Lạng Sơn: Nhiều tuyến quốc lộ sạt lở do mưa lớn kéo dài

Tác giả: Minh Tùng

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 14/08/2023 18:53

Các tuyến QL1B, QL279 và QL31 xảy ra sạt lở taluy dương, taluy âm, hư hỏng mặt đường, rãnh dọc do mưa lớn kéo dài nhiều ngày.

Lạng Sơn: Nhiều tuyến quốc lộ bị sạt lở do mưa lớn kéo dài - Ảnh 1.

Sạt lở trên tuyến QL1B đã được đơn vị bảo dưỡng thường xuyên đảm bảo giao thông bước một. Ảnh Chụp ngày 14/8/2023

Thông tin tới Tạp chí GTVT, ông Vũ Văn Nhiên, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn cho biết, Sở vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Đường bộ VN về việc cập nhật, thống kê tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của đợt mưa kéo dài từ ngày 23/6 đến 26/6/2023 đối với giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Theo đó, đợt mưa kéo dài từ ngày 23/6/2023 đến 26/6/2023 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã làm sạt lở ta luy âm, taluy dương, hư hỏng mặt đường và một số công trình phụ trợ trên một số tuyến đường bộ của các đơn vị quản lý.

Cụ thể, trên hệ thống quốc lộ, khối lượng thiệt hại do mưa lớn kéo dài xảy ra trên các tuyến QL1B, QL279 và QL31 đã xảy ra sạt lở taluy dương, taluy âm, hư hỏng mặt đường, rãnh dọc. Đến nay Sở GTVT Lạng Sơn đã chỉ đạo các Công ty quản lý bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) tuyến đường hót đất đá sạt đảm bảo giao thông, lập rào cảnh báo vị trí taluy âm bị sạt lở đảm bảo các tuyến đường được lưu thông thông suốt.

Sạt lở taluy dương có tới 60 vị trí, tổng khối lượng khoảng 4.427m3; Xói lở taluy âm tại 7 vị trí, tổng chiều dài sạt lở là 86m; Sạt lở taluy dương tại 1 vị trí, chiều dài sạt lở là 55m; Nền, mặt đường 1 vị trí hư hỏng, diện tích là 7,0m2 và rãnh dọc là 12 vị trí hư hỏng 638m.

Cũng theo Sở GTVT Lạng Sơn, đối với những vị trí hư hỏng trên, các giải pháp trước mắt như: Xử lý làm kè rọ đá kết hợp hoàn trả nền đường, hệ thống ATGT, xử lý xây dựng kè chắn, xử lý đào bỏ mặt đường cũ, hoàn trả lớp móng dưới, sau đó hoàn trả mặt đường bằng kết cấu phù hợp… Tổng thiệt hại ước tính khoảng 2,267 tỷ đồng.

Ngoài ra, hót dọn sạch sẽ đất đá sạt lở từ mái ta luy dương, từ sườn dốc xuống nền đường; kè rọ đá, đắp lại nền đường tại các vị trí sạt lở ta luy âm, có nguy cơ ách tắc giao thông; Trồng cọc tiêu để cảnh báo, phân luồng giao thông tại các vị trí sạt lở ta luy âm, rào chắn cảnh báo khu vực có công trình bị hư hỏng.

Ý kiến của bạn

Bình luận