Kon Tum lần đầu tổ chức Ngày hội việc làm cho người khuyết tật

18/04/2017 05:50

Ngày 17/4, lần đầu tiên tỉnh Kon Tum đã tổ chức Ngày hội việc làm cho người khuyết tật (NKT) nhằm tạo điều kiện để NKT được tư vấn nghề nghiệp phù hợp và có cơ hội tìm việc làm, tiếp cận thị trường lao động, vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội.


viec lam
Các doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật tại Ngày hội. Ảnh: VGP/Trầm Hương

Trên 100 người khuyết tật trong toàn tỉnh đã được tham quan sự kiện, giao lưu với những gương NKT điển hình; đồng thời được 8 đơn vị là Xí nghiệp may Kon Tum, Cơ sở mộc mỹ nghệ Nguồn xanh, Cửa hàng nhạc cụ Max, Cửa hàng vi tính DTH Computer, Cơ sở tranh gạo Làng Hồ, cơ sở bánh kem Lan Khánh, Trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm và Trường Trung cấp nghề Kon Tum... tư vấn, giới thiệu việc làm và tư vấn học nghề.

Tới dự sự kiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Xuân Lâm đánh giá cao việc tổ chức Ngày hội việc làm cho người khuyết tật của Sở LĐ-TB&XH. Ông Lại Xuân Lâm đề nghị các địa phương, các đơn vị liên quan, các tổ chức, các doanh nghiệp tăng cường hơn nữa công tác giải quyết việc làm cho NKT có nhu cầu, tạo điều kiện cho NKT nắm bắt thông tin và cách thức tìm việc làm khi tham gia thị trường lao động; biết được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để có cơ hội lựa chọn và  tìm kiếm việc làm phù hợp với bản thân. Đồng thời mong muốn, các gia đình có lao động khuyết tật quan tâm, động viên người thân của mình nỗ lực vươn lên tìm kiếm ngành nghề phù hợp sức khỏe, khắc phục khó khăn để tham gia học tập và làm việc, tạo thu nhập cho bản thân và gia đình; bản thân NKT mạnh dạn nói lên nguyện vọng chính đáng của bản thân, đề xuất nhu cầu giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và hòa nhập cộng đồng.

Toàn tỉnh Kon Tum có 5.114 NKT; trong đó có 919 NKT đặc biệt nặng, 3.269 NKT nặng và 926 NKT nhẹ. 98% NKT sống tại cộng đồng vùng với gia đình, người thân.

Nhu cầu việc làm của NKT là rất lớn và hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Phần lớn NKT có việc làm không ổn định, làm các công việc tạm thời, lao động chân tay; rất ít NKT tìm được việc làm ổn định trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc các công việc đòi hỏi kỹ năng, trình độ chuyên môn. Vì vậy, thu nhập của NKT tương đối thấp, không ổn định.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của các cấp chính quyền về tư vấn, dạy nghề và tạo việc làm cho NKT chưa đầy đủ; hệ thống dạy nghề còn nhiều bất cập; ngành nghề và hình thức đào tạo chưa hợp lý; mặt bằng tình độ văn hóa, chuyên môn của NKT thấp cộng thêm thái độ phân biệt, e ngại về chất lượng lao động, máy móc thiết bị không phù hợp; các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến việc làm và phục hồi khả năng lao động cho NKT chưa tạo được sự kết nối, hợp tác chặt chẽ dẫn đến chưa có nhiều cơ hội cho NTK...

Ý kiến của bạn

Bình luận