Làm gì khi đổ nhầm nhiên liệu cho xe ô tô?

Lái xe an toàn 15/09/2016 05:35

Với số lượng xe ô tô sử dụng động cơ diesel ngày càng nhiều thì hiện tượng đổ nhầm nhiên liệu cho xe máy xăng và máy dầu có thể xảy ra. Nếu người sử dụng xe không phát hiện ra và có biện pháp xử lý kịp thời thì hậu quả sẽ là rất lớn.

Việc sơ ý khi tiếp nhiên liệu cho xe ô tô có thể khiến bạn rơi vào hoàn cảnh xe máy xăng lại bơm nhầm nhiên liệu xe máy dầu và ngược lại. Theo nhiều người, việc nhầm lẫn này thường là do người sử dụng xe ô tô khi chuyển sang đi xe sử dụng nhiên liệu khác hoặc do sự bất cẩn của nhân viên ở trạm xăng.

Động cơ xăng và động cơ dầu khác nhau như thế nào?

66-e13b
Máy xăng cần mồi lửa để kích, đốt cháy nhiên liệu còn máy dầu không cần mồi lửa kích nổ

Điều đầu tiên bạn cần hiểu là cơ chế hoạt động của hai loại động cơ này. Động cơ xăng dùng bugi để đánh lửa, đốt cháy hỗn hợp nhiên liệu (xăng và không khí). Chính vì vậy, máy xăng không được thiết kế để sự tự cháy xảy ra mà cần mồi lửa để kích. Chỉ số Octances chính là cơ sở để đo hiệu quả năng lượng xăng. Trong khi đó, ở máy dầu, béc phun cao áp sẽ nén hỗn hợp nhiên liệu dưới áp suất cao. Đến một nhiệt độ nhất định, dầu sẽ tự nổ và đẩy Piston trong xi lanh chứ không cần mồi lửa kích nổ. Động cơ dầu sẽ sử dụng chỉ số cetanes để tính toán hiệu quả nhiên liệu.

Như vậy, với động cơ xăng, nhiên liệu “cháy” có kiểm soát và động cơ dầu là sự “nổ” có kiểm soát. Nếu nhiên liệu bị đổ nhầm thì mức độ thiệt hại sẽ không giống nhau. Trong trường hợp nặng, bạn có thể sẽ phải thay cả động cơ.

Dấu hiệu nhận biết khi ô tô bị bơm nhầm nhiên liệu

Do phần lớn các xe ô tô hiện nay đều không được thiết kế hệ thống cảnh báo hoặc đèn cảnh báo đổ nhầm nhiên liệu nên việc đổ nhầm nhiện liệu cho ô tô hiện nay thật sự rất khó nhận biết. Trong trường hợp xe bị đổ nhầm nhiên liệu mà lái xe không phát hiện được, thì khi xe chạy, lái xe sẽ cảm nhận được động cơ bị rung lắc và xuất hiện những tiếng kêu bất thường.

Tác hại của việc đổ nhầm xăng vào dầu

56-f402
Việc đổ nhầm xăng cho động cơ máy dầu có thể khiến xi lanh bị cháy, động cơ bị vỡ

Nếu bạn không phát hiện ra việc đổ nhầm xăng vào bình nhiên liệu chứa dầu thì xe sẽ chạy với lượng dầu còn lại cho đến khi xăng lọt vào động cơ. Lúc này do không có bugi kích nổ nên xe sẽ tắt máy. Tuy vậy, nếu xăng được pha khoảng 20% so với thể tích dầu còn lại thì tỉ lệ này sẽ giúp hỗn hợp xăng và dầu “bùng cháy” trong xi lanh chứ không còn là sự “nổ có kiểm soát” nữa. Điều này sẽ khiến cho xi lanh bị cháy và động cơ bị vỡ. Theo những người có nhiều kinh nghiệm chăm sóc và bảo vệ xe ô tô thì trong trường hợp này, cách xử lý tốt nhất là bạn hãy gọi cứu hộ, kéo xe về gara để xả sạch xăng, bơm dầu vào nhiều lần để súc, rửa sạch bình nhiên liệu.

Thêm vào đó, do độ nhớt của dầu cao hơn nên khi xăng đi qua bơm cao áp để vào béc phun thì sẽ nhanh chóng làm mòn 2 bộ phận này. Nếu bị mòn nặng, có thể bạn sẽ phải thay chúng.

Tác hại của việc đổ nhầm dầu vào xăng

32-3c39

Khác với việc đổ nhầm xăng vào động cơ dầu, việc đổ nhầm dầu vào động cơ xăng thường hiếm gặp hơn nhưng khi đã nhầm thì hậu quả thường nghiêm trọng hơn. Mặc dù dầu khó cháy hơn nhưng khi vào lòng xi lanh đã pha với xăng ở nhiệt độ, dưới áp suất cao cộng thêm sự đánh lửa của bugi nên hỗn hợp dầu sẽ không còn “cháy” có kiểm soát nữa mà nó sẽ là “nổ không kiểm soát”. Động cơ sẽ hoạt động với giới hạn lớn hơn bình thường, khi xe di chuyển với tốc độ cao sẽ dẫn tới hiện tượng quá nhiệt. Ngoài ra, dầu nổ sẽ tạo ra rất nhiều muội khói bám vào thành xilanh gây bó máy, gãy tay biên và dẫn đến đâm thủng thành máy.

Nếu như lái xe phát hiện nhân viên tại trạm xăng mới đổ nhầm một lượng nhỏ dầu (dưới 15% dung tích bình xăng) thì cơ hội khắc phục vẫn còn. Lúc này, bạn hãy đổ tiếp đầy bình xăng có chỉ số octance cao nhất. Điều này sẽ giúp trung hòa lượng dầu trong bình và xe sẽ hoạt động giống như lúc bị đổ xăng bẩn. Nếu mọi việc ổn thỏa, sau khi di chuyển khoảng 70 - 100km nữa, bạn hãy đổ đầy bình xăng để lượng dầu bị đổ nhầm ngày càng loẵng ra.

Lưu ý, trong hai trường hợp đổ nhầm nhiên liệu trên, sau khi súc rửa động cơ, bạn nên thay luôn lọc xăng, lọc dầu để loại bỏ những nguy cơ gây hại cho động cơ.

Ý kiến của bạn

Bình luận