Không chỉ mang lại kinh tế cho đất nước mà XKLĐ còn được coi là kênh giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy chiến lược việc làm bền vững, qua đó huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế đất nước...
Tăng trưởng đều theo năm
Số liệu báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), lượng lao động của Việt Nam ra nước ngoài làm việc tăng trưởng đều trong 10 năm qua. Theo số liệu của Cục, năm 2007 chỉ có 80.000 lao động/năm đi xuất khẩu, đến nay (năm 2016) đã lên gần 130.000 lao động/năm.
Cùng với sự phát triển về số lượng, thị trường XKLĐ đang ghi nhận những sự tăng trưởng vượt bậc. Tính hết tháng 10/2017, mục tiêu XKLĐ đã vượt kế hoạch.
Cụ thể, hết tháng 10/2017, có hơn 106.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt 101% kế hoạch đề ra. Các thị trường lao động chính thu hút số đông lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng lao động là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Trước đó, năm 2016, số lao động đi XKLĐ đã vượt mức 126.000 người, đạt 126% kế hoạch và tăng 9,6%. Trong đó, lao động đi làm việc tại Đài Loan là 68.244 người, chiếm 58,35% số lao động đưa đi trong khu vực này. Thị trường Nhật Bản có 39.938 người.
Đây cũng là con số cung ứng lao động sang làm việc tại Nhật cao nhất so với các năm qua. Tính 10 tháng năm 2017, hiện thị trường Đài Loan vẫn giữ vị trí dẫn đầu về số lượng XKLĐ với trên 68.000 người.
Tiếp đến là Nhật Bản, khoảng 40.000 lao động, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2016. Hàn Quốc với gần 8.500 người, tăng 40,9%. Ngoài ra, một số thị trường khác cũng thu hút nhiều lao động như: Malaysia: 2.070 lao động, Ả-rập Xê-út: 4.033 lao động, Angieri: 1.179 lao động, Qatar: 702 lao động...
Cần chấn chỉnh hoạt động XKLĐ
Các chuyên gia trong lĩnh vực XKLĐ cho rằng, tuy những năm gần đây, hoạt động XKLĐ góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều người dân, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước và nhiều lợi ích kinh tế khác.
Nhưng thời gian qua, thị trường XKLĐ xảy ra những sự cố đang tiếc như: Tình trạng lao động bỏ hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài, lừa đảo XKLĐ... đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người lao động (NLĐ) Việt Nam, làm mất cơ hội cải thiện cuộc sống của nhiều NLĐ khác và nguy cơ làm giảm nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động này.
Được biết, trước tình hình trên, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ quyết liệt triển khai các biện pháp cải tổ XKLĐ. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung chấn chỉnh hoạt động XKLĐ của các DN, nâng cao chất lượng đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, ý thức cho NLĐ trước khi cung ứng ra nước ngoài.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, tính đến nay đã có 64 DN XKLĐ đã bị thu hồi giấy phép. Cụ thể từ năm 2007 đến nay, thực hiện Luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đã có tới 64 DN bị thu hồi giấy phép đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, trong năm 2017, đã có 4 DN bị rút giấy phép do vi phạm các quy định Luật về NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như: Không trực tiếp tuyển dụng lao động, cho người khác sử dụng giấy phép của mình để hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài và lợi dụng hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, thu tiền trái phép của NLĐ, đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc nhưng không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động theo quy định.
Theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, quy định tại Luật về NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, sau khi Bộ LĐ-TB&XH thu hồi giấy phép, các DN vẫn phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng cung ứng lao động đã ký với đối tác nước ngoài và hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài khi hợp đồng còn hiệu lực.
Bên cạnh đó, các DN này phải báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước về các hợp đồng đang còn hiệu lực, số lượng NLĐ đang làm việc ở nước ngoài, số lượng NLĐ đã được tuyển chọn để đưa đi làm việc ở nước ngoài và phương án thực hiện trách nhiệm đối với NLĐ theo các hợp đồng còn hiệu lực.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.