Làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thế nào hiệu quả? - Kỳ 1: Xu thế tất yếu, động lực phát triển

Đường sắt 23/04/2024 07:02

Nghiên cứu của các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước cho thấy, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam không đơn thuần với mục tiêu hiện đại hóa vận tải đường sắt theo xu thế phát triển chung của thế giới mà còn tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thế nào hiệu quả? - Kỳ 1: Xu thế tất yếu, động lực phát triển- Ảnh 1.

Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam giúp kết nối các hành lang kinh tế, đảm bảo sự phát triển hiệu quả và bền vững. Ảnh minh họa

Rút ngắn khoảng cách vùng miền, phân bổ lại dân cư

Theo Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT), dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam đến nay, sau quá trình nghiên cứu, cập nhật theo quy hoạch tổng thể quốc gia và lấy ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước, Đề án và Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án (do Liên danh tư vấn TEDI SOUTH - TRICC - TEDI lập) đã hoàn thành vào tháng 3/2024 và tiếp tục được hoàn thiện theo ý kiến thẩm định.

Ông Chu Văn Tuân, Phó Giám đốc Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, kết quả nghiên cứu của các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước cho thấy đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam mang tính chiến lược, cụ thể hóa quan điểm phát triển "đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là trục xương sống" tại Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt và mục tiêu "đến năm 2030 phấn đấu xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam" tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 18/1/2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia.

Theo đó, hành lang Bắc - Nam kết nối các hành lang kinh tế khác với hai cực tăng trưởng là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, là hành lang quan trọng nhất của cả nước, kết nối 20 tỉnh, thành phố, ảnh hưởng đến khoảng 49% dân số cả nước, 40% khu công nghiệp, 55% cảng biển lớn loại I - II, 67% khu kinh tế ven biển, 3/6 vùng kinh tế - xã hội, đóng góp trên 50% GDP cả nước. Trong khi đó, Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định quan điểm phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam để kết nối các vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cả nước nhanh, hiệu quả và bền vững.

Nghiên cứu của tư vấn cho thấy, đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và với ưu thế vận tải khối lượng lớn, nhanh, "rút ngắn" khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, kết nối các thị trường, tạo ra hành lang phát triển mới.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra, các cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong phạm vi có thể đi lại trong ngày có sự hấp dẫn tương đương nhau. Do đó, đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam sẽ góp phần giảm áp lực dân số và quá tải hạ tầng tại các đô thị. Các đô thị sẽ được tái cấu trúc, phân bố lại dân cư, mở ra nhiều không gian mới để phát triển kinh tế dọc theo tuyến, tạo thêm quỹ đất; thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch; giải quyết hiệu quả làn sóng di dân vào các thành phố lớn, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Từ góc độ phát triển du lịch, giai đoạn 2015 - 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân lượng khách du lịch nước ta là 22,7%/năm (gấp hơn 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP). Còn năm 2023, tổng lượng khách ước đạt khoảng 120,6 triệu lượt (trong đó khách quốc tế khoảng 12,6 triệu lượt). Đến năm 2030, mục tiêu của du lịch Việt Nam là đạt khoảng 130 - 135 tỷ USD, đóng góp trực tiếp vào GDP từ 15 - 17%. Trong đó, yếu tố quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch là hệ thống giao thông thuận tiện, an toàn. Từ kinh nghiệm của thế giới cho thấy, đường sắt tốc độ cao có mối quan hệ tương hỗ tích cực đối với các ngành du lịch, dịch vụ, giữ vai trò quan trọng trong phát triển du lịch của đất nước.

GS. TS. Bùi Xuân Phong, nguyên Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam cũng cho rằng, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam là cần thiết, bởi dự án không đơn thuần tạo sự phát triển GTVT đường sắt, với phương thức di chuyển nhanh chóng, thuận tiện giữa các vùng miền, địa phương mà còn mang ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam sẽ góp phần tái cấu trúc phân bổ dân cư, hình thành các đô thị mới, việc làm và góp phần thúc đẩy du lịch trên hành lang mà tuyến đường sắt chạy qua.

Làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thế nào hiệu quả? - Kỳ 1: Xu thế tất yếu, động lực phát triển- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Tạo tiền đề phát triển công nghiệp đường sắt và việc làm

Theo Ban QLDA Đường sắt, trên hành lang Bắc - Nam hiện có đủ 5 phương thức vận tải (hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy), trong đó vận tải hàng hóa bằng đường biển có lợi thế vận chuyển khối lượng lớn, chi phí thấp. Trong khi đó, vận tải hành khách đang có sự mất cân đối, phát triển thiếu bền vững bởi đường bộ chiếm 60,2%, hàng không chiếm 36,6%, đường sắt với lợi thế vận chuyển an toàn, tiện nghi nhưng chỉ chiếm khoảng 0,5 - 1,0% thị phần và đang có xu hướng tiếp tục giảm.

Trên cơ sở nghiên cứu tổng thể và với kịch bản hạ tầng đường bộ, hàng không, đường thủy và hàng hải được đầu tư hoàn thành theo quy hoạch, nhất là đường sắt hiện hữu sẽ được nâng cấp trong tương lai, dự báo hành lang Bắc - Nam sẽ rất nhộn nhịp với nhu cầu vận tải rất lớn. Dự báo, năm 2050, nhu cầu vận tải hàng hóa trên hành lang này khoảng 1,4 - 1,7 tỷ tấn/năm và tổng nhu cầu vận tải khách khoảng 1,1 - 1,3 tỷ lượt khách/năm.

Về hàng hóa, vận tải hàng hải và đường thủy có ưu thế về giá thành nên chiếm thị phần chi phối ở cự ly trung bình và dài, đường bộ có ưu thế với cự ly ngắn; đường sắt chỉ có ưu thế với cự ly trung bình và dài cho một số loại hàng hóa nhưng khối lượng không lớn. Với nhu cầu vận tải nêu trên, tuyến đường sắt hiện hữu sau khi cải tạo, nâng cấp sẽ có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, tuy nhiên nhu cầu vận tải hành khách sẽ thiếu hụt rất lớn nếu không có phương thức vận tải khối lượng lớn, tốc độ nhanh.

Tư vấn dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam đánh giá: "Theo kinh nghiệm trên thế giới, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao là tối ưu và hiệu quả nhất, góp phần phát triển bền vững, phát huy được tiềm năng, lợi thế của các phương thức vận tải trên hành lang".

Còn theo ThS. Nguyễn Trọng Nghĩa, chuyên gia tư vấn thiết kế đường sắt, thương mại và du lịch, đặc biệt là du lịch của Việt Nam có thế mạnh vượt trội so với các ngành kinh tế khác. Việc thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao có ý nghĩa quyết định để phát triển dịch vụ, vì vậy Nhà nước cần tập trung huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam càng sớm càng tốt. Nếu để đến năm 2045 mới hoàn tất thì sẽ rất chậm, mất nhiều cơ hội, lãng phí tiềm năng.

Cùng với mang lại hiệu quả vận tải, tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam còn tạo ra phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm TNGT đường bộ, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh. Chỉ riêng về TNGT, các tính toán chỉ ra rằng, đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam khi đưa vào khai thác sẽ tiết kiệm chi phí khoảng 96 triệu USD (năm 2040) và 124 triệu USD (năm 2050) do giảm được TNGT, đồng thời góp phần thu hút hành khách từ các phương tiện giao thông đường bộ sang đường sắt, làm giảm áp lực phương tiện giao thông đường bộ.

Dưới góc độ về quốc phòng - an ninh, nghiên cứu của tư vấn nhấn mạnh: "Tuyến đường sắt hiện hữu bị hạn chế khổ giới hạn, việc bảo đảm vận tải các loại hàng hóa đặc chủng phục vụ quốc phòng - an ninh gặp nhiều khó khăn, một số đoạn bị tác động nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, hạn chế trong việc bảo đảm vận tải các loại hàng hóa đặc chủng phục vụ hoạt động trọng yếu này. Do đó, cần thiết phải đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao để bảo đảm quốc phòng - an ninh trong tình hình mới".

Chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng của tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam khoảng 45 tỷ USD. Khi dự án được triển khai sẽ tạo ra thị trường lớn về sản xuất vật liệu, xây dựng và tạo ra hàng triệu việc làm. Theo đánh giá sơ bộ cho thấy, các doanh nghiệp trong nước cơ bản đủ năng lực thực hiện phần xây dựng kết cấu hạ tầng với giá trị khoảng 30 tỷ USD (vật tư, vật liệu trong nước có thể sản xuất khoảng 25 tỷ USD), có khả năng nội địa hóa 50 - 60% cơ khí đầu máy, toa xe và thông tin tín hiệu đường sắt.