Nếu thường xuyên theo dõi xedoisong.vn, các bạn chắc hẳn sẽ nhận ra rằng ngày càng có nhiều bài viết nhắc tới xe tự lái, khi công nghệ này đang phát triển nhanh chóng. Những phương tiện tự lái ở cả hiện tại và tương lai đều có thể được trang bị công nghệ tự lái, chính vì vậy nhu cầu về một hệ thống phân loại để thể hiện được sự tiến bộ của các công nghệ này đã được nhiều tổ chức và hãng xe đề xuất. Với hệ thống phân cấp độ tự lái, khách hàng có thể hiểu đơn giản về khả năng và giới hạn ở mỗi cấp độ khi chọn mua xe.
Hiện tại, chuẩn cấp độ tự lái được sử dụng chung cho toàn cầu do SAE International (còn gọi là Hiệp hội kỹ sư xe hơi) - một hiệp hội chuyên nghiệp đề ra những quy chuẩn cho ngành công nghiệp sản xuất phương tiện giao thông khởi xướng. Được công bố lần đầu tiên vào năm 2014 và có tên gọi J3016, hệ thống đánh giá cấp độ tự lái này đã trở thành quy chuẩn chung của ngành công nghiệp ô tô, được Bộ Giao thông vận tải Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc thông qua.
xedoisong_cap_do_xe_tu_lai_2_scxi |
Theo SAE, có tổng cộng 6 cấp độ tự lái từ thấp tới cao - mỗi cấp độ có một yêu cầu cụ thể mà chiếc xe phải đáp ứng trước khi được đánh giá là đạt cấp độ đó. Cần lưu ý đó là hệ thống phân cấp này của SAE vẫn còn gây tranh cãi khi xét tới khả năng tự lái của một chiếc xe, khiến hiệp hội này liên tục phải cập nhật. Trong đó, lần cập nhật gần nhất của bộ tiêu chuẩn J3016 là vào tháng 9/2016. Mặc dù vậy, nó vẫn được đa phần ngành công nghiệp chấp nhận để có thể trở thành một quy chuẩn chung. Và dưới đây là 6 cấp độ từ thấp tới cao theo chuẩn J3016_201609.Cấp độ 0: Phụ thuộc hoàn toàn vào người lái.Ở cấp độ này, xe hoàn toàn không có tính năng tự lái nào cả. Tuy nhiên, những chiếc xe hơi này vẫn có tính năng cảnh báo va chạm hoặc cảnh báo điểm mù. Việc điều khiển chiếc xe phụ thuộc hoàn toàn vào người lái.
Cấp độ 1: Hỗ trợ lái xe
Hầu hết các xe ô tô hiện đại đủ điều kiện cũng như khả năng ở cấp độ 1 trên thang điểm của SAE. Để đáp ứng yêu cầu này, chiếc xe phải có ít nhất một hệ thống tiên tiến hỗ trợ người lái - chẳng hạn như hệ thống giữ ga tự động hay tự động bám làn. Việc điều khiển chiếc xe vẫn dựa vào người lái gần như hoàn toàn.Cấp độ 2: Hỗ trợ người lái một phần.
Một chiếc xe tự lái cấp độ 2 sẽ có hai, hoặc nhiều hệ thống hỗ trợ người lái (ADAS) tiên tiến tích hợp sẵn để điểu khiển phanh, hướng lái hoặc chân ga của xe. Một số hệ thống này bao gồm: giữ ga tự động thông minh, hỗ trợ chủ động giữ làn đường hoặc tự động phanh khẩn cấp. Các công nghệ này cũng cần phải có khả năng làm việc phối hợp với nhau.
Tuỳ từng dòng xe mà những hệ thống này có thể được trang bị nhiều hay ít, nhưng chúng ngày càng phổ biến và có sẵn trên hầu hết các dòng xe cao cấp hiện nay. Tuy nhiên, việc kết hợp giữa hai hay nhiều công nghệ hộ trợ này giúp chúng đủ điều kiện cho cấp độ 2 của xe tự lái. Điều quan trọng nhất đó là trong một chiếc xe cấp độ 2, người lái vẫn phải chủ động theo dõi điều kiện môi trường xung quanh khi xe di chuyển để sẵn sàng can thiệp bất cứ lúc nào.
Cấp độ 3: Tự lái tùy điều kiện.
Một bước tiến khá lớn về độ phức tạp giữa cấp độ 2 với cấp độ 3 - nó không giống với việc so sánh giữa cấp độ 1 với cấp độ 2. Xe cấp độ 3 có khả năng kiểm soát hoàn toàn và vận hành trên hành trình khi đáp ứng đủ điều kiện vận hành. Ví dụ một chiếc xe có thể tự vận hành theo hành trình đã có trên đường cao tốc (ngoại trừ những con đường dốc và thành phố) có thể được coi là đạt cấp độ 3. Mức độ tự động hóa này đòi hỏi nhiều cảm biến tiên tiến, phần cứng và phần mềm của xe phải kết hợp xử lí một cách chính xác để giữ an toàn cho người ngồi trong xe. Người lái xe cũng phải tập trung ngay cả khi ở chế độ tự lái đề phòng trường hợp các hệ thống gặp trục trặc. Ngay cả ở cấp độ 3 này, người điều khiển vẫn phải đủ tỉnh táo và tập trung để kiểm soát khi có tình huống xảy ra.
Cấp độ 4: Gần như tự lái
Ở cấp độ 4, chiếc xe sẽ không cần tương tác của người lái nữa và hệ thống sẽ tự dừng lại khi phát hiện có lỗi. Một chiếc xe cấp độ 4 có khả năng hoàn thành toàn bộ hành trình mà không cần sự can thiệp của tài xế - thậm chí không cần lái xe, nhưng vẫn có một số hạn chế. Ví dụ: chiếc xe có thể bị giới hạn trong một khu vực địa lý nhất định hoặc nó có thể bị cấm di chuyển vượt quá một tốc độ tối đa cho phép. Một chiếc xe cấp độ 4 vẫn giữ lại những công cụ để người lái có thể trực tiếp điều khiển nó như vô-lăng hay chân ga. Hiện tại chưa có hãng xe nào trên Thế giới bán ra cho khách hàng một mẫu xe có khả năng tự lái cấp độ 4. Cấp độ này mới chỉ đang được nghiên cứu và thử nghiệm quy mô hẹp.
Cấp độ 5: Tự lái hoàn toàn
Cấp độ 5 là mục tiêu cuối cùng của các nhà phát triển xe tự lái. Một chiếc xe ở cấp độ này có khả năng hoàn toàn vận hành mà không cần người lái xe trong mọi tình huống. Với việc không cần sự can thiệp của người lái, các bộ phận cơ bản của xe như chân ga, vô lăng, chân phanh sẽ được loại bỏ hoàn toàn.
Về mặt lý thuyết hành khách chỉ cần bước lên xe và thoải mái làm những việc riêng của mình mà hoàn toàn không phải bận tâm đến việc lái xe. Một chiếc xe tự lái hoàn toàn không bị giới hạn về mặt địa lý và di chuyển an toàn ở mọi dải tốc độ. Điều này có được là nhờ các phần mềm tiên tiến và thông tin liên lạc giữa các xe cũng như môi trường xung quanh
Thật khó để tưởng tượng một thế giới nơi những phương tiện tự lái ở cấp độ cao nhất trở nên phổ biến và được mọi người sử dụng. Nếu điều đó xảy ra nó sẽ thay đổi cuộc sống của con người như thế nào? Chúng ta sẽ có thể làm việc trong khi đang di chuyển trên đường hay ra lệnh cho chiếc xe tự đi đón người khác. Mặc dù vậy, có lẽ sẽ còn rất lâu nữa để có một chiếc xe tự lái hoàn toàn thành hiện thực. Nếu điều đó thực sự xảy ra, phải mất hàng thập kỉ thì đa phần những chiếc xe trên đường mới có khả năng tự chủ được hoàn toàn.
Khánh Phan
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.