Kỳ vọng cuộc “lột xác” của giao thông Thủ đô

Tác giả: Hiểu Lam

saosaosaosaosao
Thị trường 12/02/2021 00:42

Với những dấu hiệu khởi sắc từ tiền đề 2020, mạng lưới giao thông TP. Hà Nội được kỳ vọng sẽ có cuộc “lột xác” trong năm 2021.


 

2
Sau khi đưa vào khai thác, cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sẽ khép kín đường Vành đai 3 trên cao, góp phần tạo nên một tuyến đường vành đai hiện đại, giải quyết tình trạng ùn tắc khu vực cửa ngõ Thủ đô

 

Liên tiếp dự án giao thông lớn khánh thành

Suốt gần một thập niên qua, ùn tắc giao thông (UTGT) là một trong những vấn đề lớn nhất của Hà Nội. Từ cuối năm 2019 trở lại đây, ngành GTVT Hà Nội đã thể hiện rõ sự chuyển mình mạnh mẽ bằng việc liên tiếp đưa các dự án giao thông trọng điểm cán đích theo đúng tiến độ. Theo đó, tháng 8/2020, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội đã tổ chức lễ khánh thành và gắn biển công trình cho Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch. Dự án được triển khai nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc trong khu vực; từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của quận Cầu Giấy và TP. Hà Nội. Cầu gồm 5 nhịp, 4 làn xe, tổng chiều dài 278 m. Tổng mức đầu tư dự án hơn 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách.Việc khánh thành, đưa công trình vào khai thác có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết kịp thời tình trạng UTGT tại nút “thắt cổ chai” đã tồn tại hơn 23 năm trên đường Nguyễn Văn Huyên và cũng là nút giao thông phức tạp có lưu lượng tham gia giao thông lớn trên tuyến đường Vành đai 2,5 hiện nay.Ngày 06/10, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức lễ khánh thành và gắn biển Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với đường Vành đai 3. Dự án khởi công tháng 11/2019 do Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 341 tỷ đồng. Sau gần 1 năm khởi công, dự án đã kịp thời hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng.Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với đường Vành đai 3 là một trong những dự án thuộc danh mục các dự án trọng điểm của thành phố. Việc hoàn thành dự án có ý nghĩa rất quan trọng, giảm tải cho nút giao thông Thanh Xuân và nút Pháp Vân, giải quyết tình trạng UTGT tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ với đường Giải Phóng và khu vực Linh Đàm. Công trình cũng đóng vai trò hoàn thiện tuyến đường Vành đai 3 khu vực hữu ngạn sông Hồng được khép kín, đồng bộ, góp phần giải quyết nhu cầu đi lại và hạn chế UTGT trên địa bàn TP. Hà Nội.Cũng trong tháng 10/2020, Bộ GTVT đã phối hợp với UBND TP. Hà Nội khánh thành công trình cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3 TP. Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư là 5.343.438 triệu đồng.Tháng 11/2020, Sở GTVT Hà Nội cho thông xe đường Vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở. Trước đó, vào tháng 4/2018, UBND TP. Hà Nội đã khởi công dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng đoạn đường từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng. Dự án sẽ xây mới hoàn toàn tuyến đường bộ trên cao bằng cầu cạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, có chiều dài 5,1 km, rộng 19 m. Phần đường Vành đai 2 hiện tại từ Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng dài 3,1 km sẽ được mở rộng với mặt cắt 53,5 - 63,5 m, quy mô 8 làn xe (6 làn dành cho xe cơ giới và 2 làn dành cho xe thô sơ), có dải phân cách rộng 4 m ở giữa và vỉa hè rộng 4 - 6 m mỗi bên. Dự án có tổng mức đầu tư gần 9.500 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 4.194 tỷ đồng.Ngoài các dự án lớn trên, Bộ GTVT phối hợp với UBND TP. Hà Nội vừa tổ chức thông xe cầu Thăng Long sau gần 5 tháng sửa chữa. Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long có tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng, bắt đầu triển khai từ ngày 16/8/2020. Việc hoàn thành Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ kết nối đồng bộ và phát huy hiệu quả khai thác của toàn tuyến Vành đai 3, góp phần quan trọng vào lưu thông và kết nối vận tải giữa TP. Hà Nội với sân bay Nội Bài, kết nối các tỉnh, thành với Hà Nội, giảm UTGT trên tuyến đường cửa ngõ phía Tây Hà Nội.Vừa qua, UBND TP. Hà Nội cũng tổ chức thông xe nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng.

Dồn lực cho các công trình trọng điểm

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, bên cạnh những dự án đã hoàn thành, được đưa vào sử dụng trong năm 2020, dự kiến trong năm 2021, Hà Nội sẽ tiếp tục khởi công 3 dự án giao thông trọng điểm, đồng thời hoàn thành 9 dự án khác với tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.Trong số các công trình dự kiến được khởi công, việc xây dựng hoàn chỉnh nút giao Pháp Vân và đường Vành đai 1 (Hoàng Cầu - Voi Phục) sẽ giúp xóa bỏ "điểm đen" về ùn tắc tại cửa ngõ phía Nam, đồng thời khớp nối thông suốt tuyến Vành đai 1 từ khu Đông sang phía Tây thành phố.Bên cạnh đó, 9 công trình dự kiến hoàn thành cũng có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo cảnh quan đô thị đẹp và hiện đại. Trong số này có nhiều dự án đã chậm tiến độ kéo dài như tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - Cầu Giấy, dự án đầu tư xây dựng đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài...Theo lộ trình phát triển hạ tầng giao thông Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025 được coi là thời kỳ của hạ tầng giao thông khi một loạt dự án lớn có hẹn khởi công và về đích. Trong đó, phải kể đến dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cùng các sở, ngành cũng đang nỗ lực đẩy nhanh các thủ tục, tháo gỡ vướng mắc để tiến hành khởi động dự án đường Vành đai 2.5 (Đầm Hồng - QL1) đã chậm tiến độ gần 20 năm.“Đây đều là những dự án rất cấp bách, có ý nghĩa quan trọng và không thể chậm trễ thêm. Sở GTVT Hà Nội cùng các sở, ngành quyết tâm dồn lực, hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ trọng tâm này trong nhiệm kỳ 2021 - 2025. Chắc chắn 5 năm tới, tình hình giao thông Hà Nội sẽ thay đổi, cải thiện rất nhiều”, ông Viện khẳng định.Tại buổi làm việc với Sở GTVT Hà Nội về kết quả năm 2020, định hướng nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả mà ngành GTVT Hà Nội đạt được thời gian qua. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu Sở GTVT Hà Nội rà soát, nghiên cứu hoàn thiện điều chỉnh lại quy hoạch giao thông đến năm 2030, tầm nhìn 2045, bao gồm tất cả các loại hình giao thông, trên quan điểm phát triển đồng đều tất cả các địa phương trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh, thành phố lân cận. Bên cạnh đó, Hà Nội cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án mới mang tính động lực.

Ý kiến của bạn

Bình luận