Lạng Sơn: “Binh đoàn” xe quá tải tung hoành, tỉnh lộ “gồng mình” chống đỡ

Tác giả: lê minh

saosaosaosaosao
Ý kiến 24/06/2017 04:44

Lâu nay, các tuyến tỉnh lộ 242, 243, 244 phải “oằn mình” “cõng” hàng trăm chiếc xe tải lớn nhỏ đang ngày đêm hoạt động. Trước mức độ quần thảo dày đặc của các xe quá tải trọng, nhiều tuyến đường thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã bị “cày nát”, đặc biệt có3 chiếc cầu bê tông đang bị xuống cấp nghiêm trọng, ngày đêm “gồng mình” chống đỡ.

 

anh4

Xe tải mang BKS 98C.027-13 chất đầy đất đá, cao ngất ngưởng lao vun vút trên QL1 sau khi “ăn hàng” tại mỏ đá Đồng Tiến

ĐƯỜNG TỈNH “OẰN MÌNH” “CÕNG” XE TẢI

Theo tìm hiểu, hiện trên địa bàn huyện Hữu Lũng có 4 tuyến tỉnh lộ, trong đó có 3 tuyến chạy qua các mỏ đá đang được khai thác. Cụ thể đó là các tuyến 242 (Phố Vị - Đèo Cà, dài 26,30km), 243 (Gốc Me - Hữu Liên - Mỏ Nhài - Tam Canh, dài 55km), 244 (Minh Lễ - Quyết Thắng, dài 15,80km). Những tuyến đường này đang ngày đêm bị xe trọng tải lớn chuyên vận chuyển đá từ các mỏ quần thảo khiến mặt đường bị xuống cấp nghiêm trọng, “ổ trâu”, “ổ voi” xuất hiện chằng chịt.

Theo quan sát, cả 3 tuyến đường này phần lớn đều chạy qua địa phương đang có mỏ đá được khai thác như: Đồng Tiến, Thanh Sơn, Minh Tiến, Nhật Tiến, Yên Thịnh, Yên Vượng... Ngoài QL1A thì các tuyến đường này là những huyết mạch giao thông của huyện.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện Hữu Lũng có khoảng 20 mỏ đá ngày đêm hoạt động. Dù các mỏ đá này được cấp phép, nhưng do việc buông lỏng quản lý, kiểm tra và giám sát nên trong quá trình khai thác vận chuyển đã gây ra không ít hệ lụy khiến hạ tầng giao thông bị xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT, ảnh hưởng lớn tới đời sống của nhân dân địa phương.

Theo ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, tại tuyến Tỉnh lộ 242, đoạn từ Km8 đến Km26+300 chạy qua địa bàn 5 xã: Nhật Tiến, Minh Tiến, Vân Nham, Thanh Sơn và Đồng Tiến, mỗi ngày có hàng trăm xe có tải trọng lên đến 50, 60 tấn lưu thông. Với thực trạng như vậy, gần 20km đường tỉnh này xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là đoạn từ ngã ba Gốc Quý đến Đèo Cà (thuộc địa phận xã Đồng Tiến). Vào những ngày nắng, khi các xe tải vận chuyển đá chạy qua là khói bụi mù mịt kéo theo. Khi trời mưa, con đường trở nên lầy lội với chi chít “ổ gà”.

Tại ngã 3 Minh Lễ (xã Minh Tiến, huyện Hữu Lũng), nơi giao nhau của hai tuyến Tỉnh lộ 242 và 244, chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, chúng tôi chứng kiến từng đoàn ô tô tải, chủ yếu là xe Howo lũ lượt nối đuôi nhau kéo vào các mỏ đá để “ăn hàng”. Sau khoảng 30 phút, đoàn xe lại lũ lượt đi ra với những thùng xe đầy ắp đá. Hai tấm chắn di động ở hai bên sườn xe được dựng cao để tăng thêm kích thước thùng xe, phía trên phủ bạt kín. Do chở đầy hàng, đoàn xe di chuyển rất chậm, mỗi lần đoàn xe đi qua, mặt đất lại rung lên.

Tương tự, tại tuyến Tỉnh lộ 243 từ Km0 đến Km7 và Tỉnh lộ 244 từ Km0 đến Km2, tình trạng đường xuống cấp do xe tải vận chuyển đá cũng diễn ra tương tự như Tỉnh lộ 242. Đáng báo động, tại đường 243 có 3 cây cầu đoạn qua xã Yên Vượng, Gốc Me 1, Gốc Me 2 đang phải “oằn mình” gánh những chiếc xe có trọng tải gấp nhiều lần trọng tải được phép được lưu thông qua cầu.

Cụ thể, những chiếc cầu này đều được xây dựng từ hơn 10 năm trước và trọng tải cho phép xe lưu thông là 13 tấn, nhưng xe tải lưu thông qua phần lớn đều có trọng tải lên tới 50, 60 tấn. Gánh quá tải trọng khiến cho mặt cầu bị sụt lún, thành cầu bị hư hỏng nặng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Nhìn những chiếc cầu bê tông cũ kỹ, phải “oằn mình” chịu đựng những trận “tra tấn” liên tục của các xe tải chở đá đè lên gây hư hỏng cả 2 bên thành cầu, người dân địa phương không khỏi lắc đầu than oán.

Chị Nguyễn Thị Luyến - người dân địa phương cho biết: “Đoạn đường này chủ yếu phục vụ cho các loại xe tải vào ra để vận chuyển đá từ các mỏ đá vôi từ các công ty, các chủ mỏ bên trong. Họ khai thác đá, buôn bán và vận chuyển quá tải, chạy liên tục nên mới gây nên tình trạng cầu đường đoạn này xuống cấp như thế”.

Theo lời chị Luyến, người dân địa phương đã nhiều lần có ý kiến, nhiều lần ngăn cản các phương tiện xe tải chở đá vì họ chạy xe gây bụi, ảnh hưởng đến đời sống người dân hai bên tuyến đường. “Sau khi người dân có ý kiến, các chủ mỏ cũng đã phần nào khắc phục sự việc nhưng ở mức độ giãn thời gian chạy xe, tưới nước lên đường để chống bụi, còn việc khắc phục đường hỏng, cầu hỏng thì chưa thấy đâu”, chị Luyến giãi bày.

Có mặt tại những “điểm nóng” về khai thác và vận chuyển đá tại địa bàn huyện, nhiều người dân tỏ ra bức xúc. Anh Nguyễn Văn Tuấn (xã Minh Tiến, huyện Hữu Lũng) cho biết, các xe chở đá đều chở đầy mà bạt che thùng thì sơ sài khiến đá thường xuyên rơi xuống đường gây ra nhiều hiểm họa cho người tham gia giao thông. Những xe này lại thường đi với tốc độ cao, nhất là vào ban đêm khiến chúng tôi phải chịu cảnh khói bụi và ô nhiễm tiếng ồn.

“Việc khai thác và vận chuyển đá gây ra rất nhiều bức xúc và phiền toái cho người dân sinh sống dọc Tỉnh lộ 244. Mỗi lần các mỏ cho nổ mìn và nghiền đá thì khói bụi bay khắp làng. Hầu như các nhà gần mỏ đá và gần đường cả ngày phải đóng kín cửa và che bạt để tránh bụi”, anh Tuấn than thở.

anh5

Vá đường là biện pháp tình thế được người dân xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn sử dụng trong “cuộc chiến” chống xe quá tải diễn ra nhức nhối tại Tỉnh lộ 244

BAO GIỜ HẾT CẢNH “SỐNG CHUNG VỚI LŨ”

Tìm hiểu nguyên nhân, PV Tạp chí GTVT được ông Nghiêm Văn Hải - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện tượng tuyến đường bị “băm nát” và 3 cây cầu tại Tỉnh lộ 243 bị hư hại là có thật. “Thời gian gần đây, người dân và chính quyền địa phương liên tục kiến nghị về tình trạng xe chở đá quá tải phá đường, gây mất ATGT và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng xuất hiện thì các đoàn xe được báo tin lại nằm im không hoạt động nên công tác xử lý gặp nhiều khó khăn”, ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, nguyên nhân của sự việc là do có nhiều phương tiện tham gia liên tục trên tuyến đường, chủ yếu là các phương tiện chở vật liệu xây dựng có tải trọng lớn.

Liên quan đến việc xử lý, khắc phục sự việc, đại diện Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết, trước mắt đơn vị này đã yêu cầu các chủ mỏ, các công ty khai thác, kinh doanh đá vôi trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp để khắc phục một số đoạn xuống cấp do chính những đơn vị này gây nên. Bên cạnh đó, Sở GTVT Lạng Sơn cũng đã thực hiện việc kiểm tra thực tế để đánh giá tổng thể cho việc khắc phục sự cố xuống cấp của tuyến đường, trình UBND tỉnh Lạng Sơn xin phê duyệt kinh phí duy tu, sửa chữa.

“Riêng Tỉnh lộ 243, qua đánh giá nếu để sửa chữa, nâng cấp đoạn đường hơn 7km và làm mới 3 cầu xuống cấp, chúng tôi ước tính lên đến hơn hàng chục tỷ đồng. Về việc này, do ngân sách địa phương có phần hạn chế nên chúng tôi đang chờ tỉnh báo cáo về Bộ GTVT xin hỗ trợ kinh phí. Để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân được an toàn và thông suốt, vừa qua chúng tôi bố trí nguồn kinh phí đầu tư, xây dựng mới cầu Đèo Phiếu và tiến hành nâng cấp, cải tạo một số đoạn đường bị xuống cấp”, ông Hải thông tin.

Về vấn đề này, ông Vũ Văn Nhiên - Phó Chánh TTGT tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Lực lượng TTGT tỉnh đã nhiều lần độc lập hoặc phối hợp với CSGT, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý tải trọng trên Tỉnh lộ 242, 243 và 244 nhưng gặp không ít khó khăn. Trên các tuyến này, đội ngũ chuyên báo tin rất nhiều, luôn theo dõi, thông báo hoạt động của lực lượng chức năng. Khi chúng tôi đến thì các xe nằm im, khi rời đi thì xe quá tải lại hoạt động. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm tải trọng xe, kích thước thành thùng tại ba tuyến tỉnh lộ này”

Ý kiến của bạn

Bình luận