Thâm Quyến, một làng chài cũ của Trung Quốc, đang trên đường vượt qua Hồng Kông về quy mô kinh tế bởi nguồn cung lao động giá rẻ và nguồn vốn được trợ cấp từ chính phủ, theo Bloomberg. |
Ông Michael Parker, người đứng đầu bộ phận chiến lược châu Á - Thái Bình Dương tại Sanford C. Bernstein cho biết GDP của Thâm Quyến, thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), cách trung tâm Hồng Kông khoảng 30 km về phía bắc, sẽ tăng lên đến 350 tỉ USD vào năm 2018, trong khi đó GDP dự kiến của Hồng Kông là 345 tỉ USD.
Theo dữ liệu của chính phủ Đại lục, trong vòng chưa đầy 40 năm, dân số của Thâm Quyến đã nhảy vọt từ 30.000 người lên tới hơn 11 triệu người, vượt xa con số 7,39 triệu người của Hồng Kông. Lợi nhuận GDP hằng năm của Thâm Quyến cũng tăng trung bình gần 10% kể từ năm 2010. Còn Hồng Kông chỉ tăng trung bình khoảng 3% trong bảy năm qua vì thành phố phải vật lộn với sự suy giảm doanh thu du lịch, cuộc biểu tình đòi dân chủ trong năm 2014 và giá nhà đất đắt đỏ nhất thế giới. Các nhà phân tích của Bloomberg ước tính, tăng trưởng kinh tế của Hồng Kông sẽ mở rộng chưa đến 3% trong mỗi hai năm tới.
Li Hejun, doanh nhân từng giữ danh hiệu người đàn ông giàu nhất Trung Quốc, vừa bị một tòa án ở Hồng Kông ra lệnh cấm kinh doanh trong vòng 8 năm.
Song, trong khi Thâm Quyến đã chứng minh được khả năng áp dụng cũng như đưa mô hình thương mại và sản xuất của Hồng Kông lên một tầm cao mới, Hồng Kông vẫn giữ được vị thế trung tâm tài chính nổi bật của mình trong khu vực.
“Dường như có một giả thuyết cạnh tranh sai lầm ở đây vì cả hai thành phố đều đang đi theo hai hướng hoàn toàn khác nhau. Hồng Kông tiếp tục hưởng lợi từ sự gần gũi với Đại lục, còn Thâm Quyến được thúc đẩy bởi sự phát triển của ngành dịch vụ và công nghệ ở Trung Quốc”, ông Parker nói.
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai thành phố cũng cho thấy thách thức của Trung Quốc trong việc nhân rộng cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn tài chính theo tiêu chuẩn của các nước phát triển, ngay cả khi nền kinh tế tiếp tục mở rộng hơn 6%. “Hồng Kông sẽ luôn luôn là trung tâm tài chính và cửa ngõ để thâm nhập vào thị trường trái phiếu Trung Quốc. Nó cũng giống như London đang phải trải qua Brexit, rõ ràng là thành phố này không được như xưa nữa nhưng nó vẫn sẽ là trung tâm tài chính”, Stephen Innes, Giám đốc kinh doanh của Oanda Corp, nhận định.
Thâm Quyến đang phát triển chóng mặt trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đẩy mạnh chuỗi giá trị sản xuất và vượt xa các mặt hàng rẻ tiền như đồ chơi bằng nhựa hay hàng dệt may đơn giản như áo thun. Thâm Quyến, làng chài nghèo xưa kia nay đã là trung tâm công nghệ thông tin với sự hiện diện của các tập đoàn khổng lồ như Tencent và Huawei, một bước tiến là Hồng Kông vẫn còn đang phải chật vật để đạt được.
Theo ông Dong Chen, chuyên gia kinh tế châu Á cao cấp của Pictet Wealth Management, vai trò cầu nối của Hồng Kông giữa các nhà đầu tư nước ngoài với Trung Quốc sẽ là chìa khóa cho sự phát triển cao hơn trong tương lai. Khi các doanh nhân mở rộng kinh doanh tại Thâm Quyến, họ chắc chắn sẽ cần phải tận dụng các dịch vụ tài chính cao cấp của Hồng Kông.
Hồng Kông, với chuyên môn cao trong lĩnh vực tài chính và dịch vụ pháp lý, đã duy trì một khoảng cách khá xa với Thâm Quyến về GDP bình quân đầu người, ước tính khoảng 60% vào năm 2018. Theo Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông, GDP đầu người ở Hồng Kông đạt gần 44.000 USD trong năm 2016, trong khi con số này ở Thâm Quyến ít hơn gần một nửa, khoảng 25.000 USD.
“Sự phát triển của Thâm Quyến nói chung sẽ làm lợi cho Hồng Kông. Ở một mức độ nào đó, Hồng Kông đã trở thành hình mẫu đối với nhiều thành phố ven biển của Trung Quốc bằng cách cung cấp thị trường tự do”, ông Chen nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.