Đong đầy giá trị tinh thần, vật chất
Sáng nay (5/6) tại Làng trẻ SOS Hà Nội đã diễn ra Chương trình khám chữa bệnh miễn phí và trao quà tặng nhân tháng hành động vì trẻ em. Chương trình do Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Việt Anh - Phòng khám đa khoa YKAO và Công ty Cổ phần Truyền thông Nhân Nghĩa phối hợp tổ chức. Chương trình cũng có sự đồng hành của Công ty Xây dựng Hà Anh.
Chương trình đã trao tặng phần quà trị giá 30 triệu, 510kg gạo cho các con và khám bệnh cho toàn bộ 160 trẻ và lưu xá thanh niên (trẻ từ tuổi dậy thì trở lên), 50 bà mẹ, bà dì (đang làm việc và đã nghỉ hưu) cùng cán bộ, nhân viên của làng. Được biết, mỗi gói khám bệnh đều tầm soát đầy đủ, giá trị gần 1,1 triệu đồng/người.
Rời khu vực khám chữa bệnh với ánh mắt ẩn chứa cảm xúc, cô Nguyễn Thúy Mai - bà mẹ đã nghỉ hưu tại làng trẻ SOS cho biết, cô từng gắn bó 27 năm và chăm sóc, nuôi nấng 27 người con tại làng trẻ SOS.
Năm 1992, cô bắt đầu vào làng trẻ. Khi đó, do hoàn cảnh cá nhân và thương cảm hoàn cảnh của các con, cô đã vào làm bà mẹ tại làng trẻ. Hầu hết các bà mẹ, bà dì ở đây đều là những phụ nữ đơn thân, hoặc có gia đình nhưng không có con nên đổ vỡ. Khi vào đây, các cô hầu như chăng biết làm gì, chỉ nghĩ vào đây cùng các con làm ruộng, làm vườn,… Sau khi vào, được đào tạo và gắn bó, các cô đã có rất nhiều con và nay đã trưởng thành, mang tới cho cuộc sống của mình thật nhiều hạnh phúc. Sau khi nghỉ hưu, cô đã về quê sống cùng các anh của mình và vẫn thường xuyên đoàn tụ với các con.
“Hôm nay, cô thực sự cảm động lắm. Chưa bao giờ cô được khám bệnh cẩn thận, nhất là gặp được sự ân cần của bác sĩ như hôm nay. Thông thường, phải đi khám bệnh ở bệnh viện, có những bác sĩ rất nhẹ nhàng nhưng nói thật, có những bác sĩ khó tính lắm làm mình đôi lúc cảm thấy rất chạnh lòng vì hoàn cảnh khó khăn của mình. Lần khám này, các bác sĩ rất gần gũi, còn chia sẻ với cô về cuộc sống, hoàn cảnh, cô vui lắm, mừng lắm”, cô Mai giãi bày.
Giải tỏa áp lực y tế
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Giao thông vận tải, ông Nguyễn Văn Sinh – Giám đốc Làng trẻ SOS Hà Nội chia sẻ, chương trình này đã mang tới rất nhiều giá trị về tinh thần và vật chất cho làng trẻ.
Ở làng hiện có 1 nhân viên y tế cơ sở nhưng chỉ theo dõi sức khỏe, phát hiện một số bệnh thông thường và cấp thuốc thông thường cho các con, các bà mẹ, bà dì, cán bộ, nhân viên, đồng thời phụ trách một phần công tác y tế tại trường mẫu giáo của làng.
Về khám, chữa bệnh cho trẻ, 100% trẻ ở làng đều có bảo hiểm y tế. Khi phát hiện trẻ có bệnh hay có những biểu hiện sức khỏe khác thường thì làng sẽ đưa trẻ đến bệnh viện.
“Thực tế, việc khám, chữa bệnh thường xuyên cho trẻ gặp rất nhiều khó khăn, một phần do số lượng trẻ lớn, đặc biệt là eo hẹp về kinh phí. Vì vậy, việc tầm soát y tế, khám, chữa bệnh thường xuyên cho trẻ gần như không thể duy trì được. Dẫu vậy, hàng năm, chúng tôi vẫn cố gắng để phối hợp với một số đơn vị đến thăm khám cho các con”, ông Sinh cho hay.
Cũng theo ông Sinh, việc khám bệnh định kỳ cho trẻ ở làng là điều vô cùng cần thiết, bởi số lượng các con rất đông, việc quản lý, chăm lo hàng ngày vốn đã là áp lực rất lớn cho các bà mẹ, bà dì, cũng như cán bộ, nhân viên của làng.
Hơn hết, các con hầu như đều ở độ tuổi nhỏ nên việc cần được quan tâm, theo dõi sát sao các vấn đề sức khỏe. Vì vậy, đây là một trong những ưu tiên hàng đầu để nắm bắt, phát hiện và có hướng điều trị sớm cho các con khi không may có bệnh.
Mặt khác, việc khám sức khỏe thường xuyên cũng giúp nắm bắt và nâng cao thể trạng sức khỏe tốt hơn cho các con.
Lâu nay, làng đã rất cố gắng trong việc đảm bảo cung cấp các điều kiện sức khỏe, y tế cho các con, nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận, nguồn lực hạn chế nên công việc này rất cần sự san sẻ, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ cộng đồng xã hội.
“Thấu cảm những khó khăn của các con, của làng, các đơn vị tổ chức chương trình này đã thực sự giúp chúng tôi giảm bớt rất nhiều áp lực thực tế. Đặc biệt thể hiện tình yêu thương, chung tay một cách rất thiết thực trong việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh thiệt thòi”, ông Sinh khẳng định.
Ông Nguyễn Thành Chung - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Nhân Nghĩa chia sẻ, hiện nay, nhu cầu thăm khám, kiểm tra sức khỏe sau đại dịch Covid-19 trong xã hội nói chung là rất lớn. Tại Làng trẻ SOS Hà Nội cũng vậy, nhưng lại không có điều kiện để tiếp cận y tế cần thiết, rất khó khăn để có thể đến bệnh viện khám bệnh. Bên cạnh khám, chữa bệnh thông thường, chương trình chú trọng việc phát hiện sớm các loại bệnh và các hậu quả Covid-19. Thời gian qua, ở làng trẻ cũng có nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 nhưng chưa được khám sau khi khỏi bệnh.
“Chương trình này là hành động xuất phát từ tấm lòng và sự thấu cảm của chúng tôi. Việc thống nhất phương án và triển khai đội ngũ y, bác sĩ cùng trang thiết bị y tế khám, chữa bệnh trực tiếp tại làng trẻ không chỉ hỗ trợ về nguồn lực mà còn tạo ra điều kiện thuận lợi nhất có thể để các con được tiếp cận y tế, thăm khám sức khỏe với chất lượng tốt nhất”, ông Chung giãi bày.
Ông Chung cũng kêu gọi: “Điều chúng tôi mong muốn sau chương trình này là lan tỏa tới cộng đồng xã hội để làng trẻ có thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ chăm sóc các trẻ em, các bà mẹ, bà dì có hoàn cảnh neo đơn. Thời gian tới, theo các chương trình, định kỳ khám, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục các hoạt động hỗ trợ làng trẻ”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.