Muốn sang sông phải mất 2 lần phí là thực trạng nhức nhối ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giáp ranh với Hải Dương, Hải Phòng |
Gây thiệt hại và “rối loạn” hoạt động của doanh nghiệp
Những năm gần đây, hàng loạt giải pháp chính sách mang tính sáng tạo về cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước đã và đang đem lại nhiều niềm vui cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, lĩnh vực Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) cũng là một “ngọn cờ” tiên phong trong phong trào này. Thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong lĩnh vực ĐTNĐ đã bày tỏ sự hài lòng đối với những cải cách thủ tục hành chính giúp họ giảm thời gian và chi phí, đặc biệt là những giải pháp được áp dụng khoa học công nghệ hiện đại.
Tuy nhiên, giữa cuộc “cách mạng” rất quyết liệt này, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ĐTNĐ tại Hải Dương đang “kêu cứu” trước sự chồng chéo trong công tác quản lý của các Cảng vụ ĐTNĐ. “Sang sông phải đóng 2 lần phí” là thực trạng nhức nhối đang diễn ra tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giáp ranh với Hải Dương, Hải Phòng.
Cùng 1 dòng sông mà mỗi bên bờ lại có các đơn vị Cảng vụ ĐTNĐ khác nhau, một bên là của trung ương, một bên là của địa phương. Khi phương tiện vào cảng bên bờ phải thì làm thủ tục nộp phí tại Cảng vụ Trung ương, sau đó quay sang bờ trái thì lại phải làm thủ tục và nộp thêm 1 lần phí nữa cho Cảng vụ địa phương, trong khi khoảng cách di chuyển chưa đến 80 mét. Điều này làm tăng chi phí, mất thời gian và gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Sự xuất hiện của 2 cơ quan cảng vụ ĐTNĐ khác nhau đã tạo thêm nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải thủy |
Thực tế trên tuyến sông Đá Bạch, bờ trái thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh, bờ phải thuộc địa phận TP. Hải Phòng, từ trước ngày 1/8/2014, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam quản lý phương tiện ra, vào cảng, bến xếp dỡ hàng hóa trên tuyến sông, các phương tiện hoạt động tại đây chỉ phải làm thủ tục và nộp 1 lần phí, lệ phí. Nhưng bắt đầu từ 1/8/2014 đến nay, sự xuất hiện Cảng vụ ĐTNĐ của Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh đã khiến cho các doanh nghiệp có phương tiện thủy hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến sông này phải làm 2 lần thủ tục và nộp 2 lần phí cảng vụ.
Phản ánh với Tạp chí GTVT, ông Bùi Văn Minh – Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Bình Minh (Doanh nghiệp vận tải thủy nội địa hoạt động chuyên tuyến sông Đá Bạch) bức xúc: “Việc chồng lấn công tác quản lý nhà nước này đang làm cho các doanh nghiệp như chúng tôi mất rất nhiều thời gian và chi phí”
Cùng chung bức xúc trên, ông Phạm Ngọc Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Cường bày tỏ: “Trước đây, Cảng vụ ĐTNĐ của Trung ương thực hiện các thủ tục nhanh chóng và bảo đảm an toàn đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động vận tải thủy của chúng tôi được diễn ra suôn sẻ. Nhưng từ khi Bộ GTVT bàn giao một số cảng, bến của Trung ương cho địa phương quản lý thì chúng tôi chưa thấy có được sự hài lòng nào mà lại phải nộp thêm cả phí cho cảng vụ của địa phương”.
Trên tuyến sông Mạo Khê, Công ty TNHH Tiến Trung là doanh nghiệp vận tải đường thủy có tàu và xà lan thường xuyên ra vào Cảng nhà máy xi măng Hoàng Thạch và các cảng bến khách trên sông Mạo Khê để lấy xi măng, clinker. Với khoảng cách các cảng bến rất gần mà phương tiện lại phải làm thủ tục, nộp phí và chịu sự quản lý của nhiều cơ quan Cảng vụ, ông Phạm Ngọc Dũng – Giám đốc công ty cho rằng, việc phân cấp quản lý “chồng chéo” này đang “làm khó” cho doanh nghiệp.
“Dù đã hoạt động có thâm niên nhưng hiện nay chúng tôi đang gặp phải sự thiếu thống nhất về quản lý hoạt động SXKD. Việc điều động tàu ra vào cảng, bến khi thủy triều xuống, luồng cạn đang gây mất ATGT đường thủy và làm thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp” – ông Dũng khẳng định.
Bất cập kéo dài ắt sẽ tạo hình ảnh xấu
Ông Trần Danh Long – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Long Thuận (hoạt động chuyên tuyến khu vực Quảng Ninh) cho hay, trong quá trình hoạt động vận tải của mình những năm trước đây, Công ty đã được các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện hướng dẫn chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về Giao thông Đường thủy, chính vì vậy mà hoạt động của công ty được thuận lợi và hành trình của những con tàu đều được an toàn.
Lực lượng Cảng vụ ĐTNĐ Trung ương kiểm tra điều kiện an toàn trên phương tiện vận tải thủy tại Hải Phòng |
“Từ khi một số Cảng bến tại khu vực Quảng Ninh được chuyển giao quyền quản lý từ cảng vụ Trung ương về Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh thì hoạt động đội tàu của chúng tôi bắt đầu gặp phải khó khăn, bất cập” – ông Long khẳng định.
Theo ông Long, tại những khu vực giáp ranh các tỉnh thành phố, có tới 2 lực lượng Cảng vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành, điều này đã gây rất nhiều khó khăn trong khi làm thủ tục vào, rời cảng, bến của thuyền trưởng, nhất là khi có sự thay đổi kế hoạch làm hàng giữa 2 cầu cảng trong một khu vực vùng nước.
“Bờ này của Trung ương, bờ kia của địa phương thực sự là một bất cập rất lớn gây khó khăn cho các doanh nghiệp như chúng tôi. Chỉ là đi từ bờ sông bên này thuộc địa giới hành chính của tỉnh Quảng Ninh sang bờ sông bên kia thuộc địa giới hành chính của TP. Hải Phòng, chúng tôi đã phải làm lại thủ tục thêm 1 lần nữa vì 2 bờ thuộc 2 Cảng vụ khác nhau và phải mất 2 lần phí” – ông Long bức xúc bày tỏ.
Ông Vũ Văn Thành – Giám đốc Công ty TNHH Trường Thành cho rằng, do đặc thù của đường thủy khác với đường bộ nên một dòng sông có khi chảy qua 2 tỉnh, tại ngã ba sông như khu vực bến Phà Đụn – Đông Triều giáp ranh 3 tỉnh. Điều này này có thể dẫn đến tình trạng trên một vùng nước hẹp tại ngã ba sông sẽ có tới 3 cơ quan cảng vụ cùng thực hiện quản lý cảng bến và phương tiện. Đây quả thực là sự chồng chéo rất lớn trong quản lý cảng bến khiến người dân và doanh nghiệp không giảm bớt được khó khăn trong hoạt động SXKD, mà có thể nói là “chồng chất” thêm.
Bộ GTVT đã yêu cầu Cục ĐTNĐ Việt Nam xem xét, sớm trả lời doanh nghiệp về việc phải làm thủ tục và nộp 2 lần phí cảng vụ trên tuyến vận tải thủy nội địa Hải Dương, Quảng Ninh. Theo đó, trước ngày 22/7, Cục ĐTNĐ Việt Nam phải đưa ra câu trả lời và báo cáo kết quả về Bộ GTVT. |
Trước phản ứng không tán đồng của hầu hết các doanh nghiệp về sự bất cập trong công tác phân bổ hệ thống cảng vụ giữa trung ương và địa phương, nhiều luồng ý kiến cho rằng, trên một đoạn sông chảy ngang qua 2 tỉnh lại có 2 cảng vụ cùng hoạt động là điều rất khó chấp nhận. Trong tâm trí của người dân và doanh nghiệp đang đặt ra câu hỏi rằng: “Liệu có hay không sự “cạnh tranh” giữa 2 cơ quan quản lý nhà nước”?. Việc có 2 cơ quan quản lý nhà nước chuyên môn giống nhau cùng hoạt động trên cùng 1 vùng nước đang tạo nên những hình ảnh không tốt, gây phản cảm về công tác quản lý nhà nước.
Hầu hết các doanh nghiệp đều không tán đồng với việc phân bổ 2 cảng vụ ĐTNĐ thực hiện quản lý trên cùng 1 vùng nước |
Hầu hết các doanh nghiệp vận tải thủy cho rằng, dù là địa phương hay trung ương thì cũng chỉ nên có 1 đơn vị thực hiện công tác quản lý nhà nước. Điều quan trọng nhất là sự gọn nhẹ, chuyên nghiệp trong chuyên môn nghiệp vụ nhằm tạo hiệu quả tối ưu trong thủ tục hành chính, đặc biệt là đảm bảo TTATGT đường thủy. Bên cạnh đó, sự thống nhất về đơn vị quản lý nhà nước còn tránh tạo hình ảnh xấu giữa các cơ quan cảng vụ, tránh những tiêu cực xã hội xuất phát từ sự cạnh tranh giữa những người thực thi pháp luật, để từ đó, người dân và doanh nghiệp lại “dễ thở” hơn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.