Ảnh minh hoạ |
Tại cuộc mít tinh mang dấu ấn lịch sử sâu sắc, ghi mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân Việt Nam, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố thành lập. Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa xúc động và tự hào đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước quốc dân đồng bào cả nước và nhân dân toàn thế giới.
Trong lúc nhân dân Sài Gòn tập trung tại các loa phóng thanh, hướng về Thủ đô Hà Nội, theo dõi cuộc mít tinh thành lập nước và lắng nghe bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc từ Ba Đình truyền tới, thực dân Pháp đã nổ súng bắn vào đồng bào ta. Ngay lập tức, cả Sài Gòn và Nam bộ đã đứng dậy kháng chiến. Thủ đô Hà Nội và nhân dân các tỉnh, thành miền Bắc vừa kiên cường bảo vệ Chính phủ cách mạng lâm thời, xây dựng chính quyền các cấp, diệt giặc đói, diệt giặc dốt, chống “thù trong giặc ngoài”, hết lòng chi viện cho đồng bào Sài Gòn, Nam bộ, sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài để bảo vệ nền Tự do, Độc lập của cả nước.
Sau Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 được ký giữa Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hòa Pháp, sau Hội nghị Phông-ten-nơ-bờ-lô và Tạm ước 14/9/1946 giữa Việt Nam và Pháp, thực dân Pháp liên tiếp gây hấn ở Hải Phòng và nổ súng tấn công Hà Nội vào đêm 19/12/1946. Các lực lượng vũ trang Thủ đô đã kiên cường chiến đấu trong lòng Hà Nội suốt 3 tháng liên tục, bảo vệ Hồ Chủ tịch, các thành viên của Chính phủ và các cơ quan, đoàn thể cách mạng rút lên Việt Bắc, xây dựng căn cứ, kháng chiến lâu dài.
Qua 9 năm kháng chiến gian khổ nhưng thắng lợi rất vẻ vang, nhân dân đã buộc thực dân Pháp và đồng minh của thực dân Pháp phải ký vào Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 20/7/1954, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, rút hết quân đội viễn chinh về nước.
Thế nhưng, sau 20/7/1954, với dân tộc Việt Nam ta thì “Đường cách mạng mới đi một nửa - Nửa mình còn trong lửa, nước sôi”. Mặc dù Chính phủ, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân ta nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ thì ngược lại, đế quốc Mỹ - kẻ viện trợ to lớn cho thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, trong suốt 9 năm không thành, liền hất cẳng Pháp, tiến hành chiến tranh xâm lược miền Nam nước ta hòng chia cắt đất nước lâu dài, ngăn chặn phong trào cách mạng tràn xuống Đông Nam châu Á. Suốt 21 năm, từ năm 1954 đến năm 1975, với chiến thuật “tố cộng”, “diệt cộng”, tàn sát những người tham gia kháng chiến chống Pháp 9 năm, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của Mỹ đã ra sức “nhổ tận gốc” mầm mống cách mạng ở miền Nam Việt Nam với mục đích thâm độc: Chia cắt lâu dài đất nước ta. Nhưng “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, với hai nhiệm vụ chiến lược “Xây dựng CNXH ở miền Bắc”, làm cơ sở cho nhiệm vụ “Hết lòng chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam”, Đảng ta, nhân dân ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã từng bước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Gần 21 năm bền bỉ kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ theo quan điểm, đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, các thủ đoạn chiến tranh của Mỹ - Ngụy: Tiêu diệt những người kháng chiến cũ, phá thế xóm ấp để dồn dân lập ấp chiến lược; tung máy bay và tàu chiến đánh phá miền Bắc XHCN, đồng thời, tung quân vào tham chiến ở miền Nam, mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương; dùng máy bay chiến lược B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng để “Đưa Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá”. Tuy nhiên, với trên 60 vạn quân Mỹ, trên 60 vạn quân Ngụy với đủ các loại máy bay chiến lược B52, các chiến lược: “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Chiến tranh Việt Nam hóa” của đế quốc Mỹ lần lượt bị đánh bại, buộc đế quốc Mỹ lần lượt phải ký vào Hiệp định Pari, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. 2 năm, 3 tháng sau khi Hiệp định Pari được ký kết, bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất, hai miền Nam - Bắc sum họp một nhà, cùng đi lên xây dựng CNXH.
Nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, trong khi nhân dân ta vừa giành được độc lập, thống nhất, đang ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh thì nền độc lập lại bị đe dọa từ biên giới Tây Nam và biên cương phía Bắc. Tháng 4/1977, Pôn-pốt, Iêng-xa-ri xua quân xâm lược biên giới Tây Nam, liên tục gây đau thương cho đồng bào ta ở vùng ven biên giới. Hưởng ứng lời kêu gọi giúp đỡ, các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với quân đội cách mạng Campuchia, đồng loạt tiến công, đập tan chế độc diệt chủng Pôn-pốt, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Tháng 02/1979, chủ nghĩa bành trướng đồng loạt cho quân xâm lược nước ta trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Quân và dân ta đã kiên quyết đánh trả, buộc địch phải rút quân vào cuối tháng 3/1979. Từ ngày đó, suốt 10 năm, nhân dân ta phải dồn sức người, sức của để làm nghĩa vụ quốc tế, giúp nhân dân Campuchia, bảo vệ biên cương phía Bắc. Biết bao công của và máu xương của dân tộc đã đổ để đổi lấy những ngày đất nước thanh bình như hôm nay. Tuy nhiên, trước mắt chúng ta, quần đảo Hoàng Sa và một số hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Tổ quốc đang bị quân đội nước ngoài chiếm giữ trái phép. Vấn đề bảo vệ biển Đông đang nhắc chúng ta phải thường xuyên nêu cao cảnh giác, kiên trì đấu tranh, không một phút lơ là.
Nhìn lại công cuộc giành và giữ độc lập, tự do của Tổ quốc suốt 70 năm, đất nước và nhân dân ta luôn ghi nhận những đóng góp lớn lao của ngành GTVT, từ thời còn non trẻ đến lúc trưởng thành. Ngay từ thời chống Pháp 9 năm, khi chúng ta phải rời Thủ đô lên Việt Bắc kháng chiến, ngành GTVT non trẻ đã phát huy thế mạnh từ nhân dân, huy động xe, ca-nô và bè mảng chở máy móc, thiết bị lên Việt Bắc. Với kinh nghiệm rút ra từ cuộc kháng chiến chống Pháp, trong những năm chống Mỹ, đội ngũ công nhân làm cầu, làm đường, làm phà, lái xe, phần đông do công nhân ngành GTVT bổ sung đảm nhiệm. Đặc biệt, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, nhiều công nhân lái xe chở khách của các xí nghiệp, công ty được bổ sung gấp cả người và xe, chở bộ đội, đảm bảo cơ động nhanh, kịp thời phục vụ bộ đội tác chiến. Nổi bật nhất là trong cuộc hỗ trợ quân và dân Campuchia đập tan chế độ diệt chủng Pôn-pốt, đã có hàng trăm xe ô tô chở khách tăng cường cho quân khu, các quân đoàn và đơn vị độc lập, đảm bảo chuyển quân cơ động, kịp thời.
Lịch sử quân sự nước ta là lịch sử của cuộc chiến tranh nhân dân. Chiến tranh nhân dân trên mặt trận vận tải quân sự gắn liền nhu cầu của các đơn vị quân đội và khả năng đáp ứng của các đơn vị trong ngành GTVT.
70 năm bảo vệ nền độc lập, ngành GTVT luôn là lực lượng chủ yếu, sát cánh cùng quân đội trên các nẻo đường hành quân, chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.