Ngày càng có nhiều lao động trẻ Đài Loan tìm đến các nước Đông Nam Á để làm việc. Ảnh: Nikkei Asian Review |
Thu nhập tăng nhờ sang Việt Nam làm việc
Tám năm sau khi rời Đài Loan với một chút vốn liếng kinh nghiệm nghề nghiệp, Bevin Su giờ đây đang quản lý đội bảo đảm chất lượng sản phẩm tại một công ty gia công giày cho hãng Nike ở TPHCM. “Tôi chưa bao giờ có cơ hội như vậy nếu tôi ở lại Đài Loan hay sang Trung Quốc làm việc”, Su nói. Gần đây, anh trở về Đài Loan để thăm gia đình nhưng anh cho biết anh thích cuộc sống ở Việt Nam hơn.
Zoe Wu, 29 tuổi, một đồng nghiệp cũ của Su ở chi nhánh công ty giày Dean Shoes (Đài Loan) tại TPHCM cho biết cô đến Việt Nam làm việc sau khi nhận ra rằng cô không thể dành dụm được bất cứ khoản tiền nào với công việc trợ lý kinh doanh ở một công ty sản xuất hàng lưu niệm tại thành phố Đài Bắc (Đài Loan). Cô cho biết công ty Dean Shoes không chỉ cung cấp cho cô các bữa ăn hàng ngày, nơi ở và các dịch vụ giặt ủi mà còn hỗ trợ bảy chuyến bay khứ hồi miễn phí về thăm nhà ở Đài Loan mỗi năm và 55 ngày nghỉ phép. Wu nói, vì mức sống ở TPHCM không cao như ở Đài Bắc nên cô dễ dàng tiết kiệm được hơn phân nửa lương tháng.
“Tôi kiếm được thu nhập gấp đôi so với mức tôi có thể nhận được tại Đài Loan. Rất dễ để những người như tôi dành dụm được 30.000 đô la trong vòng hai hoặc ba năm khi ở đây. Đó là điều tôi chưa bao giờ mơ tưởng nếu tôi làm việc tại Đài Bắc”, Wu, người đang làm trưởng nhóm hỗ trợ các hãng giày như Nike, Asics và New Balance phát triển sản phẩm mới, cho biết.
Nhiều người trong số hơn 110.000 người Đài Loan như Su và Wu đang làm việc ở Đông Nam Á cho biết họ hưởng được mức lương cao hơn và các cơ hội thăng tiến tốt so với các đồng nghiệp của họ tại quê nhà. Su cho biết tại Việt Nam, mức lương khởi điểm dành cho các sinh viên Đài Loan mới tốt nghiệp ít nhất là 1.140 đô la/tháng và sau đó có thể tăng lên mức 1.500-1.600 đô la/tháng sau thời gian thử việc. Nếu làm việc ở Đài Loan, mức lương khởi điểm của họ chỉ là 927 đô la/tháng.
Trong khi đó, việc làm ở Đài Loan ngày càng khan hiếm. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ ở Đài Loan duy trì ở mức hơn 10% trong chín năm liên tục và tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động 20-24 tuổi trong tháng 8-2018 đang ở mức 12,8%.
Các nền kinh tế như Việt Nam và Ấn Độ đang tăng trưởng ở mức khoảng 7% mỗi năm, do vậy, trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn hơn đối với lao động trẻ từ Đài Loan. Số người Đài Loan ở độ tuổi 25-29 sang làm việc ở Đông Nam Á tăng 62% trong giai đoạn 2015-2017, theo dữ liệu của công ty tuyển dụng việc làm trực tuyến hàng đầu Đài Loan 104 Job Bank. Số người Đài Loan nộp đơn xin việc ở Đông Nam Á cũng tăng 33% lên mức 53.137 người trong cùng thời gian.
Chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á
Trước đây, những lao động trẻ Đài Loan như Bevin Su có thể đến Trung Quốc làm việc nhưng khi chi phí nhân công tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gia tăng cộng thêm các căng thẳng thương mại hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ, nhiều công ty Đài Loan đã chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước khác như Việt Nam và Ấn Độ.
“Chúng ta đang chứng kiến một xu hướng rõ ràng: cả các công ty lẫn người lao động Đài Loan đang đổ xô đến Đông Nam Á và Ấn Độ trong năm nay. Môi trường kinh doanh đang ngày càng sa sút ở Trung Quốc và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tạo ra các động lực mới để các tài năng và công ty Đài Loan nhanh chóng mở rộng các địa điểm sản xuất mới bên ngoài Trung Quốc”, Karen Ma, nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ công nghiệp, có trụ sở tại thành phố Tân Trúc (Đài Loan), nói.
Trong năm 2017, đầu tư của Đài Loan vào Đông Nam Á và Ấn Độ đạt 3,68 tỉ đô la, tăng 54% so với năm trước đó, theo Văn phòng đàm phán thương mại Đài Loan. Trong khi đó, đối với Trung Quốc, con số này giảm 4,8% trong năm 2017 về mức 8,74 tỉ đô la Mỹ.
Các công ty gia công giày dép và may mặc của Đài Loan như Eclat Textile, Pou Chen và Feng Tay đã chuyển phần lớn hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á. Ngoài ra, các công ty công nghệ quan trọng của Đài Loan bao gồm Advantech, nhà sản xuất máy tính công nghiệp lớn nhất thế giới và các nhà sản xuất gia công lớn của Apple như Hon Hai Precision Industry và Pegatron đều đã dời một số hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á.
“Chúng tôi đang chứng kiến ngày càng có nhiều công ty và lao động trẻ Đài Loan đến Việt Nam trong những năm qua. Đây là một thị trường khổng lồ”, Michael Hsieh, Giám đốc chiến lược Công ty thực phẩm Vedan International Holding, một trong những nhà đầu tư Đài Loan xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam, nói.
“Chính sách hướng Nam mới” của chính quyền Đài Loan đang khuyến khích các công ty Đài Loan phát triển mối quan hệ kinh doanh sâu rộng với các nước Đông Nam Á và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan.
“Chúng tôi không cho rằng dòng chảy tài năng trẻ Đài Loan đến với các đối tác ở Đông Nam Á là điều xấu đối với Đài Loan. Thực tế, xu hướng này mở đường cho các hoạt động trao đổi văn hóa và thương mại ngày càng phát triển với các nước Đông Nam Á”, John Deng, Giám đốc Văn phòng đàm phán thương mại Đài Loan, nói. Ông nhấn mạnh, chính quyền Đài Loan sẽ làm bất cứ điều gì có thể để hỗ trợ các công ty di dời từ Trung Quốc về Đài Loan hoặc đầu tư vào các nước Đông Nam Á.
Sự chuyển dịch của các công ty Đài Loan sang Đông Nam Á cũng giúp nâng cao triển vọng dài hạn cho những lao động trẻ Đài Loan làm việc ở khu vực này. “Một số quản lý của công ty chúng tôi tại các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á dưới 30 tuổi”, Mike Yang, Tổng giám đốc mảng kinh doanh ở thị trường mới nổi của Advantech, nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.