về tín ngưỡng dân gian hay tôn giáo nữa kia chứ không chỉ dừng lại ở mức chia nhau chi phí.
Khái niệm Sharing Economy hay Start Up đều hàm chứa yếu tố mới và ứng dụng nền tảng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên xin thưa rằng, Việt Nam còn… hơi hơi lâu nữa mới vươn tới cái được gọi là một "nền kinh tế chia sẻ". Thậm chí, mô hình "nền kinh tế chia sẻ" vào đến Việt Nam thì bị… chia cắt. Bằng chứng, trong khoảng hai năm qua có tỉ lệ bao nhiêu cuộc đặt xe Uber tại Việt Nam có sự chia sẻ chỗ ngồi/chuyến xe giữa các hành khách với nhau, nếu không muốn nói là, ban đầu thì có và dần dần bị triệt tiêu?
Thực tế ở Việt Nam, dịch vụ xe Uber không khác gì về phương thức kinh doanh so với Grab (trước đây gọi là Grab Taxi). Thậm chí trong nhiều trường hợp, tài xế Uber đã nhận cuộc đặt xe của khách rồi, đến lúc đón thấy "kèo thơm" liền đồng ý trả thay cho khách khoản phí đặt xe để chở khách theo thỏa thuận ngoài tránh mất khoản 20% "chia sẻ" vào túi Uber. Mà Uber hiện nay vẫn chưa chịu đóng góp thuế cho Việt Nam và thậm chí còn tạo môi trường trốn thuế (thuế thu nhập) cho các chủ xe. Từ việc trốn thuế thu nhập dẫn đến phần trăm thuế giá trị gia tăng người tiêu dùng đóng đáng ra phải được nộp lại cho Nhà nước lại cũng bị nuốt trọn.
Mô hình kinh tế chia sẻ trong trường hợp Uber đã chia sẻ được gì, có khác gì Grab về phương thức kinh doanh, vậy thì có ưu việt gì hơn?
Sòng phẳng mà nói chẳng thấy Uber ở Việt Nam chia sẻ được gì ở góc độ CSR và càng không thấy ở góc độ CSV. Một bài báo tôi đọc được trên CafeF có tham khảo nguồn từ Tri Thức Trẻ và Bloomberg cho biết, trong nền kinh tế chia sẻ hiện nay nhiều tập đoàn, công ty toàn cầu càng tận dụng những kẽ hở của luật pháp, những vấn đề luật pháp chưa có chế tài và các thiên đường về thuế để… né/tránh thuế; trong đó "Airbnb và Uber đang bắt đầu mở rộng chiến dịch này thông qua các lĩnh vực mới". Cũng bài báo này cho biết, theo ước tính của PricewaterhouseCoopers, năm 2014 nền kinh tế chia sẻ tạo ra 15 tỷ USD lợi nhuận, đến năm 2025 sẽ là 335 tỷ USD. Như vậy nếu né/tránh thuế thì số tiền tránh né này cũng thuộc loại "khủng".
Công nghệ đã giúp tạo ra những mô hình/phương thức kinh doanh mới và khác biệt. Uber là một phương thức kinh doanh khác biệt so với cách vận chuyển hành khách truyền thống, và việc giúp cho người tiêu dùng tiết kiệm hơn, chi phí ít hơn cũng là một giá trị có tính cạnh tranh cao trong phạm trù kinh tế - tài chính. Nhưng Uber chưa tạo ra được các giá trị xã hội khác biệt có tính giáo dục cộng đồng, điều này xuất phát từ thực tế chưa tạo được giá trị tuân thủ pháp luật về thuế từ tổ chức đến cộng đồng mà thậm chí ngược lại còn "chia sẻ" ý thức né/tránh/trốn thuế trong cộng đồng, chí ít là cộng đồng tài xế, chủ xe Uber.
Vâng, kinh tế chia sẻ của Uber – chia sẻ được gì?
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.