Lợi dụng quy định này, nhiều đối tượng ngụy trang “Việt kiều hồi hương” để tổ chức buôn lậu xe ôtô từ nước ngoài về Việt Nam, trốn thuế nhập khẩu, xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước.
Gần đây nhất, giữa tháng 5/2015, cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra vụ buôn lậu xe ôtô mạo danh “Việt kiều hồi hương”, đề nghị truy tố 4 bị can gồm: Nguyễn Quang Vinh (33 tuổi, ngụ quận 7), Trần Thái Nguyên (33 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng), Trần Phước Thạnh (SN 1967, ngụ quận Bình Thạnh) và Nguyễn Giang Lam (40 tuổi, ngụ quận Thủ Đức – nguyên cán bộ Phòng PA72 – Công an TP Hồ Chí Minh) về tội “buôn lậu”.
Các đối tượng trên đã móc nối với 7 chủ salon ôtô tại TP Hồ Chí Minh làm “đầu ra” cho xe ôtô nhập lậu. Thủ đoạn của các đối tượng này là đi tìm để “săn” các Việt kiều hồi hương nhưng không có xe ôtô về kèm để “mua” các tiêu chuẩn nhập khẩu xe ôtô với giá từ 1.000 – 9.000USD/suất.
Các Việt kiều hồi hương này sẽ đứng tên nhập khẩu xe ôtô từ Mỹ. Còn các thủ tục, hồ sơ xuất, nhập cảnh của các Việt kiều nhằm để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu xe ôtô từ Mỹ về Việt Nam, các đối tượng này trực tiếp thực hiện.
Từ tháng 1/2011 đến tháng 12/2012, các đối tượng trên đã thuê được 54 Việt kiều đứng tên nhập khẩu 54 xe ôtô các nhãn hiệu Rolls Royce, Land Rover, Bentley, Lexus, Audi, BMW, Porsche, Toyota, Jaguar, Honda có tổng trị giá 5.178.019 USD.
Các đối tượng đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt 64 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số tiền thuế phải nộp gồm: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, nếu không được miễn là gần 219 tỷ đồng.
Một chủ salon ôtô cho biết, tính toán sơ bộ, sau khi trừ các khoản thuế, chi phí phải trả cho việc sở hữu một chiếc siêu xe như Rolls Royce, Bentley, Lamborghini… vào Việt Nam theo con đường Việt kiều hồi hương thì giá của các siêu xe trên chỉ còn khoảng hơn 1/2 so với việc nhập khẩu chính ngạch. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, tình trạng xe ôtô nhập khẩu vào Việt Nam theo diện Việt kiều hồi hương tăng đột biến.
Ngoài nhập khẩu chính ngạch, nhiều đối tượng buôn lậu còn móc nối với một số cán bộ biến chất để đóng dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh khống của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên các hộ chiếu của các Việt kiều hồi hương được các đối tượng thuê đứng tên nhập khẩu xe ôtô.
Điển hình, bị can Nguyễn Giang Lam (nguyên cán bộ Phòng PA72 – Công an TP Hồ Chí Minh) đã đóng dấu xuất nhập cảnh khống cho hơn 10 Việt kiều, đã bị cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị truy tố về tội “buôn lậu”.
Thời gian qua các đối tượng còn áp dụng nhiều thủ đoạn buôn lậu tinh vi khác để qua mặt các lực lượng kiểm tra. Tại cảng Hải Phòng, cơ quan Hải quan đã từng phát hiện một lô hàng doanh nghiệp khai báo là 19 tấn nhựa nguyên sinh dạng hạt (xuất xứ Hàn Quốc), nhưng khi kiểm tra thực tế lô hàng thì bên trong chứa một chiếc xe hiệu Kia Morning đã qua sử dụng.
Một lô hàng nhập khẩu khác được doanh nghiệp khai báo là mặt hàng sắt vụn, nhưng thực tế bên trong lại là 3 chiếc xe ôtô hạng sang nhãn hiệu BMW, Lexus và Honda.
Nhiều trường hợp, các đơn vị nhập khẩu hàng đã tháo rời phụ tùng các loại xe sang. Thậm chí, có trường hợp cưa đôi xe BMW dưới dạng đồng nát, trà trộn với hàng hóa thông thường… để nhập khẩu, nhưng đã bị lực lượng hải quan kiểm tra phát hiện.
Từ đầu năm nay, Bộ Tài chính đã công bố lộ trình giảm thuế nhập khẩu xe trong khu vực ASEAN áp dụng cho từng năm. Cụ thể, mặt hàng ôtô nguyên chiếc dưới 10 chỗ ngồi từ khu vực ASEAN có mức thuế suất thuế nhập khẩu 50% năm 2015, giảm xuống 40% năm 2016, giảm tiếp xuống 30% năm 2017, và đến năm 2018 giảm xuống 0%. Tuy nhiên, không đợi đến thời điểm mức thuế nhập khẩu trở về 0% mà hiện nay nhu cầu sử dụng xe ôtô trong nước đã tăng đến mức chóng mặt.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2015, lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam ước đạt khoảng 9.000 xe (tăng đến 4.000 xe so với cùng kỳ năm ngoái), nâng tổng lượng xe ôtô nguyên chiếc nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm nay lên 34.000 xe (tăng 125% so với cùng kỳ năm ngoái). Đây là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao nhất về lượng cũng như giá trị trong 4 tháng đầu năm nay.
Nhu cầu tiêu thụ xe ôtô trong nước đang tăng mạnh, thuế nhập khẩu vẫn còn cao (50%), vì thế nhiều khả năng các đối tượng vẫn áp dụng nhiều thủ đoạn để nhập lậu xe ôtô để trốn thuế nhập khẩu. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác chống buôn lậu để tránh thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước cũng như làm ổn định thị trường ôtô trong nước.
Theo Congannhandan
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.