Những tai nạn thương tâm
Liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc trên đường Hồ Chí Minh ngày 24/1 vừa qua khiến 9 người chết và 5 người bị thương, đại tá Lê Trung Hiếu, Trưởng phòng Tham mưu (Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết nguyên nhân là do tài xế xe khách BKS 37B-010.52 ngủ gật đã làm mất lái, húc vào ta luy phải đường, sau đó đánh lái gấp và húc vào xe tải BKS 29H-7506 chạy ngược chiều. Dù xe tải đã giảm tốc độ, áp sát vào lề đường nhưng xe khách vẫn lao vào.
Trước đó, ngày 29/11/2014, xe khách chở 35 công nhân từ Lạng Sơn đến Nghệ An thì gặp nạn trên đường (thuộc địa phận xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc) khiến 1 người chết, 20 người bị thương. Tài xế lái xe khách tại cơ quan công an đã thừa nhận, do ngủ gật nên không làm chủ được tay lái, làm xe bay xuống ruộng.
Khoảng 6h sáng 17/7/2014, chiếc xe chở 14 khách từ Vĩnh Long lên TPHCM khi đang lưu thông trên đường cao tốc Trung Lương-TPHCM bất ngờ tông mạnh vào phần đuôi bên trái của một xe chở trấu đang chạy cùng chiều phía trước. Cú va chạm khiến xe khách biến dạng hoàn toàn, 4 người tử vong, 8 người khác bị thương. Nguyên nhân vụ tai nạn cũng do tài xế xe khách phóng nhanh khi đang ngủ gật, không làm chủ được tay lái…
Trên thực tế, hiện tượng ngủ gật khi đang điều khiển phương tiện không loại trừ bất cứ ai khi lái xe trong tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ hoặc điều khiển xe nhiều giờ liên tục, đặc biệt vào ban đêm.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), trong tháng 12/2014, tổng số lần vi phạm thời gian làm việc của lái xe trong ngày là 21.632 lần, tăng 7.258 lần so với tháng 11/2014. Đây là con số đáng báo động về tình trạng vi phạm về thời gian điều khiển xe trong khi dịp lễ, Tết đang cận kề, nhiều lái xe chạy thêm giờ để tăng thu nhập hoặc bị doanh nghiệp vận tải ép chạy khoán để thu lợi nhuận.
Có chế tài nhưng “bất lực”?
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đến nay, hệ thống thông tin tại Tổng cục Đường bộ đã được tích hợp dữ liệu trên 80.000 phương tiện để tổng hợp, phân tích về vi phạm tốc độ, thời gian lái xe (quá 4 giờ lái xe liên tục, quá 10 giờ lái xe trong ngày) và theo dõi hành trình xe chạy.
Tuy nhiên, hằng ngày chỉ có khoảng 70% tổng số phương tiện truyền dữ liệu về máy chủ của Tổng cục. Trong số 30% còn lại, ngoài nguyên nhân một số ít xe dừng hoạt động, có một phần không nhỏ lái xe, chủ xe tắt thiết bị giám sát hành trình hoặc sử dụng thiết bị phá sóng để vô hiệu hóa… Đến nay, mới chỉ có 46 địa phương thực hiện xử lý bằng các biện pháp quản lý với tổng số phương tiện bị xử lý là 1.329 xe. Còn 17 Sở GTVT mới chỉ có văn bản nhắc nhở mà chưa xử lý vi phạm theo quy định.
Liên quan đến hiệu quả của thiết bị giám sát hành trình (còn gọi là “hộp đen”), ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, thiết bị GPS có tác dụng lớn trong việc kéo giảm TNGT. Tuy nhiên, sau khi có dữ liệu vi phạm gửi về, vẫn chưa thấy tỉnh nào thu hồi giấy phép kinh doanh, mặc dù sai phạm rất nhiều. Nếu làm đúng theo Nghị định 86 (thu hồi giấy phép kinh doanh từ 1-3 tháng nếu có 2-3 xe vi phạm tốc độ) thì sẽ phải thu hồi khoảng 50% giấy phép kinh doanh của các đơn vị vận tải hiện có.
Hiện chế tài xử phạt đã đầy đủ nhưng không thực thi được. Một số tỉnh như: Đắk Nông, Lào Cai… còn không có biện pháp xử lý, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, toàn bộ xe vận tải khách đã bắt buộc phải lắp đặt thiết bị GPS, thông qua thiết bị này, từ DN vận tải tới cơ quan chức năng đều nắm được, xe khách nào vi phạm về tốc độ, về thời gian lái xe.
Nếu lái xe vi phạm về tốc độ hay vi phạm về thời gian lái xe thì phải cảnh báo, nhắc nhở, xử phạt ngay lập tức, còn cứ để cuối tháng mới tổng hợp lại, báo cáo thì không mang lại hiệu quả.
Theo Phan Trang/VGP
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.