Chủ động ứng phó với thời tiết xấu
Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, từ tháng 7/2014, tuyến vận tải ven biển đầu tiên dành cho tàu pha sông biển cấp VR-SB (tàu VR-SB) được Bộ GTVT công bố mở tuyến, tuyến từ Quảng Bình – Quảng Bình, nhằm giảm tải cho vận tải đường bộ, đặc biệt là hàng siêu trường, siêu trọng và khối lượng lớn. Tuyến vận tải mới nhanh chóng phát huy hiệu quả, sau đó, lần lượt các tuyến khác được mở ra, nối liền vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang bằng tàu VR-SB.
Đến nay, đội tàu VR-SB chạy tuyến ven biển hiện có hơn 1.200 chiếc, với tổng trọng tải sức chở hơn 2,9 triệu tấn, trong đó hầu hết là phương tiện 5.000 tấn và hàng chục tàu trên 10.000 tấn, thậm chí trên 20.000 tấn.
Với mục tiêu phát triển bền vững vận tải ven biển bằng tàu VR-SB đi đôi với an toàn, các Cục Đường thủy nội địa VN, Đăng kiểm VN, Hàng hải VN phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý vận tải, phương tiện, thuyền viên hoạt động trên tuyến này. Một trong những hoạt động được Cục Đường thủy nội địa VN chú trọng là tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan, cũng như kỹ năng bảo đảm an toàn cần thiết dành cho thuyền viên, đơn vị vận tải trên tuyến.
Gần đây nhất, trong tháng 8-9/2022, Cục Đường thủy nội địa VN tổ chức các hội nghị tuyên truyền tại khu vực phía Bắc, phía Nam, trong đó tập trung tuyên truyền về kỹ năng ứng phó của thuyền viên VR-SB với thời tiết nguy hiểm, bão khi hành trình trên biển.
Theo các chuyên gia, giảng viên, theo quy định hiện hành, tàu VR-SB được phép hoạt động cách bờ xa nhất không vượt quá 12 hải lý. Khi hoạt động trên biển, loại tàu phải tuân thủ theo Quy tắc phòng ngừa va chạm trên biển (COLREG 72), còn khi vào cảng nội địa phải tuân thủ theo Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Về nguy cơ rủi ro khi hành hải trên biển, tàu VR-SB đối mặt với các vấn đề về thời tiết xấu trên biển, vì vậy cần chuẩn bị tốt nhất các kế hoạch ứng phó với thời tiết xấu trên biển, nhất là do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.
Đối với tàu trọng tải lớn có động cơ tàu mạnh và tốc độ nhanh, thời tiết xấu (sóng, gió mạnh) không gây ảnh hưởng nhiều, nhưng đối với tàu trọng tải vừa và nhỏ sẽ bị nhiều tổn thất và hậu quả nghiêm trọng do tác động của sóng và gió giật mạnh.
Do đó, tàu VR-SB cần đặc biệt chú ý đến kỹ năng ứng phó với thời tiết xấu do ảnh hưỡng của bão, áp thấp nhiệt đới để đảm bảo khả năng an toàn cao nhất.
"Có thể hạn chế những thiệt hại bằng các biện pháp chuẩn bị sẵn sàng, kịp thời cho tàu hành trình trong bão và điều động tàu hợp lý tương ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của bão. Thường xuyên chuẩn bị ngay từ khi con tàu bắt đầu đi biển, cố định chặt tất cả các đồ vật trên tàu để khi tàu nghiêng ngả không bị xô lật, đổ vỡ hoặc di chuyển làm lệch trọng tâm tàu, nhất là loại hàng nặng, cồng kềnh...
Các nắp hầm hàng, cửa ra vào, cửa kín nước, các phương tiện làm hàng, neo, tời được cố định chặt. Nhận các tin tức khí tượng thủy văn cho chuyến đi, dự trù các phương án cần thiết để đảm bảo cho tàu và bảo vệ hàng hoá, nhất là hàng chằng buộc trên boong.
Trên đường đi, khi nhận được thông báo có bão cần phải tiến hành kiểm tra: hoạt động của hệ thống lái. Nếu không có bộ phận cơ giới dừng bánh lái thì phải chuyển sang lái bằng tay. Buộc chặt các thiết bị làm hàng cũng như những hàng hóa chở trên boong và tất cả các vật thể có thể dịch chuyển trên tàu. Đóng kín các cửa thông gió, cửa lấy sáng, các ống thông khí, các ống đo, lỗ nống lỉn neo và các quạt gió phải được trùm bạt, kiểm tra các cửa kín nước còn tốt không.
Các két ballast phải được bơm đầy, két nào không dùng thì bơm sạch ra. Nếu như tàu bổ dọc, nước tràn qua khoang mũi lên tàu, sau lái song đánh mạnh vào chân vịt và máy tàu thì phải thay đổi hướng cho sóng đánh vào mũi neo của tàu. Trường hợp tàu không thể chạy ngược sóng, mất khả năng điều khiển và không thể đối chọi với gió thì nên thả trôi;
Để thả trôi, tiến hành thả neo nổi trước mũi tàu. Trong trường hợp độ sâu cho phép thì xông lỉn neo lưng chừng và cho máy chạy để giữ cho mũi tàu ngược sóng và gió đến khi thời tiết tốt hơn", theo chuyên gia về an toàn hành hải.
Kỹ năng hành trình của tàu khi tầm nhìn bị hạn chế
Bên cạnh đó, kỹ năng khác mà tàu VR-SB cần nắm vững là xác định khu bão, ảnh hưởng mạnh của bão, áp thấp nhiệt đới điều động và thay đổi hướng đi, tốc độ của tàu để tránh vùng nguy hiểm trên biển.
"Khi có bão ta phải tìm mọi cách điều khiển tàu ra khỏi phạm vi đó, kể cả khi neo, hết sức tránh gần đảo, đất liền, đá ngầm… Mọi trường hợp không được đưa tàu đi xuôi gió. Tránh đi đối sóng, ngang sóng.
Bão là cơn gió xoáy, bên phải đường di chuyển của bão là bán vòng nguy hiểm vì ở bán vòng này tốc độ gió cộng với tốc độ di chuyển của bão cùng chiều nên tàu thuyền dễ bị cuốn vào trung tâm bão.
Ở bán vòng ít nguy hiểm thì hướng di chuyển của bão ngược với hướng gió nên tàu có xu hướng dễ bị gió đẩy ra phía sau để thoát ra ngoài", theo chuyên gia về an toàn hàng hải.
Cũng theo chuyên gia, tàu VR-SB khi hoạt động trên biển phải áp dụng triệt để quy tắc phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển 1972 (COLREG 72), Quy tắc giao thông thuỷ nội địa theo Quy tắc COLREG 72.
Theo đó, trong tình huống phương tiện hành trình khi tầm nhìn xa bị hạn chế (không nhìn thấy nhau bằng mắt thường khi hành trình trong hay gần những vùng mà tầm nhìn xa bị hạn chế) phải tuân thủ quy định tại Điều 19 của Quy tắc COLREG 72.
Cụ thể, mọi tàu thuyền phải hành trình với tốc độ an toàn phù hợp; phải chuẩn bị máy sẵn sàng để có thể điều động được ngay tức khắc khi cần thiết. Trường hợp chỉ phát hiện được một tàu khác bằng radar phải xác định xem tình huống có dẫn tới quá gần nhau hoặc có xảy ra đâm va không.
Nếu có tình trạng quá gần hoặc có thể xảy ra đâm va phải có những biện pháp xử lý kịp thời, trường hợp chọn biện pháp đổi hướng đi thì trong chừng mực có thể được, tránh: thay đổi hướng đi về phía bên trái, nếu tàu thuyền khác đang ở trước trục ngang và không phải là tàu thuyền đang bị vượt; thay đổi hướng đi về phía tàu thuyền đang ở vị trí chính ngang hoặc ở phía sau hướng chính ngang của tàu mình.
Nếu khẳng định được không có nguy cơ đâm va, mọi tàu thuyền khi nghe được âm hiệu xa mù của một tàu thuyền khác ước chừng ở phía trước trục ngang của mình hay khi không thể tránh được tình huống quá gần tàu thuyền khác đang ở phía trước trục ngang thì phải giảm tốc độ đến mức thấp nhất, đủ để cho tàu ăn lái.
Nếu xét thấy cần thiết phải phá trớn và trong mọi tình huồng phải hết sức thận trọng cho đến khi không có nguy cơ đâm va nữa.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.