Nhưng cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc còn phải kéo dài thêm hơn 20 năm nữa mới đến ngày toàn thắng. Lực lượng TNXP cũng theo đó mà trưởng thành nhanh chóng, lúc cao nhất lên tới hơn nửa triệu người. Với khẩu hiệu “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, những người anh, người chị của chúng ta trong suốt thời gian chiến tranh đã lập nên vô vàn kỳ tích, góp phần quan trọng vào sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.
Có thể giờ đây, nhiều người không biết rằng 80% lực lượng TNXP là thuộc về quân số của ngành GTVT. Vì thế, tôi thấy cần thiết phải nhắc lại. Công việc chủ yếu của họ là làm đường, phá bom nổ chậm, hướng dẫn người và xe vượt qua những trọng điểm đánh phá của địch, giải quyết hậu quả chiến trường, với mục tiêu là bằng mọi giá phải giữ vững và thông suốt các con đường huyết mạch ra mặt trận.
Điều đó cũng có nghĩa, TNXP là lực lượng luôn có mặt ở tuyến đầu gian khổ, sẵn sàng hy sinh. Những con số sau đây là minh chứng đau thương cho điều đó: Hơn 10.000 TNXP đã vĩnh viễn nằm lại trên khắp các chiến trường, 46.000 người trở về với thương tật đầy mình, hơn 13.000 người nhiễm chất độc da cam dioxin, kéo theo hàng chục nghìn con em của họ bổ sung vào danh sách các nạn nhân chiến tranh.
Ngày mai chúng ta sẽ kỷ niệm 64 năm ngày lực lượng TNXP Việt Nam ra đời. Chắc chắn sẽ có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc được ôn lại gắn với những chiến công phi thường của hơn nửa triệu con người đã không tiếc tuổi xuân, không tiếc tính mạng mình, bình thản nhận mọi nhiệm vụ, xông pha vào những nơi hiểm nguy nhất với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Sẽ có rất nhiều lời ca ngợi dành cho họ. Cùng với nhiều tên núi, tên sông, tên những vùng đất linh thiêng từ Bắc vào Nam trở thành huyền thoại như Điện Biên Phủ, cầu Hàm Rồng, Truông Bồn, ga Gôi, ngã ba Đồng Lộc, Cổng Trời, đèo Mụ Giạ, phà Xuân Sơn, đường 20 Quyết Thắng, hang Tám Cô, trạm Chín Cô… là sự hy sinh, mất mát không gì so sánh được của lực lượng TNXP và dân công hỏa tuyến. Máu của họ đã thấm trên hầu khắp các chiến trường ác liệt nhất một thời.
Giờ đây chiến tranh đã lùi xa. Cuộc sống lao động, mưu sinh trong hòa bình là hạnh phúc bình dị nhưng vô giá với mỗi người chúng ta. Chính vì thế mà không thể chấp nhận cái thực tế là vẫn còn rất nhiều những người lấy xương máu góp vào thành quả vĩ đại ấy, lại đang phải đánh vật với từng ngày sống trong tuyệt vọng. Hiện trong tay tôi đang có những số liệu không ai có thể đọc lên mà yên lòng được.
Đó là vẫn còn khoảng 150.000 cựu TNXP – chiếm một nửa toàn bộ số người từng tham gia lực lượng này hiện còn sống – chưa được hưởng chế độ đãi ngộ vì những lý do khác nhau; Đó là hàng vạn người và con cái họ đang bị phơi nhiễm chất độc da cam, phải vật lộn sống trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất về tinh thần cũng như vật chất.
Hàng nghìn cựu TNXP hy sinh nhưng chưa được công nhận là liệt sĩ! Đặc biệt thương tâm là tình cảnh của gần 6.000 phụ nữ từng là TNXP đang sống đơn thân hoặc lâm vào cảnh cô đơn, thiếu nơi nương tựa. Không ít người trong số họ thuộc bộ phận nghèo nhất xã hội.
Tất cả chúng ta, những người đang thừa hưởng hòa bình, đều có lỗi khi để tồn tại thực trạng bất công ấy. Hơn ai hết, những cựu TNXP Việt Nam rất xứng đáng được nhận sự bù đắp vô điều kiện về cả vật chất lẫn tinh thần. Họ xứng đáng có nhà để ở, xứng đáng được chăm sóc y tế, xứng đáng được xã hội chung tay nuôi dưỡng, giáo dục những đứa con tàn tật của họ, bị nhiễm độc ngay từ khi còn chưa sinh ra.
Toàn xã hội phải có trách nhiệm với họ.
Tôi đã nói nhiều lần, ở nhiều nơi và giờ đây tôi tiếp tục nhắc lại quan điểm ấy. Việc đền ơn đáp nghĩa chỉ hiệu quả và thường xuyên khi nó trở thành một thói quen, một nhu cầu tinh thần của mọi thành viên trong cộng đồng. Điều chắc chắn là xã hội không thể bình yên thật sự khi ở đâu đó vẫn còn những người có công với đất nước vẫn sống trong nghèo khổ cần sự trợ giúp mà chưa được đáp ứng kịp thời.
Rất mừng là đã có những hành động đang thực sự tạo ra hy vọng. Chẳng hạn như việc ra đời Quỹ Từ thiện – Xã hội Công đoàn GTVT Việt Nam, với mục tiêu rõ ràng là để trợ giúp kịp thời những cựu TNXP, dân công hỏa tuyến đang gặp khó khăn mà không phụ thuộc vào những thủ tục hành chính thường là rất quan liêu. Tôi đánh giá cao những gì mà Quỹ bước đầu thể hiện, trong một thời gian còn rất ngắn kể từ khi ra đời. Nhưng trước hết, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các tổ chức, cá nhân… đã nhanh chóng thể hiện nghĩa cử đẹp đẽ của mình dành cho Quỹ. Không có sự chia sẻ đầy trách nhiệm này, mọi sự quan tâm, dù rất chân thành của chúng tôi, phần lớn vẫn chỉ dừng lại trên lời nói.
Với riêng những người đang có vinh dự phục vụ trong ngành GTVT, việc tri ân, chia sẻ khó khăn của các cựu TNXP mang một ý nghĩa nhân quả. Chúng ta, theo cách của mình, cần phải xứng đáng với quá khứ oanh liệt mà chúng ta đang kế thừa như một tài sản tinh thần quý báu. Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân viên hãy làm nhiều hơn nữa vì mục tiêu cao cả đó.
Đấy chính là cách thức chúng ta cùng nhau xây dựng một tương lai yên bình, đáng sống hơn cho tất cả mọi người. Chúng ta phải làm công việc quan trọng và tinh tế đó bằng cả lương tâm và trách nhiệm rất cao, với một thái độ khiêm nhường. Và nó không chỉ dừng lại ở việc làm mang tính từ thiện nhất thời theo kiểu phong trào. Nó luôn phải là động lực để hướng đến cái đích xa hơn là nỗ lực đóng góp cho mục tiêu hiện đại hóa hệ thống hạ tầng cơ sở mà chúng ta được giao trọng trách.
Để làm được điều đó, cần phải đề cao sự trung thực, tính liêm khiết, thói quen thượng tôn luật pháp và đạo đức nghề nghiệp ở mọi lúc, mọi nơi, từ việc lớn cho đến việc nhỏ, hăng hái thực hành tiết kiệm, quyết nói không với tham ô, lãng phí, đề cao kỷ luật trong lao động, quan tâm đến nhau trong cuộc sống hàng ngày với một sự gắn bó, đoàn kết cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ.
Noi gương cha anh và cũng là cách tri ân họ đúng nghĩa nhất, chúng ta cũng sẽ dấn thân mạnh mẽ, bằng những hành động yêu nước trong thời kỳ mới, cho sự giàu mạnh của Tổ quốc.
Hà Nội, ngày 14/7/2014
Đinh La Thăng
Bộ trưởng Bộ GTVT
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.