Ảnh minh họa |
Theo Futurism, hiện tại người đi bộ có hai cách để sang đường an toàn: đợi cho đến khi không có xe nào ở gần, và chúng ta sẽ có đủ thời gian để đi sang – hoặc giao tiếp với những người lái xe. Khi số người đi bộ chết do tai nạn giao thông ở Mỹ leo thang, tăng 25% kể từ năm 2010, lên đến con số 5.000 người vào năm 2015, sự xuất hiện của xe tự lái hứa hẹn sẽ cải thiện con số thống kê đáng buồn này.
Cho dù chúng ta đang ở trên đường dành cho người đi bộ, ở đèn tín hiệu giao thông, hay chỉ đi giữa đường, chúng ta đã được dạy từ khi còn nhỏ là việc giao tiếp với người lái xe là rất quan trọng. Nhưng điều này sẽ không khả thi với xe tự lái. Dù có người ngồi trước vô lăng, người đó sẽ đóng vai trò hành khách và có rất ít – hoặc thậm chí không có – khả năng kiểm soát hành vi của xe. Chưa kể đến việc người đó có thể đang cố gắng bắt kịp với công việc, xem phim hoặc ngủ, không chú ý đến những gì đang xảy ra phía trước.
Con người và xe sẽ cần phải giao tiếp với nhau bằng những cách khác. Do chưa có một phương pháp thống nhất để làm điều này, một số công ty công nghệ, các nhà sản xuất ô tô và startup đang tìm cách để tạo ra một hệ thống các tín hiệu thị giác khác nhau – giống như việc người lái xe vẫy tay với người đi đường hay nhá đèn pha để báo hiệu nhường đường. Tuy nhiên, để làm được như vậy cũng không đơn giản một chút nào.
Xe không người lái
Một phần của vấn đề phụ thuộc vào cách mọi người phản ứng khi họ nhận ra một chiếc xe tự lái đang tiến đến: Các học giả tại Viện Công nghệ Giao thông Virginia và Đại học California tại San Diego đang thử nghiệm bằng cách đưa xe không người lái ra đường, cải trang người lái xe một cách cẩn thận sao cho chiếc xe – thực chất vẫn có người lái – trông như không có người lái. Một nhóm nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Nhân chủng và Tự chủ của Đại học Duke cũng đang nghiên cứu để xe không người lái có thể giao tiếp với người đi bộ.
Mặc dù đã có những hướng dẫn về tín hiệu giao thông cho người đi bộ ở thế giới ngày nay, chúng ta vẫn chưa có tiêu chuẩn nào về thông tin liên lạc giữa phương tiện tới người đi bộ. Việc triển khai chúng sẽ rất quan trọng: tín hiệu sang đường tại các điểm giao lộ sẽ đảm bảo an toàn cho cả người đi bộ và người lái xe. Nhưng chúng ta vẫn chưa biết phương pháp nào là hiệu quả nhất.
Một dấu hiệu trên nóc xe hay hãm xung của xe – hoặc một nơi nào đó – có thể là giải pháp, nhưng nó sẽ có ý nghĩa gì? Chúng có cần phải giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ không, hay chúng ta nên sử dụng một biểu tượng chuẩn, giống như ở sân bay, để mọi người đều hiểu? Còn âm thanh thì sao – xe có nên phát ra tiếng động hay chơi một đoạn nhạc không? Dù tín hiệu đó như thế nào, chúng cũng cần phải thật dễ hiểu đối với mọi nhóm tuổi, trình độ học vấn và nơi sinh sống.
Biển báo giao thông sẽ trông thế nào?
Đưa ra một cụm từ như "an toàn để sang đường" có thể sẽ hoạt động nếu chỉ có một người đi bộ sang đường và chỉ có một xe trên đường 2 làn. Nhưng còn những trường hợp phức tạp hơn thì sao? Khi sang đường 4 làn, liệu "an toàn để sang đường" có mang nghĩa xe sẽ không lao đến ở làn đường tiếp theo hay không? Khi nhiều người đi bộ sang đường từ cả hai bên, "an toàn để sang đường" sẽ áp dụng cho người nào?
Vẻ ngoài của những biển báo này cũng quan trọng. Nếu một thông điệp như "an toàn để sang đường" cần phải có thể đọc được trong phạm vi 30 mét – tiêu chuẩn cho biển báo giao thông tại Mỹ - các con chữ sẽ phải cao ít nhất 15cm. Điều này cũng đồng nghĩa là thông điệp này phải được đặt trên tấm bảng dài 1,2 mét. Nếu được đặt trên các phương tiện đang di chuyển, thông điệp thậm chí sẽ cần phải lớn hơn nữa.
Tất nhiên, mọi biển báo đều vô dụng nếu không ai nhìn. Đó là mối lo ngại của một nghiên cứu vào năm ngoái, khi các nhà nghiên cứu so sánh các loại bảng hiển thị ở phía trước của những xe tải được cải trang sao cho nó trông như không có người lái. Kết quả, chỉ có 12% người đi bộ sử dụng các bảng hiển thị để sang đường. Phần lớn mọi người đều dựa vào "chiến lược" cũ, sang đường bằng cách tính toán tốc độ và khoảng cách của xe, đảm bảo rằng họ có đủ thời gian để sang đường an toàn.
Khi xe ô tô điều khiển bằng con người trở nên ít phổ biến hơn, những phòng thí nghiệm như ở Virginia và California sẽ tiếp tục nghiên cứu cách người đi bộ phản ứng, để có thể đảm bảo sự an toàn cho tất cả mọi người. Vì vậy, sẽ có thêm nhiều trường hợp người đi bộ đối mặt với những chiếc xe được điều khiển bởi các nhà khoa học cải trang thành ghế ô tô.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.