Kỷ niệm 58 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2012): Hà Nội tháng 10: Rộn vang bài ca chiến thắng

Giao thông 24h 24/10/2012 10:49

Những ngày tháng 10, Thủ đô Hà Nội lại âm vang bài ca quyết thắng, nghe đâu đây rầm rập bước quân hành. Hà Nội hôm nay rực rỡ và hào hoa, lung linh và tươi đẹp. Nhìn về quá khứ bỗng thấy xuyến xao, bài ca độc lập đã thấm nhiều máu và nước mắt của biết bao thế hệ “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong dòng chảy mải miết của cuộc sống, một sáng tháng 10, người Hà Nội bỗng bâng khuâng nhớ ngày Thủ đô náo nức cờ hoa đón chào những đoàn quân “trùng trùng quân đi như sóng” trong khí phách hiên ngang và lòng tự hào dân tộc.


66 năm trước, cuối mùa Đông năm 1946, ngày 19/12, tiếng súng ở pháo đài Láng rung lên, phát lệnh cho cả Thủ đô và nhân dân cả nước đồng loạt đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. Trong thế nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Hồ Chủ tịch đã kêu gọi nhân dân cả nước: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước vang dội núi sông của Hồ Chủ tịch, cả Hà Nội đã đồng lòng đứng lên kháng chiến vì đất nước, vì quê hương yêu dấu.

Người Hà Nội vất tủ, bàn ghế, đồ đạc ra đường xây chiến lũy. Nhiều cây xanh được cưa gẫy ngổn ngang trên đường phố để chặn xe cơ giới của quân thù. Tự vệ Thủ đô chặn từng bước tiến quân của giặc, hỗ trợ đắc lực cho công nhân lao động Thủ đô tháo máy móc, đưa lên ô tô, vận chuyển đường bộ, đường sông, đưa lên chiến khu Việt Bắc. Trung đoàn Thủ đô, đoàn vệ quốc yêu thương của nhân dân Hà Nội phối hợp chặt chẽ cùng tự vệ nhà máy, tự vệ đường phố và du kích ven đô đã kiên cường bám trụ, kìm chân địch ở từng góc phố, từng căn nhà, bảo vệ an toàn cho Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ rút ra ngoại thành, lập Thủ đô kháng chiến ở căn cứ Việt Bắc.

Kẻ thù định “đánh nhanh, thắng nhanh” hòng “cất vó” chính phủ Hồ Chí Minh, thiết lập lại nền cai trị trên cả ba miền: Bắc – Trung – Nam. Song, chúng đã lầm to. Quân dân Hà nội đã nêu gương sáng về tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc Quyết sinh”, cổ vũ quân dân Sài Gòn – Chợ Lớn,  Nam Bộ, Nam Trung Bộ và quân dân cả nước ngoan cường chiến đấu, bảo vệ Nhà nước công – nông non trẻ, bảo vệ nền Độc lập mới giành được 17 tháng.

Chín năm trước, vào đầu tháng 1-1947, Trung đoàn Thủ đô ngậm ngùi rút qua gầm cầu Long Biên để ra ngoại thành xây dựng lực lượng kháng chiến lâu dài, tiếp tục cuộc chiến đấu. Chín năm sau, đúng ngày 10-10-1954, Trung đoàn Thủ đô đã cùng các binh đoàn hùng mạnh của quân đội ta, từ Điện Biên chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô trong rừng cờ, rừng hoa và vang dậy tiếng reo hò của Hà Nội yêu dấu: “Không thể nói trời không xanh hơn. Và mắt em xanh khác ngày thường. Khi đoàn quân tiến về mùa thu ấy. Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường”…

Từ “Thủ đô gió ngàn Việt Bắc”, những người con Hà Nội ngày đêm mong nhớ mảnh đất ngàn năm văn hiến đang bị kẻ thù dày xéo. Ngọn lửa căm hờn cứ cháy mãi để rồi hội tụ thành sức mạnh ngùn ngụt thiêu đốt quân thù. Từ trong máu lửa lại vùng đứng lên, qua đau thương, mất mát mới thấy yêu, thấy quý, thấy tự hào truyền thống anh dũng, kiên cường của cha ông ta “bao đời gây nền độc lập”. Ngày Hà Nội giang rộng vòng tay đón lấy những đứa con xa nhà trở về thật xúc động. Đó là một chuyến đi dài ngày chất chứa bao nỗi niềm. Còn nhớ hình ảnh người vệ quốc quân ôm bom ba càng xông thẳng vào xe tăng địch, những người cha, người anh bịn rịn gia đình phút chia tay rời lên căn cứ Việt Bắc… Con người Hà Nội là vậy, hồn cốt của mảnh đất nơi đây là thế.

58 năm trôi qua kể từ ngày 10 tháng 10 năm 1954, Hà Nội của chúng ta hôm nay đã “thay da, đổi thịt”. Hướng về Hà Nội, mỗi người lại thấy chộn rộn niềm vui, ngoảnh về quá khứ sao quá đỗi tự hào. Những công trình hiện đại, bề thế đang mọc lên ngay trên mảnh đất từng bị bom cày đạn xới. Trong 10 năm qua, kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và tương đối ổn định. Hà Nội là một trong số ít địa phương nhiều năm có bội thu ngân sách và đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương; cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch tích cực, hiệu quả.

Là trung tâm Văn hóa – Kinh tế – Chính trị của cả nước, Hà Nội trở thành điểm đến của đồng bào cả nước. Hà Nội là một trong những thành phố có mật độ dân số cao nhất cả nước, điều đó tác động trực tiếp tới nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực GTVT. Hệ thống giao thông của Hà Nội vốn còn nhiều hạn chế, nay phải gồng mình để phục vụ lượng người khổng lồ ngày một gia tăng. Phải quy hoạch hệ thống giao thông Hà Nội ra sao là câu hỏi khó của các cấp, các ngành, đặc biệt là của ngành GTVT.

Hiện tại, trên địa bàn thành phố có khoảng 583 tuyến đường (từ đường hướng tâm, vành đai, các tuyến chính đô thị, đường khu vực và một số đường bên ngoài đô thị) được Sở GTVT quản lý, với tổng chiều dài khoảng 1.178km, số lượng này là thấp hơn so với yêu cầu. Hơn nữa, số lượng ô tô, xe máy ra tăng nhanh, gây áp lực lớn đến công tác vận hành giao của thành phố. Thêm vào đó, hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội hiện nay mới chỉ có xe buýt nhưng hệ thống vận tải này mới chỉ đảm nhiệm khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân. Tuyến đường sắt trên cao đang được xây dựng với kỳ vọng lớn sẽ giúp giải quyết được phần nào bài toán giao thông Thủ đô.

Những giải pháp đã và đang được áp dụng tại Hà Nội và các đô thị lớn khác để kiềm chế giao thông nhìn chung còn mang tính chất ứng phó, tình thế, khả năng kiềm chế tiến tới triệt tiêu nạn ùn tắc chưa thực sự có hướng giải quyết hiệu quả. Trong khi đó, vận tải bằng đường sắt chủ yếu phục vụ đi lại đường dài và giao cắt bằng rất nhiều với mạng lưới đường bộ. Hệ thống đường sắt đô thị đang bắt đầu được triển khai và không thể đưa vào khai thác trước năm 2015.

Giao thông đô thị muốn phát triển bền vững phải xuất phát từ gốc, đó là công tác quy hoạch phải bài bản và dự báo được khả năng phát triển. Việc quy hoạch phát triển giao thông đô thị cần được nghiên cứu hợp lý giữa quỹ đất dành cho quy hoạch giao thông. Dự kiến đến năm 2030, tỷ lệ đất giành cho giao thông chiếm 20-25% quỹ đất xây dựng đô thị, cải tạo mở rộng các quốc lộ hướng tâm hiện đại lên thành đường từ 4-6 làn xe cơ giới, xây dựng đường cao tốc song hành với các quốc lộ có lưu lượng lớn. Đặc biệt, chiến lược phát triển vận tải công cộng của Hà Nội đến năm 2030 sẽ đáp ứng 55% nhu cầu, giảm xe cá nhân xuống còn 30-35%. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020. Theo đó, Hà Nội sẽ dành tối thiểu 15% tổng diện tích đất cho hạ tầng giao thông…

Thủ đô Hà Nội còn nhiều việc phải làm để xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước, phát huy truyền thống “ngàn năm văn hiến” trên mảnh đất “rồng thiêng hội tụ”. 58 năm trôi qua kể từ ngày Thủ đô giải phóng, lớp lớp người Hà Nội đã và đang ra sức học tập, làm việc để dựng xây mảnh đất này ngày càng phồn thịnh. Hà Nội rộng dài hơn cùng đất nước, giao thông đô thị Thủ đô cũng đang có những bước chuyển tích cực, hòa cùng nhịp đập với trái tim của Tổ quốc.

 

Việt Cường

 

Ý kiến của bạn

Bình luận