Lễ ký Hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho Dự án BOT Hà Nội – Bắc Giang

Bạn đọc 20/11/2014 14:12

Sáng 20/11, tại Hà Nội, Lễ ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho Dự án BOT Hà Nội – Bắc Giang đã được diễn ra dưới sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vân tải, các ngân hàng đồng tài trợ cùng các nhà đầu tư và doanh nghiệp Dự án BOT Hà Nội – Bắc Giang.


Đại diện ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, LietViet Post Bank cùng Nhà đầu tư và Doanh nghiệp Dự án BOT Hà Nội – Bắc Giang đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho Dự án

Đại diện ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, LietViet Post Bank cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án BOT Hà Nội – Bắc Giang ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho Dự án

Đoạn Hà Nội – Bắc Giang nằm trên trục chính từ Hà Nội đi Lạng Sơn, hướng ra cửa ngõ giao thương quan trọng phía Bắc. Trong khi đó, quy mô đoạn từ Hà Nội (cầu Phù Đổng) – Bắc Ninh đã được đầu tư thành đường cấp I bề rộng nền đường 6 làn, mặt đường 4 làn xe từ năm 2001. Đến nay, mặt đường đã xuống cấp nghiêm trọng. Đối với đoạn từ Bắc Ninh – Bắc Giang hiện chỉ đạt quy mô đường cấp III đồng bằng, gồm 2 làn xe cơ giới – như một nút thắt cổ chai đột ngột. Với lưu lượng khoảng 23.000 xe/ngày đêm, nhiều năm qua, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Giang bị xem là điểm đen về tai nạn và ùn tắc giao thông.

Theo Quyết định số 113/QĐ-BGTVT ngày 10/01/2014 của Bộ GTVT về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT: Điểm đầu của dự án tại KM 113+985 QL1 cũ (Nút giao QL31) thuộc địa phận thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, điểm cuối của dự án tại Km 159+100 lý trình QL1 (Trạm thu phí Phù Đổng cũ), thuộc địa phận thành phố Hà Nội. Tổng chiều dài đầu tư là 45,8km với tổng mức đầu tư là 4.213, 223 tỷ VNĐ, được khởi công ngày 22/02/2014 và dự kiến hoàn thành vào tháng 06/2016.

Theo đó, Hợp đồng tín dụng được ký kết với khoản vay đồng tài trợ là 3.658,214 tỷ VNĐ, trong đó Vietcombank cho vay tối đa 2.158,214 tỷ VNĐ và không vượt quá 51,95% tổng mức đầu tư gồm VAT được phê duyệt của dự án. Việc tham gia của các đơn vị vào dự án theo phương thức xã hội hóa thể hiện tính đúng đắn trong chủ trương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của Nhà nước, nhằm đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, cải thiện điều kiện khai thác, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên QL1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực nói chung cũng như của thủ đô Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển GTVT.
 

Bảo Anh

Ý kiến của bạn

Bình luận