Cảnh cướp lộc tại hội Gióng |
Dấu ấn mới
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí GTVT, tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) năm 2016 đã có nhiều bước đột phá mới so với các mùa lễ hội trước đây. Để cho du khách về trẩy hội hiểu đầy đủ và sâu sắc về ngôi chùa cổ này, năm nay, Ban Tổ chức lễ hội chùa Bái Đính đã tăng cường công tác truyền thông. Theo đó, trang thông tin điện tử của chùa liên tục đăng tải những bài viết, thông tin về lễ hội cũng như các phóng sự ảnh cho du khách biết như: “Lễ Khai xuân Bính Thân 2016 tại chùa Bái Đính”, “Ngôi chùa nhiều kỷ lục nhất Việt Nam”, “Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại Ninh Bình”, “Lễ cung nghinh Xá Lợi Phật yên vị trên Bảo Tháp, chùa Bái Đính”... Các tin, bài phản ánh trung thực, khách quan với nhiều đề tài mới về lễ hội chùa Bái Đính.
Đồng thời, năm nay, công tác an ninh trật tự được tăng cường ở các cổng, bến, trạm xe điện đưa đón khách vào từng khu vực chùa. Lực lượng bảo vệ, công an, cảnh sát cơ động có mặt tại mọi khu vực, vừa bảo đảm an ninh trật tự, vừa hướng dẫn những người đi lễ. Vì vậy, chùa Bái Đính không xảy ra tình trạng bói toán, các trò chơi bịt bợm, móc túi hay chen lấn xô đẩy, mất trật tự xã hội… Bên cạnh đó, hiện tượng hàng quán trên toàn tuyến được bố trí ngăn nắp, tạo lối đi thông thoáng và không “chặt chém” du khách về lễ hội. Công tác vệ sinh môi trường được quan tâm chu đáo, ban tổ chức không để du khách tự ý thắp hương gây ngột ngạt trong chùa, thùng rác được đặt ở nhiều nơi để đảm bảo vệ sinh. Điều đáng ghi nhận là hiện tượng đặt tiền tại hành lang hay nơi đặt 500 vị la hán… đã giảm hẳn so với mọi năm. Có thể nói đây là những chuyển biến ý thức rất rõ rệt của người dân.
Đồng thời, lực lượng công an đã tăng cường, bảo đảm an ninh, phân luông giao thông thông suốt. Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, ngay từ mùng ngày 3 Tết, lực lượng 141 của tỉnh đã làm việc, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT với các lỗi vi phạm cơ bản như: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người và sử dụng rượu bia khi lái xe. Với sự quyết liệt trong công tác bảo đảm trật tự an ninh của Ban Tổ chức lễ hội chùa Bái Đính và các lực lượng chức năng khác của địa phương nên một số hình ảnh “phản cảm” ở các mùa lễ hội trước đã được xóa bỏ.
Tại Bắc Ninh, lần đầu tiên sau nhiều năm, việc chém lợn tại lễ hội của làng Ném Thượng, TP. Bắc Ninh (mùng 6 tháng Giêng) không còn diễn ra công khai giữa sân đình. Khu vực chém lợn được dựng rạp quây bạt kín, chỉ có một số bô lão trong làng và hai thủ đao cùng các cán bộ của địa phương được vào trong, người dân không được phép vào chứng kiến việc chém lợn. Để đảm bảo không ai có thể vào khu vực chém lợn, ban tổ chức, công an địa phương đã dựng hàng rào sắt và bảo vệ nghiêm ngặt quanh khu vực chém lợn.
Mùa lễ hội năm 2015, việc chém lợn ở nơi kín đáo đã được đưa vào kế hoạch, song đến phút cuối thì lợn vẫn được chém công khai giữa sân đình. Trước mùa hội 2016, lễ hội chém lợn làng Ném Thượng luôn là chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông cũng như tại các cuộc họp bàn về lễ hội của ngành Văn hóa, bởi nghi lễ tế lợn hiến sinh quá “đẫm máu”. Khi đề xuất phương án chém kín, rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, đồng tình có mà không đồng tình cũng có bởi đối với người dân ở nơi đây, chém lợn không chỉ là lễ hội nhằm tưởng nhớ vị thành hoàng làng đã chém lợn để nuôi quân mà còn cầu mong một năm mới an lành, may mắn. Chính vì vậy, việc đổi mới lễ hội chém lợn năm nay được cho là phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại, với văn minh lễ hội. Đây cũng là sự nỗ lực và bước tiến đáng ghi nhận của Ban Tổ chức lễ hội làng Ném Thượng cũng như người dân nơi đây.
Vẫn tái diễn “điểm xấu”
Hội Lim (13 tháng Giêng) tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh là một trong những lễ hội đặc sắc nhất của vùng đất Kinh Bắc. Những năm gần đây, công tác tổ chức ở hội Lim ngày càng được hoàn thiện, giúp hàng vạn du khách về trẩy hội được thuận tiện. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, do ý thức kém của một số người dân, hiện tượng “găm” tiền lẻ lên tượng Phật đã xảy ra tại ngôi chùa trên đồi Lim. Dù các tình nguyện viên đã ra sức nhắc nhở, thuyết phục nhưng nhiều người vẫn cố xoa tiền, găm tiền lẻ vào giữa các ngón tay tượng, khiến hình ảnh đẹp của hội Lim không còn trọn vẹn.
Không chỉ có vậy, đến với hội Lim năm nay, du khách còn vô cùng thất vọng bởi sự ô nhiễm môi trường ở nơi đây. Hội Lim được tổ chức ngay trên đồi Lim, trong ngày thời tiết nắng ráo khiến bụi đất rất nhiều, ảnh hưởng đến du khách tham gia. Nhiều người phải bịt khẩu trang đi trẩy hội. Đặc biệt, hồ giao duyên - nơi các liền anh liền chị đi thuyền rồng hát quan họ - bị ô nhiễm trầm trọng khi rác, vỏ lon nước ngọt, vỏ hộp đồ ăn, túi nilon, thức ăn thừa nổi lềnh bềnh trên mặt hồ… Điều này làm mất đi khung cảnh nên thơ của hội hát, tình trạng ô nhiễm không khí đã khiến người tham gia lễ hội mất đi ít nhiều niềm vui.
Còn tại đền Trần (Nam Định) diễn ra tối 14 tháng Giêng hàng năm, cảnh tượng chen lấn, trèo tường, leo lên lư hương, giẫm lên bệ thờ để cướp ấn thì không còn gì xa lạ. Năm nay cũng vậy, hiện tượng này lại tiếp tục xảy ra và có chiều hướng phức tạp hơn.
Ngay trong những giờ khắc đầu tiên của lễ khai ấn đền Trần, cảnh tượng hỗn loạn xảy ra khiến người ta phải “choáng váng”. Cả biển người ùa tới, dẫm đạp lên nhau để giành lộc, đẩy ngã người khác, xô đổ hàng rào, leo lên cả rào chắn, đỉnh đồng, đu lên xà nhà, cành cây, vò tiền ném rào rào vào kiệu rước và la hét ầm ĩ. Đám đông tranh cướp không chỉ lá ấn mà còn là tất cả những thứ họ tin là có “linh khí” lễ vật, đến cả nến trên bàn thờ cũng bị cướp sạch. Chỉ vài tiếng sau khi làm lễ khai ấn, các vật phẩm như hoa, quả tại ban thờ ngoài sân đền Thiên Trường đã bị cướp đến tan hoang.
Còn rất nhiều lễ hội sẽ diễn ra ở mọi nơi trong không khí rộn ràng, vui tươi đầu năm nhưng đâu đó vẫn có những hình ảnh “xấu” khiến nhiều người thất vọng cũng như làm mất đi hình ảnh đẹp mùa lễ hội trong mắt du khách không chỉ trong nước mà còn các du khách nước ngoài đến Việt Nam.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.