Theo Đại tướng, Điện Biên Phủ nằm ở một vị trí rất xa hậu phương của ta, khi địch mới nhảy dù chiếm đóng thì chỉ nối liền với đường 41 bằng một con đường nhựa dài chừng 100km, đó là đường Điên Biên Phủ – Tuần Giáo. Con đường này đi qua đồi núi liên tiếp với độ dốc khá cao; lại phải vượt qua hàng trăm con suối lớn nhỏ. Cho nên, nếu muốn sử dụng chủ lực, nhất là pháo binh mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ thì vấn đề trước tiên là phải gấp rút mở con đường Tuần Giáo – Điện Biên để xe ôtô có thể chạy được. Thế là quân ta, cùng với cán bộ, công nhân ngành GTVT, dân công mà phần lớn là chị em người Thái đã khắc phục nhiều khó khăn, mở đường, bắc cầu tuyến đường quan trọng này trong thời gian tương đối ngắn.
Tiếp đó, quân và dân ta đã mở 5 tuyến đường mới để có thể vận chuyển pháo bằng xe ôtô, tạo điều kiện sử dụng pháo binh một cách cơ động hơn. Các tuyến đường này được mở qua các sườn núi, ngọn đèo xung quanh Điện Biên Phủ, mà nhiều đoạn trước đó chưa có vết đường, lại trong tầm hỏa lực pháo của địch.
Về giao thông vận tải, một vấn đề lớn hơn nữa là phải bảo đảm được các tuyến vận tải đường dài hàng mấy trăm km từ Phú Thọ lên Tây Bắc qua đèo Lũng Lô, từ Thanh Hóa đến Tạ Khoa rồi phải qua đèo dốc Pha Đin nổi tiếng. Trên các tuyến đường này, các đoàn vận tải bằng nhiều phương tiện, hàng chục vạn dân công, trên 600 xe ôtô…. được duy trì hoạt động suốt ngày đêm, bất chấp sự oanh tạc của không quân địch và thời tiết khắc nghiệt trong những ngày mưa gió.
Đặc biệt, trong đoàn quân vận tải lên Điện Biên Phủ, có một lực lượng hết sức kỳ diệu là các đội xe đạp thồ mà trong lịch sử chiến tranh thế giới chưa từng có. Các đội xe đạp thồ này, chủ yếu là người ở thị xã Thanh Hóa, trong đó một số người đã nâng mức trọng tải mỗi xe lên tới trên ba tạ. Hội đồng cung cấp mặt trận Liên khu 4 đã xác định điển hình tăng năng suất toàn tuyến là nhà vô địch Trịnh Ngọc – chỉ huy trưởng của Đội xe thồ Thanh Hóa đạt mức kỷ lục cao nhất là 345kg.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã khẳng định, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã lập được một kỳ công hoàn toàn ngoài sự ước đoán của địch. Đó là bảo đảm việc mở đường và tổ chức vận tải tiếp tế hậu cần cho một lực lượng lớn bộ đội chiến đấu trên một mặt trận rất xa hậu phương và trong một thời gian dài. Đây là một chiến công lớn với sự đóng góp xứng đáng của cán bộ, công nhân, TNXP, dân công, kể cả dân công vùng địch hậu, đã chiến đấu hy sinh và giành thắng lợi vẻ vang trên mặt trận GTVT.
Nhớ lại, khi chiến dịch Điện Biên Phủ mới mở màn, trong nhà sàn ở chiến khu Việt Bắc, tiếp và trả lời phỏng vấn nhà báo Bớcset (úc) về triển vọng của cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã lật ngược chiếc mũ trên bàn, rồi nói: “Đây là Điện Biên Phủ”. Bác đưa tay quanh vành mũ, nói tiếp: “Núi ở đây, chúng tôi cũng ở đây”. Rồi Bác nắm chặt tay, đấm vào lòng mũ và nói: “Còn đây là quân Pháp. Họ không thoát khỏi chỗ này được”. Và thực tế trên chiến trường sau này cũng đã diễn ra và kết thúc như câu chuyện Bác Hồ nói với nhà báo nước ngoài Bớcset.
“Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử” (lời Hồ Chủ tịch). Điện Biên Phủ là sự nối tiếp các trang sử hết sức oanh liệt và bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa. Trong thắng lợi vĩ đại Điện Biên Phủ của dân tộc, chúng ta có quyền tự hào chính đáng về sự hy sinh và cống hiến to lớn của các thế hệ cha anh làm nhiệm vụ “đi trước mở đường”. Ngày nay, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang đó, những người làm nhiệm vụ GTVT chúng ta đã và đang nỗ lực phấn đấu lập nhiều chiến công mới chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ và hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành GTVT vào năm 2015.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.