Ngày 26/9, Phó thủ tướng nhắc lại yêu cầu của Chính phủ trước đó hai tuần, giao hai bộ sớm nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ phương án thiết kế, thi công ga ngầm C9 cạnh hồ Hoàn Kiếm thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), đảm bảo đúng quy định về di sản văn hóa.
Về việc điều chỉnh dự án đường sắt đô thị số 2, TP Hà Nội chịu trách nhiệm toàn diện về thông tin, số liệu báo cáo và hiệu quả đầu tư; báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc vay vốn nước ngoài bổ sung phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án. Bộ Kế hoạch Đầu tư và TP Hà Nội hoàn chỉnh dự thảo báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2019.
Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết đã nhận được văn bản chỉ đạo của Chính phủ và đang phối hợp với Bộ Tư pháp cùng nghiên cứu phương án vị trí ga C9, sớm báo cáo cấp trên.
Vị trí ga ngầm C9 được TP Hà Nội đề xuất đặt trong khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm. Thân ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, kích thước dài 150 m, rộng hơn 21 m, sâu trên 17 m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga).
Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10 m; tới tượng đài tưởng niệm Cảm tử quân là 81 m; tới đền Bà Kiệu 83 m; tới Tháp Bút 36 m; tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120 m.
Tuy nhiên, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch từng đề nghị tịnh tiến ga C9 về phía Đông đường Đinh Tiên Hoàng, ra xa hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng vị trí ga C9 đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu là vi phạm Luật Di sản văn hóa.
Đáp lại, TP Hà Nội nhiều lần khẳng định vị trí ga C9 không xâm phạm khu vực bảo vệ lõi và các yếu tố cấu thành lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Tháng 9/2019, TP Hà Nội có văn bản gửi Thủ tướng, giữ nguyên quan điểm đặt ga C9 dưới đường Đinh Tiên Hoàng vì đây là phương án "tối ưu".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.