Đây là kết quả từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều tổ chức và công ty năng lượng trên khắp thế giới nhằm tạo ra một thế giới phát triển bền vững và lành mạnh hơn trong hiện tại cũng như tương lai.
Trong quá khứ, việc giảm lượng khí thải nhà kính luôn đồng nghĩa với sự suy thoái kinh tế. Bởi lẽ sự tăng trưởng kinh tế có quan hệ mật thiết với nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao và từ đó dẫn tới lượng khí thải cũng tăng theo. Nhưng theo IEA, nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều công ty năng lượng trên thế giới nhằm chống lại tình trạng biến đổi khí hậu do khí thải gây ra, cuối cùng thì 2 phạm trù kinh tế và khí thải cũng đã “thoát ly” khỏi nhau. (decoupling – một lý thuyết trong kinh tế học, chỉ sự tách biệt nghĩa là cái này không chịu ảnh hưởng bởi những thay đổi của cái khác.).
Theo số liệu thống kê từ IEA, trong năm 2014 vừa qua, lượng khí thải CO2 trên toàn cầu đạt mức 32,3 tỷ tấn -tương đương với mức độ phát thải hồi năm 2013. Trong suốt 40 năm qua, IEA đã liên tục thống kê dữ liệu và chỉ có 3 lần lượng CO2 không tăng: hồi đầu những năm 1980, năm 1992 và 2009. Tuy nhiên, tất cả 3 trường hợp trong quá khứ đều thuộc quãng thời gian diễn ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng đáng chú ý hơn là trong năm 2014 vừa qua, kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng 3%.
Giám đốc kinh tế của IEA Fatih Birol cho biết: “Điều này mang lại cho tôi nhiều hy vọng về việc nhân loại có thể chung tay hành động nhằm đối mặt với tình hình biến đổi khí hậu, một mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với con người hiện nay.” Theo IEA, kết quả đáng khích lệ trên có sự đóng góp không nhỏ của Trung Quốc do nước này đã tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng có thể tái tạo và nhiều nước thuộc Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế cũng tham gia quảng bá cho những nguồn năng lượng bền vững thân thiện với môi trường. Tờ Washington Post cũng cho hay rằng chỉ số năng lượng sử dụng tính trên đầu người tại Mỹ sẽ giảm trong khi tổng sản phẩm quốc nội sẽ tăng lên trong tương lai.
Dù đây là một thành quả đáng khích lệ, nhưng không phải vì thế mà cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng chấm dứt. Nồng độ CO2 trong bầu khí quyển Trái Đất đã chạm ngưỡng báo động hồi năm 2013 và lượng khí thải này vẫn tiếp tục ảnh hưởng nhanh chóng đến tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu. Nói cách khác, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vẫn phải được tiếp tục nỗ lực với nhiều cam go trong tương lai. Birol cho hay thành công lần này sẽ tạo nên một động lực quan trọng tiến tới thành lập Hiệp ước khí hậu toàn cầu tại Liên hiệp quốc trong tháng 12 sắp tới.
Theo tinhte
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.