Với công suất dư thừa và mức nợ chồng chất, Trung Quốc không còn muốn giữ vai trò đầu máy của tăng trưởng toàn cầu - Ảnh: Reuters/The Atlantic.
Trong cuộc họp chính sách bắt đầu vào ngày 20/9 và kết thúc vào ngày 21/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất đồng USD, một phần vì những lo ngại cho rằng việc tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD tăng giá mạnh và theo đó đẩy nhập khẩu của Mỹ gia tăng.
Trung Quốc thì đang chiếm một tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong thương mại toàn cầu, dù Bắc Kinh mong muốn tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng dịch chuyển khỏi xuất khẩu và hướng về dịch vụ.
Trong khi đó, châu Âu đang tìm cách thúc đẩy nhu cầu nội khối để chống lại những tác động bất lợi đối với thương mại mà sự kiện Brexit gây ra.
“Tôi không nhận thấy có một đầu tàu tăng trưởng nào trong thời gian trước mắt”, GS. Barry Eichengreen thuộc Đại học California, Berkeley, nói với hãng tin Bloomberg. “Cả Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đều đang phải đối mặt với những vấn đề của riêng họ”.
Theo Bloomberg, kết quả của tình trạng này có thể là tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục mắc kẹt trong khoảng 2-3% vốn đã duy trì từ năm 2010 đến nay. Mức tăng trưởng như vậy đã được Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Largarde miêu tả là “sự bình thường mới”. Trong thời gian 5 năm trước khi xảy ra cuộc suy thoái toàn cầu 2008-2009, kinh tế thế giới tăng trưởng trung bình khoảng 3,6% mỗi năm.
“Chúng ta sẽ có ít nhất thêm một năm nữa với mức tăng trưởng đi ngang”, chuyên gia kinh tế trưởng Nariman Behravesh thuộc hãng tư vấn IHS nhận định. Ông Behravesh dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm 2017, sau khi tăng 2,4% trong năm 2016.
“Hết đạn”
Sự tăng trưởng chậm chạm của kinh tế thế giới càng trở nên nan giải hơn với thực tế là các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở Nhật Bản và Eurozone đã gần cạn khả năng thúc đẩy tăng trưởng - theo ông Charles Collyns, chuyên gia kinh tế trưởng Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ở Washington.
Lý do của việc “hết đạn” này là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất về dư địa âm và bơm một lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế mà vẫn chưa đem lại hiệu quả đáng kể trong việc thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát.
Trong bối cảnh như vậy, chính sách tài khóa sẽ có vai trò lớn hơn trong hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, ông Collyns cho rằng chính sách tài khóa chỉ có thể giúp các nền kinh tế phát triển giữ ổn định mức tăng trưởng hiện có.
Với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, trước đây Mỹ thường đóng vai trò là đầu tàu tăng trưởng toàn cầu. Nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ chỉ đạt trung bình khoảng 2,1% kể từ khi kết thúc suy thoái, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã trở nên lưỡng lự trong việc đưa nước này đảm nhiệm vai trò đó thêm lần nữa.
“Điều tôi muốn nói với các đồng nghiệp của tôi trên khắp thế giới là chúng tôi không thể là động cơ duy nhất của nền kinh tế thế giới”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Jacob J. Lew phát biểu tại một hội nghị ở New York hôm 13/9. “Cần có nhiều động cơ cho kinh tế toàn cầu”.
Tinh thần này cũng được thể hiện rõ qua việc một số quan chức FED chú ý cao độ đến những biến động thực tế và được dự báo của tỷ giá đồng USD và ảnh hưởng của những biến động này đến nền kinh tế Mỹ.
“Mức tăng gần 20% của tỷ giá đồng USD từ tháng 6/2014 đến tháng 1/2016 có thể ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế Mỹ gần như việc tăng lãi suất thêm 2 điểm phần trăm”, Thống đốc FED Lael Brainard phát biểu hôm 12/9 tại Chicago.
Hồi tháng 8, Chủ tịch FED tại New York William Dudley phát tín hiệu rằng các quan chức FED đã giảm số lần tăng lãi suất dự kiến trong năm nay do lo ngại có thể đẩy tỷ giá đồng USD tăng mạnh.
“Các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực bảo vệ mức tăng trưởng hiện có”, ông David Hensley, Giám đốc nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc ngân hàng JPMorgan Chase, nhận xét. Với kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm chạp, “FED không cho phép” nhu cầu nội địa của Mỹ được đáp ứng nhiều hơn bởi hàng nhập khẩu.
Cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ và ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa đều đã cam kết sẽ có biện pháp để bảo vệ các lợi ích thương mại của Mỹ nếu đắc cử trong cuộc bỏ phiếu diễn ra vào tháng 11 tới. Bà Clinton tuyên bố sẽ bổ nhiệm một chánh công tố về thương mại, trong khi ông Trump dọa sẽ mạnh tay đánh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc và Mexico.
“Hụt hơi”
Trong lần suy thoái trước của kinh tế toàn cầu, Trung Quốc đã đảm nhiệm vai trò đầu tàu thông qua việc đẩy mạnh đầu tư công và khuyến khích các doanh nghiệp vay nợ. Giờ đây, Trung Quốc đang đối mặt với hệ quả của chính những biện pháp kích thích tăng trưởng đó. Với công suất dư thừa và mức nợ chồng chất, Trung Quốc không còn muốn giữ vai trò đầu máy của tăng trưởng toàn cầu.
Hồi tháng 7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng dù vẫn là một nhân tố ổn định cho tăng trưởng toàn cầu, nước này cũng đang phải chịu những áp lực suy giảm tăng trưởng riêng cần phải giải quyết.
“Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế đang phát triển. Chúng tôi không thể gánh được trọng trách lớn nhất của nền kinh tế thế giới”, ông Lý nói trong một cuộc thảo luận bàn tròn về tăng trưởng kinh tế, thương mại và tài chính với người đứng đầu các định chế tài chính hàng đầu bao gồm IMF.
Trung Quốc đang chiếm một tỷ trọng ngày càng lớn trong thương mại thế giới. Theo số liệu của IMF, tỷ trọng của Trung Quốc trong xuất khẩu toàn cầu đã tăng lên mức 14,6% vào năm 2015, từ mức 12,9% vào năm 2014.
Tuy nhiên, viện nghiên cứu Ifo Institute có trụ sở ở Munich dự báo năm nay, Đức sẽ vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia có thặng dư thương mại hàng hóa và dịch vụ lớn nhất thế giới. Theo dự báo mà Ifo đưa ra, thặng dư thương mại của Đức năm 2016 sẽ đạt mức 310 tỷ USD, từ mức 285 tỷ USD trong năm ngoái, và so với mức dự báo thặng dư thương mại 260 tỷ USD dành cho Trung Quốc.
Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức hưởng lợi nhiều từ sự giảm giá của đồng Euro. Chuyên gia kinh tế cấp cao Aline Schuiling thuộc ngân hàng ABN Amro ở Amsterdam cho rằng Đức có thể giữ vai trò đầu tàu cho kinh tế châu Âu nếu thực hiện kích cầu nhiều hơn bằng chính sách tài khóa. Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra.
Phát biểu trước Quốc hội Đức hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nhấn mạnh rằng hạn chế về tài khóa là một trở ngại vào những thời điểm khó khăn. “Chính sách tài khóa phải đặt lên trên hết sự ổn định và niềm tin”, ông Schaueble nói.
Những bất ổn xung quanh tương lai của Liên minh Châu Âu (EU) sau khi cử tri Anh bỏ phiếu chọn rời khỏi khối này hồi tháng 6 cũng phủ bóng lên nền kinh tế khu vực, theo bà Schuiling.
“Các đầu tàu của kinh tế thế giới đều đã bị hụt hơi ít nhiều”, chuyên gia kinh tế trưởng Peter Hooper của Deutsche Bank Securities ở New York đánh giá.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.